Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Già làng K’Tiêng tâm huyết với văn hóa Mạ

PV - 10:44, 10/07/2019

Nặng lòng với văn hóa truyền thống nên già làng K’Tiêng ở bon N’Jiêng, xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông, dành nhiều thời gian để luyện tập những bài chiêng cổ và ra sức truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ông được đánh giá là một nghệ nhân hiếm hoi sử dụng thành thạo và có thể truyền dạy tất cả các nhạc cụ của đồng bào Mạ cho thế hệ sau.

Già làng K’Tiêng hướng dẫn đội văn nghệ bon đánh chiêng. Già làng K’Tiêng hướng dẫn đội văn nghệ bon đánh chiêng.

Xã Đăk Nia có đông đồng bào DTTS sinh sống, trong đó người Mạ chiếm đa số và được ngành Văn hóa đánh giá, là cái nôi văn hóa dân tộc Mạ ở thị xã Gia Nghĩa. Sinh ra và lớn lên trong tiếng cồng chiêng, không gian văn hóa đặc trưng của đại ngàn Tây Nguyên, từ khi còn nhỏ già làng K’Tiêng đã được cha truyền dạy cho các kỹ thuật đánh cồng chiêng.

Đam mê cồng chiêng nên mỗi khi bon làng tổ chức lễ hội, ông lại tìm đến để được thưởng thức và học hỏi thêm từ người đi trước. Ông tập trung lắng nghe từng nốt âm phát ra để ghi lại trong trí nhớ, rồi về nhà tự thực hành. Đối với những bài chiêng khó tập mãi không chuẩn âm, đúng nhịp ông không ngần ngại nhờ bậc tiền bối trong bon chỉ dẫn.

“Để đánh được chiêng không khó, quan trọng là âm thanh phát ra phải chuẩn nên học đánh cồng chiêng việc quan trọng nhất phải tập trung nghe từng nốt âm phát ra thì mới thấu hiểu được”, già làng K’Tiêng chia sẻ.

Không chỉ đánh cồng chiêng giỏi, sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc, ông còn có tài chỉnh chiêng và chế tác nhiều nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa. Hiện nay, ông là một trong số ít nghệ nhân nắm vững kiến thức về cồng chiêng và hiểu sâu sắc văn hóa của người Mạ. Thậm chí không cần phải suy nghĩ, ông có thể diễn tấu liền mạch 10 bài chiêng mà không biết mệt.

Điều đáng ghi nhận, ông không những tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức mà còn sẵn sàng truyền dạy cồng chiêng cho các bạn trẻ trong bon cũng như những ai có nhu cầu. Nhiều năm qua, già làng K’Tiêng dành thời gian, công sức để truyền dạy đánh cồng chiêng, dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ trong bon và được Trường DTNT N’Trang Lơng tại Gia Nghĩa mời truyền dạy đánh cồng chiêng cho giáo viên, học sinh của trường.

Mặc dù được biểu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh, truyền dạy các giá trị văn hóa của đồng bào cho nhiều thế hệ, nhưng già vẫn đau đáu nỗi lo bảo tồn giá trị truyền thống trước xu thế hiện đại, hội nhập. “Thế hệ của tôi đều già hết rồi, sức khỏe cũng không còn được như trước, thế hệ trẻ bây giờ cũng không nhiệt huyết mấy. Nhiều người già yếu, đau ốm không thể đi lại được, sức mình cũng yếu hơn rồi nhưng vẫn phải cố gắng truyền dạy nếu không bọn trẻ sẽ quên văn hóa truyền thống của người Mạ”, già K’Tiêng bộc bạch.

Theo Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Gia Nghĩa, thì hiện nay trên địa bàn xã Đăk Nia chỉ còn một số nghệ nhân có hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống các DTTS. Già làng K’Tiêng là một nhệ nhân hiếm hoi ở Gia Nghĩa có hiểu biết tổng thể văn hóa dân gian của người Mạ.

Để ghi nhận những đóng góp tích cực của già làng K’Tiêng trong việc tham gia các hoạt động văn nghệ và bảo tồn văn hóa truyền thống, UBND tỉnh Đăk Nông tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Năm 2015, già làng K’Tiêng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.