Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chi trả giảm phát thải nhà kính: Nguồn lực mới để bảo vệ, phát triển rừng

Khánh Thư - 20:14, 06/11/2020

Giai đoạn 2018 - 2024, 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) sẽ được Quỹ Đối tác Các-bon trong lâm nghiệp (được ủy thác qua Ngân hàng Thế giới) thanh toán 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho dịch vụ giảm phát thải nhà kính. Đây là một nguồn lực mới để giúp các tỉnh bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Thỏa thuận ERPA sẽ bổ sung nguồn lực kịp thời cho công tác bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. (Ảnh minh họa)
Thỏa thuận ERPA sẽ bổ sung nguồn lực kịp thời cho công tác bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. (Ảnh minh họa)

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Việt Nam là một thành viên của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị các nước thành viên lần thứ 21 tại Paris năm 2015, Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác đã đề xuất sáng kiến và cam kết triển khai sáng kiến lượng giá và chi trả phát thải khí nhà kính.

Theo đó, Việt Nam đã cam kết quyết tâm bằng kịch bản thông thường (tự lực của nước ta) sẽ giảm phát thải 8% khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 2015. Nếu có thêm sự hợp tác có hiệu quả các tổ chức và quốc gia khác, Việt Nam sẽ cam kết giảm đến 25% khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 2015.

Để triển khai sáng kiến này, Liên hợp quốc đã thành lập Qũy đối tác giảm phát thải Các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp (gọi tắt là FCPF). Những năm qua, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với FCPF cũng như với nhiều tổ chức, quốc gia, nhất là với Na Uy chuẩn bị để thực hiện cơ chế tín chỉ Các-bon.

Năm 2018 là năm có nhiều đột phá trong tiến độ triển khai khi nước ta đã được FCPF công nhận cơ bản đã hoàn thành giai đoạn sẵn sàng thực thi quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng Các-bon rừng. Tại Nghị định số 156/2018/NĐ - CP của Chính phủ về thi hành Luật Lâm nghiệp năm 2017 cũng đã quy định tín chỉ giảm phát thải Các-bon và việc thực hiện dịch vụ này như một loại dịch vụ môi trường rừng. Cũng trong năm 2018, Bộ NN&PTNT cùng với FCPF đã ký nghị định thư về việc Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên chuyển sang giai đoạn mới triển khai chi trả quỹ giảm phát Các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp dựa trên kết quả đạt được.

Chiều ngày 22/10/2020, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới - cơ quan nhận ủy thác của FCPF đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Với Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2e giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 2018 - 2024; FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).

“Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là quốc gia thứ năm trên toàn cầu ký ERPA. Việc ký kết thỏa thuận mang rất nhiều ý nghĩa đối với Việt Nam. Đặc biệt, thỏa thuận này sẽ kịp thời bổ sung nguồn tài chính mới, với tương lai sẽ được duy trì rất ổn định và ngày càng tăng lên nhằm phục vụ cho công tác nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, nhất là tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Vùng Bắc Trung Bộ được lựa chọn vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế - xã hội. Toàn vùng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu ha (chiếm 16% diện tích đất của cả nước), trong đó 80% là đồi núi, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Diện tích rừng của vùng trên 3,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%.