Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp: Cần có giải pháp để bịt “lỗ hổng”

Sỹ Hào - 17:34, 08/05/2020

Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được đánh giá là động lực thúc đẩy lĩnh vực “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân). Tuy nhiên, do đối tượng thụ hưởng quá rộng khiến một bộ phận đối tượng thụ hưởng chính sách SDĐNN không hiệu quả.

Nhiều diện tích ĐNN bị bỏ hoang một phần vì nông dân không phải nộp thuế sử dụng đất.
Nhiều diện tích ĐNN bị bỏ hoang một phần vì nông dân không phải nộp thuế sử dụng đất.

Liên tục mở rộng đối tượng

Từ năm 2001, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã được triển khai; qua các giai đoạn, đối tượng thụ hưởng liên tục được mở rộng. Trong 2 năm 2001 - 2002, hộ nghèo trong cả nước, hộ ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc Chương trình 135 được miễn thuế này.

Còn đối với đất trồng lúa, cà phê và các hộ sản xuất nông nghiệp khác còn lại chưa được miễn thuế (hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác) thì được giảm 50% thuế. Từ năm 2003 - 2010, hộ nông dân, hộ nông trường viên, thành viên hợp tác xã được bổ sung vào nhóm đối tượng được miễn, giảm thuế SDĐNN.

Từ 2010 đến nay (theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 của Quốc hội), đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp tục được bổ sung. Theo đó, thực hiện miễn, giảm thuế đến hết năm 2020 cho các đối tượng SDĐNN, trừ diện tích đất nông nghiệp (ĐNN) được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2003 - 2010, hơn 10 triệu đối tượng đã được miễn, giảm thuế SDĐNN; với số tiền miễn, giảm khoảng 3.268 tỷ đồng/năm. Từ năm 2011 - 2016, đã miễn, giảm hơn 6.308 tỷ đồng/năm cho hơn 12 triệu đối tượng. Còn giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến tổng số tiền miễn, giảm thuế SDĐNN là hơn 7.438 tỷ đồng/năm, cho trên 12 triệu đối tượng thụ hưởng.

Diện tích ĐNN được miễn giảm thuế cũng tăng theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2003 - 2010, cả nước có khoảng 6 triệu ha được miễn, giảm thuế; từ 2011 - 2016 là hơn 7 triệu ha; từ 2017 đến nay là hơn 8 triệu ha.

Rà soát để bịt “lỗ hổng”

Qua 20 năm thực hiện, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về “tam nông”. Đặc biệt, với việc liên tục mở rộng đối tượng thụ hưởng đã đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Theo đánh giá của các địa phương, việc thực hiện chính sách này trên thực tế không gặp vướng mắc. Bởi dù được miễn, giảm thuế nhưng người sử dụng đất vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế SDĐNN. Thông qua việc kê khai xác định số thuế SDĐNN được miễn, giảm đã kiểm soát được việc SDĐNN tới từng xã, trực tiếp phục vụ cho việc quản lý nhà nước về đất đai.

Tuy nhiên, do đối tượng được thụ hưởng chính sách quá rộng, không chọn lọc nên đã không tạo ra động lực để khai thác hiệu quả tài nguyên ĐNN. Dễ nhìn ra nhất là tình trạng ĐNN bị bỏ hoang diễn ra từ nhiều năm nay. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, năm 2014, tỷ lệ bỏ hoang đất nông nghiệp là 1,7%, đến năm 2016 đã tăng lên thành 3,8% trong tổng diện tích khoảng 11 triệu ha ĐNN của cả nước.

Vì sao ĐNN bị bỏ hoang, người nông dân bỏ ruộng? Lý do dễ thấy là người nông dân chưa có thu nhập khá từ sản xuất nông nghiệp. Nhưng cần phải hiểu sâu hơn, nông dân dễ dàng để hoang ruộng đồng vì không phải nộp thuế SDĐNN.

Đây rõ ràng là một lỗ hổng trong chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN. Lỗ hổng này cần được bịt lại trong thời gian tới bằng cách rà soát lại đối tượng được thụ hưởng chính sách; từ đó xác định đúng tổ chức, cá nhân thực sự có nhu cầu SDĐNN để chính sách thực sự là động lực thúc đầy phát triển “tam nông”. 

Tại Phiên họp thứ 44 (từ 20 - 28/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN) đến hết ngày 31/12/2025; đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình SDĐNN hiện nay, nhất là khi có một lượng lớn diện tích đất nông nghiệp chưa được sử dụng vào việc canh tác.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.