Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Chạy đua cùng lũ

Nguyễn Thanh - 15:52, 12/09/2024

Những ngày vừa qua, lực lượng chức năng và người dân chạy đua với công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Thời gian càng kéo dài, lòng người càng như muối xát, khi mà những hi vọng sống còn dưới đống đổ nát của sạt lở, lũ ống, lũ quét… càng trở nên mong manh hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thị sát, thăm hỏi bà con Nhân dân xã Vân Hà, huyện Việt Yên đang bị ngập lụt do nước sông Cầu tràn vào
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thị sát, thăm hỏi bà con Nhân dân xã Vân Hà, huyện Việt Yên đang bị ngập lụt do nước sông Cầu tràn vào

Trắng đêm giữa vùng lũ

Những dòng sông cuồn cuộn đổ về, nước ngập băng băng nhấn chìm bao làng mạc, phố xá, bao mái ấm của người dân các tỉnh miền núi phía Bắc. Hàng vạn người dân chới với giữa dòng nước bạc; thiếu thốn đủ thứ, từ miếng ăn, nước uống, đến quần áo và cả nơi tá túc tạm thời…

Ngay giữa màn đêm mưa gió mịt mùng ấy, đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc đã hối hả chạy lũ trong hoảng loạn, âu lo và chồng chất nguy hiểm.

Khi có thông tin đê sông Lô, đoạn qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị vỡ do nước sông lên cao; công tác vá đê khẩn trương được triển khai. Đoạn đê bị vỡ dài khoảng 10m giáp ranh với xã Hợp Nhất của huyện Đoan Hùng, Phú Thọ. Đêm ấy (10/9), hàng trăm người dân và các lực lượng chức năng thức trắng để vá đê.

Cũng trong đêm 10/9, chính quyền xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) liên tục phát đi thông báo về tình hình mưa lũ khẩn cấp; kêu gọi, nhắc nhở người dân di chuyển đến nơi an toàn, phòng nước lũ lên trong đêm. Một cuộc chạy lũ giữa mịt mùng mưa đêm đã diễn ra đầy khẩn trương với phương châm đảm bảo an toàn cao nhất về người và tài sản.

Hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở đất ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái sáng 12/9
Hiện trường nơi xảy ra vụ sạt lở đất ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái sáng 12/9

Lũ về, đã đảo lộn mọi thứ vốn bình thường mỗi ngày. Không khí gấp rút chống lũ lan nhanh đến mọi ngõ ngách, chòm xóm, thôn bản. Những Sở chỉ huy tiền phương chống lũ vội vàng được thiết lập; những chiếc xuồng, ca nô chạy hết công suất vào ra vùng bị cô lập; hàng nghìn bộ đội, công an, dân quân tự vệ… cùng người dân địa phương nỗ lực cứu người, cứu tài sản.

Tại Sở chỉ huy tiền phương tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) - nơi vừa xảy ra trận lũ quét kinh hoàng khiến 37 ngôi nhà bị vùi lấp, hàng trăm người thương vong; công tác chỉ đạo cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn đang rất khẩn trương.

Kể từ khi người dân Làng Nủ gặp nạn, các lực lượng chức năng chưa một giờ ngơi nghỉ. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết: Đã có khoảng 500 người tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Các lực lượng đã xuyên ngày đêm, nỗ lực cứu hộ cứu nạn trên vùng đất bị sạt lở.

Đã 4 ngày kể từ thời điểm lũ lên trên các con sông Cầu, sông Thao, Sông, sông Lô, sông Kỳ Cùng, sông Hồng…, người dân vùng lũ thức trắng, để chạy lũ. Cùng với người dân di chuyển người và tài sản, các lực lượng chức năng đã và đang nỗ lực tiếp cận vùng bị cô lập, hỗ trợ nhu yếu phẩm trước mắt cho người dân bị nạn.

Lực lượng chức năng xuyên đêm cứu hộ cứu nạn
Lực lượng chức năng xuyên đêm cứu hộ cứu nạn

Thiệt hại nặng nề

Trong số nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đợt này, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cao… bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Cứ nhìn con số thống kê của ngành chức năng về tình trạng ngập lũ, về những thiệt hại không thể đo đếm từ sạt lở núi, lũ ống và lũ quét là thấy rõ nhất. Trong đó, Lào Cai được ví như là cái "rốn" của sạt lở đất và lũ quét trong dịp này.

Chỉ trong ngày 10/9, tại đây đã xảy ra 3 vụ sạt lở đất nguy hiểm, khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, nhà cửa bị vùi lấp. Đó là vụ sạt lở tại nhà điều hành thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (huyện Bắc Hà) bị đất đá sạt lở vùi lấp, 5 người mất tích; là sạt lở tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên khiến 37 ngôi nhà bị san phẳng; là sạt lở tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc khiến 7 người tử vong, 11 người đang mất tích.

Lãnh đạo các ban, ngành tỉnh Lào Cai đã có mặt tại những điểm sạt lở, chỉ huy các lực lượng nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn. Hàng trăm con người cùng các phương tiện máy móc bới đất, gạt đá… với biết bao hi vọng. Nhưng, khối lượng đất đá tràn xuống quá lớn. Ngay như ở thôn Làng Nủ, bùn dày đến gần 10m.

Sau Lào Cai, thì Yên Bái cũng là vùng chịu thảm họa của sạt lở đất. Khoảng 2h sáng 10/9/2024, một vụ sạt lở đất tại thôn Át, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên đã vùi lấp hoàn toàn 5 hộ gia đình sinh sống phía dưới chân đồi, làm 9 người chết và mất tích.

Sáng 12/9, tại xã Hưng Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) xảy ra một vụ sạt lở đất làm 3 ngôi nhà bị đổ sập, vùi lấp. Bước đầu cơ quan chức năng nghi có hai vợ chồng bị mắc kẹt.

Tiếng khóc cào xé núi rừng các tỉnh phía Bắc, tang thương bao trùm nhiều bản làng có người dân gặp nạn.

Hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bào Yên (Lào Cai)
Hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bào Yên (Lào Cai)

Hiện tại, lực lượng đã sử dụng flycam tham gia tìm kiếm cứu nạn tại Làng Nủ. Cả chó nghiệp vụ cũng đã được điều động về các điểm sạt lở để kiếm tìm những người còn mất tích. Tất cả như đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người dân gặp nạn.

Đã 2 ngày trôi qua sau các vụ sạt lở đất, hàng chục người mất tích vẫn biệt tăm, để lại nỗi đau đáu khôn nguôi cho người ở lại. Niềm hi vọng về người thân còn sống, hoặc có thể tìm thấy thi thể… ngày càng cào xé ruột gan. 

Những ngày qua và hôm nay, công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích vẫn đang được tiến hành khẩn trương, quyết liệt. Ngày mai và những ngày sau, cứu hộ, cứu nạn vùng sạt lở vẫn được lực lượng chức năng ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khó khăn và cũng là thách thức rất lớn là lượng đất đá tại các điểm sạt lở tràn xuống quá nhiều.