Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Dự án trồng rừng gỗ lớn ở Quảng Ngãi: Vì sao khó đạt như kỳ vọng

Đạt Thành Nhân - 21:59, 20/07/2020

Trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả người dân và doanh nghiệp (DN). Nhưng vì còn những tồn tại chưa được giải quyết, nên Dự án (DA) liên kết triển khai trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn ì ạch.

Các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi tuyên truyền cho người dân về lợi ích của trồng rừng gỗ lớn.
Các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi tuyên truyền cho người dân về lợi ích của trồng rừng gỗ lớn.

Để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, Nhà nước và các DN lâm nghiệp đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, như: Cung cấp giống cây chất lượng với giá ưu đãi; hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và chi phí đánh giá chứng chỉ rừng đạt chuẩn quốc tế FSC (là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng bảo đảm được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan)... Tuy nhiên, người trồng rừng ở Quảng Ngãi vẫn không mặn mà.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân khiến các chủ rừng từ chối tham gia DA là do thời gian quá dài (10 năm), nhưng mức hỗ trợ quá thấp (1 triệu đồng/ha/năm). Mặt khác, để trồng rừng gỗ lớn, các chủ rừng phải chặt bỏ bớt số lượng cây để phù hợp với mật độ quy định. Việc khai thác theo kiểu “cắt tỉa” này sẽ tốn nhiều công khai thác, vận chuyển; đồng thời dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng và đổ ngã khi đến mùa mưa bão...

Ông Phạm Trung Trường, xã Bình An (huyện Bình Sơn) chia sẻ: Tôi cũng muốn tham gia DA chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Nhưng thời tiết ngày càng cực đoan, rừng trồng thường xuyên bị ngã đổ mà DN lại không thu mua, nên tôi không dám mạo hiểm. Cơn bão năm 2009 đã làm ngã đổ hàng trăm ha rừng đến kỳ thu hoạch, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, khiến tôi nợ ngân hàng nhiều năm liền không trả nổi.

Còn ông Phạm Trung Việt, ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) có 30ha rừng đủ điều kiện để tham gia chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc với gia đình và rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do bão gây ra trước đó, ông Việt quyết định chỉ tham gia chuyển đổi 6ha sang rừng gỗ lớn. Diện tích còn lại, gia đình ông vẫn trồng và khai thác theo chu kỳ 5 năm như trước.

Theo ông Nguyễn Đại, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, trong khi người dân lo DN thất hứa, không chia sẻ rủi ro, còn DN lại lo người dân không tuân thủ hợp đồng, bán cây non hoặc bán gỗ ra ngoài, thay vì bán cho DN, hoặc bán gỗ trước thời điểm quy định, thay vì giữ rừng, tạo rừng gỗ lớn.

“Bên cạnh đó, quỹ đất để trồng rừng gỗ lớn rất hạn chế. Phần lớn diện tích đất rừng trồng ở miền núi đều do người dân đang tổ chức sản xuất. Nhiều diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không đủ cơ sở pháp lý để liên kết”, ông Đại cho biết thêm.

Theo kế hoạch được phê duyệt, giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Quảng Ngãi sẽ chuyển đổi 428ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, nhưng đến nay mới chuyển được 1/3 diện tích. Để DA được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm kế hoạch được giao, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi đã tiến hành rà soát và vận động các chủ rừng có diện tích rừng lớn tham gia DA. Song, trong thời gian thực hiện xảy ra nắng nóng, cũng như ảnh hưởng từ các cơn bão vào cuối năm 2019 đã làm cho nhiều diện tích rừng ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ bị đổ ngã, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng rừng.

“Kế hoạch năm 2019 trồng 230ha, nhưng mới chỉ thực hiện được 101ha. Diện tích còn lại khá lớn, trong khi nhiều hộ dân lại xin rút khỏi DA, nên mục tiêu này sẽ khó đạt. Để thực hiện DA trồng rừng gỗ lớn, tỉnh cần xây dựng lại mức hỗ trợ. Theo đó, thay vì 1 triệu đồng/ha/năm trong thời gian 5 năm, thì có thể hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/năm vào năm thứ 6 và 7, để chủ rừng có động lực tham gia”, ông Đại chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Nắng hạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng

Nắng hạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng

Theo thống kê từ ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng mưa trung bình trên địa bàn toàn tỉnh đạt thấp, chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số ngày nắng nóng tiếp tục tăng, biên độ nhiệt thay đổi giữa ngày và đêm lớn. Mực nước trên các sông suối đang giảm dần, nhất là các suối nhỏ đang giảm mạnh. Gây khó khăn cho tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp.