Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Chiến dịch “số hóa” ở biên giới Nậm Pồ

Song An - 10:13, 21/12/2022

Với nhiều khó khăn đặc thù, quá trình triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tại huyện biên giới Nậm Pồ (Điện Biên) đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của lực lượng chức năng địa phương… Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động đến từng nhà, từng người được xem là một giải pháp tích cực, hiệu quả tại địa bàn này.

(CĐ Bộ Tư Pháp- Hoàng Thanh) Chiến dịch “số hóa” ở biên giới Nậm Pồ
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nậm Pồ phối hợp tuyên truyền cho người dân xã Phìn Hồ về những lợi ích của Đề án 06.

Mang “công nghệ” đến tận nhà

5 giờ 30 phút sáng, Đại úy Thùng Văn Trung, Trưởng công an xã Nậm Chua cùng 2 cán bộ trong Tổ căn cước công dân (CCCD) số 1, Công an huyện Nậm Pồ lên xe máy xuống bản Huổi Cơ Mông. Chuyến đi này, các anh có nhiệm vụ đón một cụ già lớn tuổi về trụ sở Công an xã để làm CCCD.

Thời tiết mùa này ở biên giới, sương mù giăng kín lối đi. Để vượt con đường gập ghềnh đá hộc trong ánh đèn xe mập mờ, Đại úy Trung phải ghì chặt tay lái. Cái rét đầu mùa ở vùng cao chưa khắc nghiệt song cũng đủ khiến đôi tay tê dại sau chặng đường chỉ vài cây số. Anh Trung chia sẻ, đợt này, mỗi ngày anh cùng đồng đội di chuyển khoảng 8 lần như vậy để đón đưa người dân đi làm CCCD.

Trước đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội địa phương, đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động bà con chủ động đến trụ sở xã để làm CCCD. Tuy nhiên, anh Trung cho hay, vẫn còn một số trường hợp già, yếu, khuyết tật hoặc không có phương tiện, không tự điều khiển xe đến xã. Thời gian vừa qua lại là cao điểm mùa nương, người nhà họ đều bận rộn.

“Trong khi đó, địa bàn ở đây lại rất rộng, cùng 1 bản song có nhà cách nhau tới vài km đường đất. Vì vậy chúng tôi phải đến tận nhà để tuyên truyền, vận động và đón bà con ra trụ sở làm các thủ tục cần thiết. Đối với những bản số lượng người đông và có đủ điều kiện thì tổ công tác sẽ mang các thiết bị vào tận nơi để làm cho người dân”, Đại úy Trung tâm sự.

Trung úy Giàng A Sếnh, Tổ trưởng tổ CCCD số 1 cho biết, không riêng Huổi Cơ Mông, nhiều bản trên địa bàn đều có các trường hợp tương tự. Đơn cử, tại bản Trên Nương, xã Nà Bủng (địa bàn do tổ phụ trách) có 12 trường hợp là người già, phụ nữ sau sinh, người tàn tật không thể đến trụ sở làm CCCD. Do các trường hợp này, sống rải rác ở cách xa nhau nên tổ công tác phải phân loại theo từng hoàn cảnh để bố trí, sắp xếp đến từng nhà tuyên truyền, vận động và hoàn tất các thủ tục làm CCCD cho phù hợp.

(CĐ Bộ Tư Pháp- Hoàng Thanh) Chiến dịch “số hóa” ở biên giới Nậm Pồ 1
Công an xã Phìn Hồ hỗ trợ đưa người dân từ bản về trung tâm làm CCCD.

“Sau khi chúng tôi tìm hiểu thì đã tuyên truyền, vận động được 3/12 trường hợp đến điểm tập trung làm CCCD. Còn lại 9 người khác, tổ công tác bố trí thơi gian, mang theo máy móc đến từng nhà để thực hiện. Đa phần đều tuổi cao, bệnh nặng, không thể ngồi dậy nên rất khó chụp hình. Có trường hợp vân tay mất nét phải thực hiện nhiều lần. Do vậy, mỗi ngày có khi chỉ hoàn thành được cho vài trường hợp. Dẫu vậy, anh em xác định, đi là để phục vụ bà con nên đều nhẫn nại, kiên trì và giữ thái độ niềm nở”, Trung úy Sếnh chia sẻ.

Tại địa bàn khác, Tổ công tác số 2 thời gian qua cũng tích cực có mặt tại cơ sở để thực hiện nhiệm vụ. Nhận được thông tin mẹ mình được hỗ trợ làm CCCD tại nhà, anh Sùng A Vàng, bản Đệ Tinh 1, xã Phìn Hồ rất phấn khởi. Anh Vàng bộc bạch: “Mặc dù chính quyền đã thông báo, tuyên truyền, vận động nhiều đợt làm CCCD trước đó rồi, nhưng từ nhà đến trụ sở xã xa quá. Mẹ tôi thì già yếu, lâu nay nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều do con cái chăm sóc nên không dám đưa bà ra xã. Cứ nghĩ là mẹ sẽ không bao giờ được làm thẻ CCCD, giờ được cán bộ đến tận nhà làm cho mẹ tôi. Thế này bà vui lắm. Tôi cũng rất mừng!”.

