Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chiêng cổ - "Của để dành" cho thế hệ sau

Thùy Dung - 17:16, 17/11/2021

Đối với người Gia Rai ở xã Ia Krai (huyện Ia Grai), những bộ chiêng cổ được xem như vật quý trong nhà và là “của để dành” cho con cái. Dù được trả giá rất cao, có chiếc chiếc lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng người dân nhất quyết không bán.

Gia đình ông Ksor Trơn giữ gìn bộ chiêng quý của gia đình như báu vật
Gia đình ông Ksor Trơn giữ gìn bộ chiêng quý của gia đình như báu vật

Theo chân chị Ksor Liên, Cán bộ văn hóa-thông tin xã Ia Kra và bà Puih Phyim- Người có uy tín ở làng Dọch Tung, chúng tôi tìm về nhà ông Ksor Trơn, một tay chơi chiêng lão luyện của làng và cũng là một trong số những người còn giữ được cồng chiêng cổ. Thấy chúng tôi ghé thăm và ngỏ lời muốn tìm hiểu về cồng chiêng, ông cười sảng khoái rồi vào trong căn phòng nhỏ mang chiêng ra cho chúng tôi chiêm ngưỡng.

Phủi lớp bụi còn vương trên từng chiếc chiêng, ông chia sẻ: “Bộ chiêng này là do mình mua được vào năm 1989, do một vài người dân ở xã biên giới Ia O mang vào làng bán. Thời ấy, trâu bò còn có giá trị cao, mình bán cả trâu, bò và lúa trong kho để mua bộ chiêng này với giá 150 triệu đồng. Số tiền ấy rất lớn nhưng vì mình mê chiêng quá và mong muốn có "của để dành" cho con cái sau này nên nhất quyết mua cho bằng được”.

“Thời xưa, đối với đồng bào dân tộc vùng này, chiêng là một tài sản rất quý báu không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần. Chiêng còn thể hiện cho sự sung túc của một gia đình, của buôn làng. Làng nào càng nhiều chiêng thì chứng tỏ càng giàu có. Tuy nhiên, vì chiến tranh mà chiêng bị lưu lạc đi nhiều và cũng vì đói nghèo mà người dân bán dần nên đến bây giờ những nhà còn giữ được chiêng rất ít”, ông Trơn chia sẻ.

Đối diện nhà ông Trơn là nhà bà Ksor Tăm, gia đình bà Tăm cũng là một trong những hộ còn giữ được chiêng quý của vùng này. Bộ chiêng có giá trị lên tới hơn 500 triệu đồng. Bà Ksor Tăm chia sẻ: Bộ chiêng này là do cha mình để lại cho. Ngày trước, cha là người đi buôn chiêng khắp vùng này, vì vậy, ông biết và hiểu rõ về chiêng nên mới tìm mua được bộ chiêng quý. Bộ chiêng này đã gắn bó với gia đình chúng tôi hàng chục năm trời rồi, quý lắm.”

Bà Puih Phyim, Người có uy tín ở làng Dọch Tung cho biết: “Tính sơ sơ trong làng còn 6, 7 hộ giữ được cồng chiêng cổ. Có bộ chiêng lên tới hơn 500 triệu đồng”.

Đi qua bao mùa lúa rẫy, ông Ksor Trơn không còn được khỏe như trước. Căn nhà của ông Ksor Trơn nằm nép mình ở giữa làng Dọch Tung (xã Ia Krai, huyện Ia Krai), trong căn nhà nhỏ đơn sơ không có gì giá trị ngoài chiếc ti vi và bộ chiêng cổ. Tôi thử hỏi về chuyện bán chiêng, ông Ksor Trơn kiên quyết: “Có đói nghèo mình cũng không bán chiêng. Với mình, bộ chiêng này là vô giá. Nhiều người đến hỏi mua lắm, họ đưa giá rất cao và dành nhiều giờ thuyết phục mình nhưng mình không đồng ý. Ngày xưa, mình phải đổi 1 gia tài mới có được bộ chiêng này nên bây giờ dù có khó khăn thế nào mình cũng không bán”.

Ông Ksor Trơn và bộ chiêng quý của gia đình
Ông Ksor Trơn và bộ chiêng quý của gia đình

“Số tiền ấy mình có thể xây nhà, mua thêm đất để làm hay cho con cái thêm ít vốn làm ăn. Nhưng nếu bán đi rồi sau này mình có muốn cũng không tìm mua được nữa. Không tìm đâu ra được bộ chiêng quý này, mình để dành cho con cái sau này, để chúng nó còn biết cồng chiêng là gì”, ông Trơn chia sẻ.

Cũng như ông Ksor Trơn, bà Ksor Tăm cũng lắc đầu khi được hỏi về việc bán chiêng cổ: “Cồng chiêng như một phần máu mủ đối với người trong gia đình mình. Nên dù có ai ngả giá cao thì mình cũng không bán, quyết giữ lời hứa với cha trước lúc lâm chung rằng sẽ giữ gìn cồng chiêng cho con cái và truyền lại cho nhiều thế hệ sau.”

Nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của cồng chiêng, những người già làng như bà Puih Phyim, ông Ksor Trơn và những người già trong làng đều miệt mài tìm cách giữ gìn và truyền lại cho con cháu và thế hệ trẻ trong làng. “Cồng chiêng thì còn giữ được, nhưng tình yêu văn hóa truyền thống thì cần phải nuôi dưỡng. Thế hệ trẻ trong làng ít người mặn mà với cồng chiêng, vì vậy chúng tôi phải thường xuyên tuyên truyền và đứng lên dạy miễn phí nếu có ai muốn học đánh chiêng”, ông Ksor Trơn chia sẻ.

Tiếp lời ông Ksor Trơn, bà Puih Phyim cho biết: “Việc giữ gìn cồng chiêng và lưu giữ phát huy các giá trị văn hóa, cồng chiêng là trách nhiệm cộng đồng làng. Thời gian qua, để giúp người dân thêm yêu văn hóa dân tộc, đặc biệt là cồng chiêng, múa xoang những người đứng đầu thôn, làng như chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền người làng cùng nhau học đánh chiêng, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa do xã, huyện tổ chức. Vận động những nhà còn cồng chiêng tiếp tục gìn giữ trong gia đình để giữ gìn truyền thống ông bà để lại.

Chị Ksor Liên, cán bộ văn hóa xã Ia Krai cho biết: Hiện nay người dân trên toàn xã còn giữ được khoảng 91 bộ chiêng, trong đó có rất nhiều bộ chiêng có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng đã được truyền lại qua nhiều thế hệ trong gia đình. Để người dân giữ gìn cồng chiêng, xã cũng đã tuyên truyền người dân không nên bán chiêng để giữ gìn văn hóa dân tộc. Đồng thời, tổ chức các hội thi cồng chiêng, đưa các đội tham gia vào các sự kiện lễ hội, giao lưu cồng chiêng với người dân xã khác để người dân thêm yêu văn hóa dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Âm vọng đại ngàn của người Chu Ru luôn vang lên rộn rã…

Âm vọng đại ngàn của người Chu Ru luôn vang lên rộn rã…

Đã có những năm tháng, âm nhạc dân gian và những vũ điệu Tamya Arya, Dăm Dar của người Chu Ru vắng bóng trong các buôn làng. Nhưng hôm nay đã khác, mỗi khi buôn làng mở hội hay đón khách quý, âm vọng đại ngàn của người Chu Ru lại vang lên rộn rã...