Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chiêm Hoá (Tuyên Quang): Phát triển các mô hình đội văn nghệ quần chúng để bảo tồn văn hóa truyền thống

Vĩnh Sơn - 09:51, 10/12/2023

Huyện Chiêm Hóa có 18 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt , từ đó đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa màu sắc. Những năm qua, các hoạt động phát huy, bảo tồn văn hóa diễn ra sôi nổi tại huyện Chiêm Hoá, đặc biệt là hoạt động biểu diễn vă hóa, văn nghệ diễn ra ở các tổ dân cư, thôn xóm... đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo nên môi trường bổ ích, ý nghĩa để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện.

Các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi tại huyện Chiêm Hoá.
Các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi tại huyện Chiêm Hoá.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, trong những năm qua, UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức sưu tầm, khai thác những làn điệu nghệ thuật văn hóa mang sắc thái từng dân tộc sinh sống trên địa bàn. Các lễ hội truyền thống của dân tộc được phục dựng tổ chức hàng năm như: lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày ở các xã, lễ Cấp sắc và lễ Cầu mùa của dân tộc Dao, mở các lớp truyền dạy hát Then, đánh đàn tính, đưa hát Then - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào trường học để giữ gìn.

Có thể thấy, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa ngày càng phát triển mạnh. Hầu hết các xã, thị trấn, các đơn vị, trường học...trên địa bàn huyện đều duy trì đội văn nghệ quần chúng, tổ chức giao lưu, biễu diễn vào những dịp lễ tết, ngày nghỉ. Hiện nay, toàn huyện có hơn 500 đội văn nghệ quần chúng, có 44 câu lạc bộ hát then, đàn tính dân ca, dân vũ. Các đội văn nghệ, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả đã góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc.

Chị Quan Thị Hiền, Bí thư Đoàn xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, nơi có mô hình CLB hát Then hoạt động sôi nổi, cho biết, CLB được duy trì từ 2019, đến nay CLB có 11 thành viên từ 17 - 34 tuổi. “Chúng tôi thường xuyên tổ chức giao lưu và biểu diễn hát Then phục vụ khách du lịch. Từ khi thành lập, CLB trở thành sân chơi ý nghĩa cho các bạn trẻ. Đây là nơi để các bạn thể hiện tình yêu với các làn điệu truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, qua việc biểu diễn đã lan tỏa những nét đẹp văn hóa của dân tộc, giúp các bạn trẻ có thêm thu nhập và năng động, tự tin hơn”, chị Hiền kể.

Bên cạnh đó, hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghê truyền thống đã được đưa vào trường học. Đặc biệt là các trường nội trú, nơi có đông học sinh là người dân tộc thiểu số, có quy định ngày thứ hai hằng tuần, các dịp lễ, các chương trình kỷ niệm, sinh hoạt Đoàn, Hội, ngoại khóa..., đoàn viên thanh niên mặc trang phục của dân tộc mình, thành lập các CLB nói tiếng dân tộc, CLB chơi các nhạc cụ dân tộc. Từ đó, giúp các hội viên, thanh niên, thế hệ trẻ được học tập, nghiên cứu, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc...

Ông Bàn Xuân Đông, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hoá dân tộc Dao tiền xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá) trao đổi với các thành viên trong CLB.
Ông Bàn Xuân Đông, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hoá dân tộc Dao tiền xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá) trao đổi với các thành viên trong CLB.

Thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Chiêm Hóa đã mở các lớp tập huấn truyền dạy văn hóa dân gian tại các xã Hà Lang, Tân An, Yên Lập, Kim Bình, Tri Phú…

Cuối tháng 10 vừa qua, lớp truyền dạy văn hóa dân gian, dân tộc tại xã Tri Phú được khai giảng với 33 học viên là đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Tày cùng tham gia. Em Vàng Thị Mai, dân tộc Mông, 16 tuổi, thôn Lăng Quăng chia sẻ, là thành viên trẻ nhất lớp học, em cảm thấy vinh dự và tự hào khi được học hát, múa, ghi chép lại các lời bài hát bằng tiếng dân tộc của mình. Khi biết thêm nhiều bài hát, điệu múa, em thấy tự tin và tích cực hơn khi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của thôn, xã cũng như ở trường học.

Tại các lớp học, những học viên là hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, thanh thiếu niên đam mê ca hát, yêu thích văn hóa dân tộc đã được học cách tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, xây dựng chương trình biểu diễn, lựa chọn chủ đề, diễn viên. Các học viên còn được học hát Then, đàn Tính, múa Tày, múa khèn Mông, thổi khèn, hát dân ca, múa ô, học viết và nói tiếng dân tộc…

Thực tế cho thấy, chủ trương phát triển, nhân rộng các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện Chiêm Hoá không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân mà còn tạo môi trường thuận lợi để giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống của các dân tộc. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, qua đó thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở; đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.