Lấy nhiệt thành “bù lấp” khó khăn

Một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Đề án 06, là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Dữ liệu dân cư, mã định danh cá nhân là nền tảng triển khai. Tuy nhiên, hơn 90% dân số huyện Nậm Pồ là người DTTS, còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, kết nối, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng. Vì vậy, trong suốt quá trình này, lực lượng công an địa phương này luôn phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến tận nơi, đồng thời tiến hành rà soát từng trường hợp, tiếp nhận đầy đủ thông tin để có dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”.

“Việc đi tuyên truyền, vận động lưu động, đến từng nhà người dân là rất vất vả. Vì ở đây địa bàn miền núi, giao thông cách trở, khoảng cách giữa các nhà lại xa. Trong khi thời điểm triển khai lại đúng vào giao điểm mùa mưa và mùa rét nên khó khăn càng lớn. Tuy nhiên, anh em vẫn động viên nhau nỗ lực làm sao để bà con được hưởng thụ các dịch vụ tiện ích sớm nhất”, Đại úy Sùng A Sử, Trưởng Công an xã Phìn Hồ cho hay.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nậm Pồ cùng máy móc thiết bị chuyên dụng đến các bản vùng cao làm CCCD lưu động không còn xa lạ đối với người dân. Tại các điểm cấp CCCD lưu động, lực lượng công an làm việc xuyên đêm, quyết tâm hoàn thành việc cấp CCCD đúng tiến độ đề ra với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”.

Đơn cử như Trung úy Giàng A Sếnh, gia đình ở bản Trên Nương nhưng từ tháng 2/2022 (khi bắt đầu triển khai làm CCCD) cho đến nay anh mới về nhà được 3 lần. Có thời điểm con bị ốm nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, song vì công việc mà không thể thăm nom, chăm sóc con.

 “Đây là nhiệm vụ quan trọng, địa bàn lại nhiều khó khăn nên khối lượng công việc lớn, cần nhiều thời gian. Bởi vậy, chúng tôi cần tạm gác lại đòi hỏi cá nhân, ưu tiên tập trung cao độ để hoàn thành đúng kế hoạch, mang lại tiện ích sớm nhất cho bà con”, Trung úy Sếnh nói.

Nậm Pồ là huyện biên giới, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 62%. Qua thống kê, rà soát, hiện địa phương này còn 3 bản không có sóng di động, 13 bản sóng yếu, chất lượng đường truyền không tốt. Cùng với đó là khó khăn về giao thông, nhận thức người dân… Theo Trung tá Vàng A Chính, Trưởng Công an huyện đánh giá thì đây chính là những nguyên nhân khiến việc tiếp cận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến của bà con còn hạn chế, đòi hỏi các cán bộ phải tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến từng nhà, từng người là vậy.

(CĐ Bộ Tư Pháp- Hoàng Thanh) Chiến dịch “số hóa” ở biên giới Nậm Pồ 2
Công an huyện Nậm Pồ triển khai làm CCCD tại nhà cho các trường hợp đặc biệt, khó khăn trong di chuyển.

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn này, huyện Nậm Pồ đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị thành viên. Ngoài các tổ công tác cấp xã, cấp bản, 121 tổ công nghệ cũng được hình thành phủ khắp các địa bàn để tuyên truyền và hỗ trợ người dân. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, công an huyện bố trí hai tổ lưu động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.

Sau khi triển khai làm CCCD, tích hợp các thông tin của công dân trên thẻ và cấp tài khoản định danh điện tử, cán bộ, chiến sĩ các tổ lại phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, thao tác trực tiếp trên điện thoại thông minh về Dịch vụ công trực tuyến. Lực lượng Công an xã cũng tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã thành lập các tổ công nghệ (tổ Đề án 06) ở từng bản. Các thành viên tổ công nghệ gồm bí thư chi bộ, trưởng bản, công an viên, bí thư đoàn thanh niên hoặc những người có trình độ, am hiểu công nghệ sẽ tham gia hỗ trợ người dân trong bản đăng ký.

Đến hết tháng 9, Công an huyện Nậm Pồ đã hoàn thành đồng bộ, làm sạch được 58.661/58.661 nhân khẩu thường trú; 3.244/3.244 nhân khẩu tạm trú; xác lập và bổ sung, cập nhật thông tin về số định danh công dân có trên hệ thống vào các loại sổ sách quản lý cư trú đạt 100%. Thực hiện cấp số định danh cho hơn 14.177 trường hợp; triển khai 8 dịch vụ công của Bộ Công an trên môi trường điện tử; tiếp nhận hơn 1.362 hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.