Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chế tác đàn tính - không chỉ là một nghề

Văn Hoa - 19:11, 14/03/2022

“Làm đàn tính không chỉ là một nghề mang lại thu nhập, mà qua đó, em cũng muốn góp phần nhỏ của mình vào việc giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Tày cho thế hệ mai sau”. Đó là những chia sẻ của Dương Doãn Quảng (sinh năm 1992), dân tộc Tày, thôn Đon Riệc 1, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn).

Dương Doãn Quảng trong xưởng sản xuất đàn tính của mình
Dương Doãn Quảng trong xưởng sản xuất đàn tính của mình

Đam mê không đợi tuổi

Trong dịp công tác tại Bắc Sơn, chúng tôi được ông Dương Doãn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh kể về anh Dương Doãn Quảng, trẻ tuổi nhưng có biệt tài chế tác đàn tính. Tò mò về chàng trai trẻ này, chúng tôi tìm đến nhà Quảng để tìm hiểu thêm.

Từ cổng đi vào đã nghe tiếng máy cắt gỗ đinh tai, trong nhà xưởng bày la liệt là đàn tính và các vật liệu làm đàn. Thấy khách đến chơi, Quảng dừng tay mời chúng tôi lên thăm căn nhà sàn truyền thống của gia đình, cũng là nơi trưng bày các sản phẩm đàn hoàn thiện. Tại đây, Quảng giới thiệu cho chúng tôi nghe về các sản phẩm đàn tính và lý do Quảng say mê đàn tính.

Một buổi biểu diễn đàn tính của Dương Doãn Quảng từ thuở nhỏ
Một buổi biểu diễn đàn tính của Dương Doãn Quảng từ thuở nhỏ

Quảng kể, từ nhỏ đã được nghe các bậc cao niên hát then, gảy đàn tính, nghe nhiều thành quen và cứ thế đàn tính thấm vào cảm xúc, tâm hồn lúc nào chẳng hay. Một ngày, có một nghệ nhân đến xã bán thuốc nam, nhận thấy Quảng yêu thích đàn tính, ông đã chỉ cho vài thao tác cơ bản để làm đàn.

Từ khi còn đang là học sinh cấp 2, ngoài giờ đi học trên lớp, Quảng đã mày mò làm đàn và cùng các anh, các chị đi diễn văn nghệ. Ban đầu, Quảng phải mày mò, nghiên cứu rất lâu. Vì mới tiếp cận nên Quảng còn lúng túng khi lựa chọn nguyên liệu làm đàn, khắc các họa tiết mộc, tinh chỉnh âm thanh...

Nhưng nhờ sự kiên trì, chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, sáng tạo trong mẫu mã sản phẩm, dần dần Quảng đã chế tác ra những chiếc đàn tính vừa đẹp về hình thức, vừa chuẩn về âm thanh. Từ việc làm đàn để thỏa mãn đam mê, để tặng hoặc chỉ bán cho người quen trong vùng, dần dần Quảng đã coi nghề làm đàn tính là nguồn thu nhập chính của gia đình. Sản phẩm đàn tính của Dương Doãn Quảng được khách hàng khắp cả nước yêu thích.

Quảng cũng cho biết, bản thân đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc nhưng “Học xong về gắn bó với nghề làm đàn cũng vui. Làm đàn tính không chỉ là một nghề mang lại thu nhập, mà qua đó, em cũng muốn góp phần nhỏ của mình vào việc giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở hiện tại và cho thế hệ sau”, Quảng chia sẻ.

Không chỉ là một nghề

Các sản phẩm đàn tính do Dương Doãn Quảng chế tác
Các sản phẩm đàn tính do Dương Doãn Quảng chế tác

Quảng tâm sự, từ năm 2016, nhận thấy tiềm năng và nhu cầu cần mua đàn tính trong các bản làng còn lớn, nhưng tại địa phương chỉ có vài người biết làm đàn, do đó Quảng đã quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh, coi nghề làm đàn là một nghề chính.

Hiện tại, Quảng bán đàn chủ yếu cho khách hàng quen và qua Facebook “Đàn tính Dương Quảng”. Mỗi tháng, Quảng làm và bán được từ 5 - 6 cây đàn, mang lại thu nhập hơn chục triệu đồng/tháng. Anh cũng thuê thêm một thợ để phụ nghề.

Cầm cây đàn trên tay, Quảng giải thích, quan trọng nhất khi chế tác cây đàn, là hộp quả bầu (hộp phát âm). Khi cắt phải làm sao cho đều, đẹp, mặt vừa tầm không rộng quá, không nhỏ quá để phát ra âm thanh hay. Đàn có 3 dây, trước kia các cụ phải dùng dây lá gai, bây giờ dùng dây cước âm thanh hay hơn, bền hơn.

Quảng cho biết thêm, khó khăn nhất là không đủ nguyên liệu, đó là quả bầu. Để chủ động nguyên liệu, Quảng đã tự trồng bầu để lấy quả nhưng cũng không đủ nên em phải đi tìm mua quả bầu ở các vùng khác.

Dương Doãn Quảng đang chế tác đàn tính
Dương Doãn Quảng đang chế tác đàn tính

 “Em mong muốn làm được nhiều đàn để phục người có nhu cầu. Đặc biệt sắp tới, em sẽ làm những loại đàn với kích cỡ phù hợp với học sinh để học sinh có thể dễ dàng tiếp cận hơn với đàn tính”.

Được biết, Quảng còn là Bí thư Chi đoàn được chính quyền địa phương, đoàn viên đánh giá là năng động, sáng tạo, hát hay, đàn giỏi. Ngoài làm đàn tính, Dương Doãn Quảng còn tham gia vào nhóm biểu diễn văn nghệ hát then- đàn tính của địa phương, khơi dậy tình yêu then- đàn tính cho thế hệ trẻ.

" Quảng còn góp phần bảo tồn dân ca huyện Bắc Sơn; cũng như thúc đẩy cho sự phát triển du lịch của địa phương trong những năm gần đây", Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh Dương Doãn Tuấn nhận xét.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.