Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chiều trên đồi Thi Nhân

Tiêu Dao - 15:23, 21/01/2020

Tôi trở lại Ghềnh Ráng (Quy Nhơn, Bình Định) vào một chiều cuối năm sau mười năm đến thăm nơi đây. Những cơn gió trễ nải trên triền đồi, những hàng cây vi vu như lời mời gọi khách lãng du phương xa dừng chân ghé lại để miên man với sóng, với gió và cả những câu chuyện về đời, về người nơi này…

Căn lều thơ của Dzũ Kha
Căn lều thơ của Dzũ Kha

Miên man Quy Hòa

Ghềnh Ráng, Quy Hòa giờ đã là một quần thể kiến trúc tuyệt mỹ, bởi một phần là sự tạo tác của tạo hóa, một phần nữa bởi bàn tay của những con người yêu vùng đất này. Núi ôm vây lấy thung lũng xanh, hình nửa vầng trăng như tình yêu của một người thiếu nữ. 

Đứng từ trên Ghềnh Ráng nhìn xa xa thấp thoáng sau những tàng cây là biển xanh sóng trắng vỗ êm ả những âm điệu dạt dào của đại dương, những rặng liễu vi vút với gió đã hàng trăm năm vẫn hát giọng trầm bổng của miền hoang dã, để những ai dẫu nặng lòng tục lụy cũng được thanh thoát. 

Theo vết kỷ niệm đã một lần đến, tôi men theo con đường bê tông rộng phẳng được mở từ nhiều năm về trước, nối liền đồi Thi Nhân với Quy Hòa. Tôi đến viếng ngôi mộ nằm khuất sau những rặng cây hoa sữa đang nồng hương từ những chùm hoa trắng xóa, là nơi an nghỉ đầu tiên của Hàn thi sĩ. 

Trước đây khi tôi đến lần đầu, Quy Hòa còn hoang sơ và yên tĩnh, không ngờ rằng bây giờ nơi này cơ ngơi lại bề thế, cuộc sống có nhiều đổi thay đến như vậy. Bên khe suối nhỏ, những bông hoa còn tươi được thả xuống, cứ mải miết trôi theo dòng như một chút trầm tư mặc niệm cho nhiều người đã nằm xuống tại nơi đây thay thế cho sự bừng sinh của cuộc sống mới...

Những bức tượng các danh nhân trầm ngâm bên những lối đi yên bình, dưới những rặng dương liễu tha thướt nằm bên bãi tắm đã được quy hoạch. Phòng lưu niệm nhà thơ bạc mệnh họ Hàn yên ắng, đây cũng chính là nơi nhà thơ trút hơi thở cuối cùng. Thắp một nén nhang thơm trên bàn thờ thi sĩ, tôi lặng yên đứng nhìn tất cả những gì thân thiết nhất của ông, lật từng trang cuốn sổ lưu niệm ghi lại những cảm tưởng của du khách khi đến đây, và thấy rằng còn nhiều lắm những người yêu thơ ông, cảm thơ ông. 

Giờ đây người xưa đã nằm bên Khe Nước Ngọc, và khi quay lại nơi đây, tôi mới hay mình phải bước lên cầu qua Khe Nước Ngọc để lên cùng thi sĩ ngắm toàn bộ thành phố biển Quy Nhơn này. Chiều trên đồi thi nhân, tôi lặng lẽ thắp thêm những nén hương, lặng lẽ nhìn những cuộn khói bay vòng lãng đãng tỏa trên mộ chí, thương cho thân phận con người.

Dzũ Kha khắc những bài thơ bất tử của Hàn thi sĩ trên những tấm gỗ thông lấy từ Ghềnh Ráng
Dzũ Kha khắc những bài thơ bất tử của Hàn thi sĩ trên những tấm gỗ thông lấy từ Ghềnh Ráng

Lão gàn bên đồi thi nhân

Chiều trên Ghềnh Ráng êm ả, những du khách bách bộ trong khuôn viên Ghềnh Ráng đều trầm trồ trước những bức tranh, những tuyệt phẩm thơ Hàn được tạo tác bằng bút lửa của Dzũ Kha. Lúc tôi đến, ông đang dở tay chăm chút cho mấy chậu tiểu cảnh, cho bầy cá ăn trong một cái hồ nhỏ ngay bên cạnh lều thơ. Căn lều thơ bằng cỏ bé nhỏ của ông trước đây nằm cạnh bên mộ Hàn, mà như lời ông nói để mỗi tối trăng lên ông lại được trầm ngâm bên Hàn mà ngắm đất trời, biển xanh mênh mông của thung lũng Quy Nhơn. 

