Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Chính sách dân tộc, góp phần giảm nghèo cho người dân Tri Tôn

PV - 09:50, 22/01/2018

Nằm giữa vùng đồng bằng, nhưng huyện Tri Tôn (An Giang) là huyện miền núi, đa dân tộc, đa tôn giáo. Tỷ lệ đồng bào DTTS hiện chiếm trên 50% dân số. Đời sống của đồng bào còn khó khăn, có tư liệu sản xuất và mái nhà vững chãi để an cư phát triển kinh tế là điều mơ ước của nhiều hộ đồng bào DTTS nơi đây.

Theo chị Neáng Sâm Bô, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tri Tôn, đối với đồng bào nghèo, không có đất ở, đất sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng bà con di cư tự do để tìm việc làm; gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu và hỗ trợ của chính quyền.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS an cư giai đoạn 2013-2015, huyện Tri Tôn đã hỗ trợ cho 99 hộ dân có đất ở, đất sản xuất thuộc 04 xã (Ô Lâm, Cô Tô, Núi Tô, Vĩnh Gia) theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg. Nhờ đó, trong giai đoạn này tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đã giảm đáng kể.

Chị Kim Phụng vui mừng vì không chỉ được hỗ trợ xây nhà mà còn được cung cấp điện, nước sinh hoạt. Chị Kim Phụng vui mừng vì không chỉ được hỗ trợ xây nhà mà còn được cung cấp điện, nước sinh hoạt.

 

Giai đoạn 2016-2020, triển khai Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, thì tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều của huyện còn khá cao; Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 51,47% so với hộ nghèo toàn huyện, cận nghèo là 30,82%.

Từ thực tế đó, huyện Tri Tôn đã tập trung các nguồn lực để triển khai các chương trình, chính sách an sinh xã hội trong đồng bào DTTS. Trong đó, tiếp tục giải quyết các vấn đề về nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất...

Theo đó, trong năm 2017, huyện Tri Tôn tiếp tục hỗ trợ 98 hộ về đất ở, với kinh phí 3 tỷ 267 triệu đồng. Riêng dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Tri Tôn hỗ trợ hơn 500 triệu đồng cho các mô hình sản xuất hộ gia đình. Theo kế hoạch mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng.

Ngoài ra, từ nguồn lực các dự án giảm nghèo của địa phương, Phòng Nông nghiệp huyện đã triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, công cụ sản xuất và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho hơn 1.500 lượt hộ đồng bào Khmer, với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ khó khăn đồng bào DTTS an tâm lao động, sản xuất.

Chị Ngô Kim Phụng, xã Ô Lâm thuộc diện hộ nghèo do không có đất ở, đất canh tác; gia đình chị phải sống nhờ nhà người thân, đi làm thuê để sinh sống qua ngày. Đầu năm 2017, gia đình chị được hỗ trợ đất ở, và được vay 8 triệu đồng xây nhà. “Bây giờ tập trung lo làm để cho con được học thêm cái chữ, có dư được tiền sẽ trả cho Nhà nước và chăn nuôi thêm. Tết này không phải mua nhiều quần áo mới đâu, vì có nhà mới là một cái áo to trùm cho cả nhà rồi”, chị Phụng phấn khởi ví von.

Cũng là hộ nghèo trong huyện, lại nuôi thêm 2 đứa cháu mồ côi, không có đất canh tác, chị Nang Sóc Kha ở Núi Tô được hỗ trợ đất làm nhà, còn được vay 25 triệu đồng để mua bò nuôi; cả nhà chị đều được cấp thẻ bảo hiểm, 2 đứa cháu mồ côi của chị được Nhà nước cho đi học ở trường nội trú. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị đã từng bước ổn định, thoát nghèo.

Đặc biệt, gia đình anh Chau Soc ở ấp Ninh Lợi, xã An Tức từ hộ nghèo, được hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi, sau nhiều năm phấn đấu, cần cù lao động sản xuất, gia đình anh không những đã thoát nghèo mà còn thành lập trang trại thu mua bò, nuôi dưỡng cung ứng bò giống.

2 năm trở lại đây, thu nhập của gia đình anh là gần 300 triệu đồng/năm. Trang trại của anh còn hỗ trợ, giải quyết việc làm cho một số lao động trong phum sóc qua việc cắt cỏ, chăm sóc bò.

Được biết, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà chỉ vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Tri Tôn có khoảng 2.100 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo.

C.TIÊN - Ý VY

Tin cùng chuyên mục
Đổi thay ở Lân Quan

Đổi thay ở Lân Quan

Từng là một xóm vùng sâu đầy gian khó của người Mông, hôm nay Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã có nhiều đổi thay. Phấn khởi hơn, là sự thay đổi tư duy nhận thức của đồng bào Mông trong việc nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình, thôn xóm ngày càng phát triển