Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Chiếc khẩu trang và chính sách bình ổn giá

Sỹ Hào - 09:58, 07/02/2020

Trang thiết bị y tế là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người cần được quản lý một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý loại hàng hóa này vẫn còn nhiều “khoảng trống” cần sớm hoàn thiện.

Tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona. (Trong ảnh: Chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp cho người dân thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng-Ảnh tư liệu)
Tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona. (Trong ảnh: Chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp cho người dân thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng-Ảnh tư liệu)

Trước khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona xuất hiện, có lẽ không nhiều người để ý đến những trang thiết bị y tế thông thường là khẩu trang y tế, nước sát trùng,... Nhưng nay, giữa “bão” dịch, một chiếc khẩu trang y tế đội giá hàng chục lần so với bình thường mà người dân vẫn phải chấp nhận mua.

Nguyên nhân chính là do nhu cầu sử dụng tăng cao đột biến và việc gian thương lợi dụng tình trạng khẩn cấp để đầu cơ, tích trữ, tăng giá sản phẩm. Chỉ tính trong ngày 3/2/2020, qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 74 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc trên địa bàn cả nước tăng giá đột biến đối với sản phẩm khẩu trang y tế, nước sát trùng. Trong khi công tác phòng, chống dịch đang được cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân xác định như “chống giặc” thì đây là những hành vi cần phải được lên án và xử lý thích đáng.

Nhưng ở góc độ chính sách pháp luật thì tình trạng đầu cơ tăng giá trang thiết bị y tế một phần xuất phát từ những “khoảng trống” trong các quy định hiện hành. Luật Giá 2012 đã quy định nghiêm cấm các cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều trang thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang y tế, nước sát trùng,… đang nằm ngoài tầm kiểm soát của quy định này vì những “khoảng trống”. Đáng chú ý, đối với các sản phẩm khẩu trang y tế, nước sát trùng,… hiện không nằm trong danh mục hàng bình ổn giá của Nhà nước. Điều này gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá chiều 31/1/2020, trước tình trạng tăng giá khẩu trang y tế để trục lợi nhân dịch cúm corona, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, về nguyên tắc, khẩu trang y tế không phải là mặt hàng bình ổn giá. Nhưng theo quy định của pháp luật về giá, tất cả các mặt hàng phải niêm yết giá, không niêm yết sẽ bị xử phạt và bán không đúng giá niêm yết xử phạt nặng hơn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị lực lượng thanh tra tài chính và quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử phạt thật nặng nếu vi phạm.

Việc tăng cường kiểm tra và xử phạt hành vi đầu cơ, tăng giá, buôn bán khẩu trang y tế, nước sát trùng không rõ nguồn gốc không kiểm định được chất lượng là hoàn toàn cấp thiết trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đang diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh đó, việc các địa phương xem xét để đưa những trang thiết bị y tế thông thường như khẩu trang, nước sát trùng,… vào danh mục bình ổn giá cũng là một giải pháp hữu hiệu, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, tình trạng khẩn cấp về dịch sẽ được công bố khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Bộ Y tế cũng đã có Quyết định 219/QĐ-BYT, ngày 29/1/2020 bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Trong tình trạng dịch bệnh bùng phát như hiện nay, mặt hàng khẩu trang y tế được xem xét là mặt hàng cần thực hiện bình ổn giá. Theo đó, trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh có quyền quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể tại địa phương.


Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.