Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chàng trai M’nông đam mê chế tác nhạc cụ dân tộc

PV - 11:52, 06/11/2018

Tốt nghiệp THPT năm 2008, Y Puên Niê (sinh năm 1986, tên thường gọi là Ama Phiu) ở buôn Bhung, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đăk Lăk) tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn lính trinh sát, thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (đóng tại Kon Tum).

Y Puên Niê Y Puên Niê đang chế tác đàn brô.

Là người đam mê văn hóa truyền thống nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2009, Y Puên thi vào học tại Trường Trung cấp Đam San (khoa Quản lý Văn hóa). Hiện nay, anh là một trong số ít nghệ nhân trẻ trong các buôn, làng ở huyện Krông Bông có thể sử dụng và chế tác được các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống.

Y Puên chia sẻ: anh yêu thích âm nhạc và đam mê chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc ngay từ khi còn nhỏ. Đang học lớp 8, Y Puên đã chế tác được cây sáo đinh buốt đầu tiên với sự hướng dẫn của người bác (nghệ nhân Y Săn Mlô ở buôn Khanh, xã Cư Pui). Đến nay, anh đã chế tác được 5 nhạc cụ khác là đàn brô, goong, sáo vỗ, đinh tắk tar, đing năm. Khi chế tác, anh đã cải tiến một số chi tiết để âm thanh nghe hay hơn và để thổi được những giai điệu luyến láy.

“Những nhạc cụ mình chế tác cơ bản về hình thức không thay đổi so với nhạc cụ truyền thống. Song mỗi cái đều có sự cải tiến để có thể thể hiện được những giai điệu phù hợp với những bài ca mới hiện nay, mà âm thanh có phần hay hơn”, Y Puên cho biết.

Say mê với việc chế tác nhạc cụ, nhưng Y Puên cũng là người có giọng hát hay: cao, ấm, đậm chất Tây Nguyên. Không những vậy, anh còn thể hiện rất tốt những nhạc cụ truyền thống. Anh đã cùng với đoàn nghệ nhân của huyện Krông Bông nhiều lần tham dự Hội diễn Nghệ thuật quần chúng của tỉnh và đều mang về những giải cao. Năm 2007, khi còn đi học THPT, Y Puên tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Đăk Lăk lần thứ 12. Anh đã đạt Huy chương Vàng tiết mục độc tấu sáo vỗ “Ê Ra Đăm Ra”. Ngoài ra, Y Puên còn sáng tác những bài hát ca ngợi về vẻ đẹp của quê hương Cư Pui, Krông Bông, ca ngợi tình yêu đôi lứa. Đến nay, anh đã sáng tác được 6 bài hát. Những bài hát do anh sáng tác tuy chưa chính xác về phần nhạc lý nhưng giai điệu, lời ca rất hay, được nhiều bạn trẻ và bà con trong buôn yêu thích.

Mong muốn đóng góp một phần nhỏ công sức để bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống Tây Nguyên, nên ngoài công việc hàng ngày, anh dành nhiều thời gian để chế tác nhạc cụ và dạy cho lớp trẻ trong buôn cách thể hiện các bài chiêng, cách chơi và chế tác một số nhạc cụ dân tộc truyền thống. Anh cũng đang có ý định sẽ tạo riêng một góc trong gia đình để trưng bày những nhạc cụ do bản thân chế tác. Đồng thời, đang tiếp tục sưu tầm thêm những nhạc cụ khác của người Ê-đê, M’nông; sưu tầm các dụng cụ lao động, sinh hoạt của người dân địa phương. Y Puên chia sẻ: “Phải khơi dậy, lôi cuốn được lớp trẻ đến với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Muốn vậy hàng năm, địa phương nên tổ chức nhiều hoạt động như liên hoan văn hóa cồng chiêng, thi chế tác nhạc cụ; diễn tấu nhạc cụ truyền thống, giao lưu giọng hát dân ca… để các nhạc cụ và những điệu hát dân tộc truyền thống có nhiều không gian để diễn, thì mới mong những nét đẹp văn hóa này không bị mai một”.

Hiện nay, Y Puên Niê đang là cán bộ văn hóa xã Cư Pui, phụ trách Đài Truyền thanh của xã. Trong công việc được giao, anh là người nhiệt tình, trách nhiệm, luôn đảm bảo giờ giấc phát thanh. Anh viết, biên tập các tin tức một cách kịp thời và tự đọc bản tin. Với những thành tích xuất sắc trong công việc cũng như cống hiến trong sự nghiệp văn hóa, Y Puên Niê đã được nhận nhiều giấy khen của các cấp lãnh đạo.

TÙNG LÂM

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.