Ông vẫn thế, mái tóc dài hơi xoăn thả ngang vai, ít râu, người mảnh khảnh, và luôn cởi mở, với mọi người. Mọi người đến đây cũng không phải ai cũng biết rằng đã ba mươi năm qua, lúc nào ông cũng bên cạnh ngôi mộ, nhang khói ngày ngày cho Hàn Mặc Tử. 

Dzũ Kha thuộc hầu hết thơ Hàn Mặc Tử, những bài thơ đọc ngược đọc xuôi, những tìm tòi, thu thập thơ và biên tập trọn vẹn lại thành nhiều cuốn sách tự làm. Ông như một tri âm, tri kỷ của Hàn Mặc Tử mặc dù một kẻ ở dương thế còn một người đã ở nơi cửu tuyền. Mặc dù như ông nói: “Tôi cũng chỉ như bao người yêu thơ Hàn mà thôi! Mọi người cứ nói tôi là học trò của họ Hàn, nên mới yêu thơ, mới ngày ngày nhang khói cho thầy theo đúng đạo học! Nhưng thú thật tôi chỉ là một gã “khùng” si mê với thơ Hàn…”.

Với cây bút lửa cùng đôi tay tài hoa của người từng tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật, những bài thơ bất tử của Hàn lần lượt hiện lên trên những tấm gỗ thông lấy từ Ghềnh Ráng. Nhìn ông cặm cụi ngồi viết từng câu thơ, nhất loạt đều là thơ Hàn, nghiêng mái tóc xõa vai và chầm chậm từng khói thuốc bay lên, dễ cảm nhận được nỗi niềm của ông như trút hết vào từng câu từng chữ. Miệt mài, cặm cụi, tỉ mẩn, tay cầm cây bút lửa chép thơ, ông chẳng còn biết đến những người khách đứng vây quanh đang trầm trồ thán phục. 

Bất kỳ ai đã từng gặp ông, đều cảm nhận được ở ông niềm say mê thơ Hàn đến độ mê dại của Dzũ Kha. Mỗi khi bắt gặp được khách tâm giao, bất kể già hay trẻ, nam hay nữ muốn trò chuyện, bàn luận về thơ, về đời Hàn Mặc Tử là ông có thể dốc bầu tâm sự thâu đêm, suốt sáng. Tình yêu ấy không xuất phát từ lợi ích cá nhân hay bất kỳ một mưu cầu nào khác mà đơn giản chỉ là sự đồng điệu tâm hồn giữa một thi nhân và một người nghệ sĩ mà thôi. 

Ngày nắng cũng như mưa, Dzũ Kha vẫn cần mẫn với công việc của mình. Những lúc đông khách ông trở thành người hướng dẫn say sưa. Những lúc vắng vẻ ông lại miệt mài với công việc. Dzũ Kha còn được xem là người đang sưu tầm và lưu giữ đầy đủ nhất các di cảo của thi nhân Hàn Mặc Tử. Tại căn phòng lưu niệm ghi dấu tên tuổi của những người bạn đã chăm sóc Hàn Mặc Tử trong những giờ phút cuối cùng, người ta thấy có tên của rất nhiều người thân thích, những người đã an ủi, chia sẻ và động viên thi sĩ trong những năm tháng cuối đời... Tất cả những tư liệu này đều có phần đóng góp không nhỏ của Dzũ Kha, người đã bỏ nhiều công sức để sưu tầm các tư liệu này...

Chiều buông trên đồi Thi Nhân, những dòng người vẫn nối tiếp nhau hướng về mộ phần Hàn Mặc Tử, để tưởng nhớ đến thân phận mỏng manh của người thi sĩ tài hoa bạc mệnh. Gã “khùng” Dzũ Kha vẫn miệt mài ngày ngày khắc lên bao tấm gỗ thông lấy từ trên triền Ghềnh Ráng những câu thơ của thi sĩ họ Hàn…

 


Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.