Bản Mạt, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (Sơn La) là một trong những địa phương quản lý bảo vệ rừng tốt trên địa bàn. Mặc dù dân số của bản chỉ có 96 hộ, nhưng có tới 12.000ha rừng, đây là bản có diện tích rừng hiện còn lớn nhất xã. Theo Trưởng bản Lò Văn Nơi, trước năm 2000, dù được quản lý, bảo vệ theo quy ước, hương ước của bản nhưng rừng của bản vẫn thường xuyên bị phá để làm nương và khai thác gỗ.
Sau khi được tuyên truyền bảo vệ rừng, giao đất giao rừng, Nhân dân bản Mạt không còn làm lúa nương trong rừng, không phá rừng nữa, mà tích cực tái sinh và trồng rừng. Đặc biệt, từ năm 2010, bản Mạt được thực hiện chi trả phí DVMTR, công tác bảo vệ rừng của bản ngày một tốt hơn, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm hằng năm.
Cũng theo Trưởng bàn Lò Văn Nơi, hiện nay bản được giao khoán 9.341ha rừng cho người dân bảo vệ và đây cũng là diện tích người dân được chi trả DVMTR. Từ năm 2013 tới nay, bản đã nhận được trên 900 triệu đồng tiền DVMTR. Không chỉ được trả phí chăm sóc bảo vệ rừng, bà con còn được phép khai thác sản vật của rừng như măng, củi khô, nấm, sa nhân... để cải thiện cuộc sống nên bà con rất tích cực bảo vệ rừng.
Còn đối với xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn (Lào Cai) cũng là một trong những địa phương được chi trả DVMTR. Nhờ có DVMTR, tỷ lệ che phủ rừng của xã từ 50% vào năm 2012 đến nay đã tăng lên 64%. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR là động lực để bà con trong xã tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Từ khi triển khai chính sách này, các vụ cháy rừng đã giảm rõ rệt, số vụ cháy rừng đã giảm trên 80%, bởi khi được giao khoán bảo vệ rừng, người dân nơi đây bước đầu có ý thức và trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng.
Bản Mạt, hay xã Nậm Xé là những địa phương điển hình trong công tác bảo vệ rừng nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR. Chính sách này còn thu hút lực lượng lao động lớn trong Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Người dân không chỉ được hưởng lợi từ DVMTR và các lợi ích khác từ rừng mang lại, mà còn góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cải thiện sinh kế, ổn định đời sống.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam, từ năm 2008 đến hết tháng 7/2019, cả nước đã có 1.342 chủ rừng là tổ chức được hưởng tiền DVMTR với số tiền đã giải ngân là 1.975,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt, trong năm 2019, đã có 2.800 tỷ đồng tiền DVMTR chi trả hỗ trợ trong công tác quản lý bảo vệ rừng cho 6,3 triệu ha rừng, chiếm 43% tổng diện tích rừng toàn quốc. Mặc dù thu nhập từ phí DVMTR bình quân chung trên cả nước mới đạt khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm, nhưng đã góp phần giảm khó khăn cho người dân, nhất là đồng bào DTTS.
Từ năm 2008 đến hết tháng 7/2019, cả nước đã có 1.342 chủ rừng là tổ chức được hưởng tiền DVMTR với số tiền đã giải ngân là 1.975,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt, trong năm 2019, đã có 2.800 tỷ đồng tiền DVMTR chi trả hỗ trợ trong công tác quản lý bảo vệ rừng cho 6,3 triệu ha rừng.