Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chợ Xuân đợi một phiên này

PV - 19:19, 05/02/2018

Cái sự háo hức trông ngóng đến ngày chợ phiên, chỉ người vùng cao mới hiểu và cảm nhận được, nhất là với phiên chợ Xuân-phiên chợ cả năm chỉ một lần họp. Người vùng cao ngóng chợ không phải là ngóng cái sự bán mua mà ngóng cái rộn ràng tấp nập sắc Xuân, ngóng những ánh mắt, nụ cười khiến cả mùa bâng khuâng nhung nhớ…

Một góc phiên chợ Tết Công Bằng. Một góc phiên chợ Tết Công Bằng.

 

Để được cảm nhận không khí chợ Xuân, thấu hiểu và hòa cùng cái sự háo hức ngóng trông phiên chợ mỗi năm có một lần này, chúng tôi quyết định vượt núi băng rừng gần 80 cây số tìm đến phiên chợ Tết xã Công Bằng, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Sau gần hai giờ đồng hồ trơn trượt, buốt rét, chúng tôi cũng đến được điểm hẹn tại thôn Nà Quạng, xã Cao Tân.

Vợ chồng người bạn nhiệt tình đón đợi và tranh thủ giới thiệu đôi chút về phiên chợ Tết để khách dễ mường tượng. Anh chồng tên Phòng, Nông Văn Phòng xung phong đưa chúng tôi đi. Người vùng cao thật thà, mến khách thì trước nay ai cũng biết nhưng có thực làm khách đường xa thì mới lại càng cảm mến hơn cái sự ân cần ấy.

( ảnh minh họa ) Ảnh minh họa

 

Trời lất phất mưa, sương là là như khói mà cái rét cứ cắt da cắt thịt. Gần 7h còn chưa nhận rõ mặt người, Phòng khuyên, chợ còn xa, lạ đường, anh lên xe em đi cho nhanh kẻo muộn chợ… Chiếc xe gằn tiếng một nhằm hướng chợ Công Bằng bần bật lao đi trong sương hệt như đang lần đường lên mường trời, cái mường chỉ được nghe trong những câu chuyện của các thầy Then, thầy Pựt.

Càng lên cao, sương càng nặng, nhiều lúc như hạt như viên cứ bám víu, phủ kín xe và người. Thi thoảng Phòng lại giật mình đạp phanh đánh két, tiếng phanh rít két hồi dài khiến người đi đường hốt hoảng nhảy bắn sang hai bên lề, vài ba thiếu nữ Mông váy hoa sặc sỡ tay bum miệng mặt ửng đỏ bẽn lẽn nhìn theo. Cũng bởi sương nhiều mà người thì thoắt ẩn thoắt hiện, hư hư, thực thực.

Chợ còn cách đâu chừng cây số đã nghe tiếng cười nói rộn rã. Đến gần hơn, trong hơi sương những thấy váy áo tưng bừng khoe sắc, ngựa buộc, xe dừng.

Anh Phòng nói, cái chợ phiên này nó thế, ai đến chợ cũng cốt để chơi, còn mua bán, sắm sanh thì đã từ phiên chợ chiều. “Chiều hôm qua đã mua bán sắm sanh, xong nam thanh nữ tú tìm nơi nghỉ chân đợi đêm về đối đáp giao duyên, kết chạ, kết tồng mà nên đôi lứa. Hôm nay là ngày chợ chính bởi đó sẽ là ngày chơi vui thật vui, say thật say và lòng mở hết lòng”, Phòng bảo.

( ảnh minh họa ) Ảnh minh họa.

 

8h, chợ người đông nghịt, len mãi chúng tôi mới vào được đến trung tâm chợ. Chợ Công Bằng nằm ngay cạnh ngã ba giao nhau giữa đường lên bản Khuổi Giàng và đường đi xã Bộc Bố, trung tâm huyện Pác Nặm, còn phía trước là cánh đồng, vừa đủ rộng để tiện làm nơi giao thương buôn bán, cũng là tiện để các ngả tìm về sau một năm trời ngóng đợi ngày Xuân.

Chợ Xuân Công Bằng, có điều thú vị, ấy là ngoài chơi, ngoài việc cảm nhận Tết đang rất gần, thì thứ được người ta hỏi nhiều, xem nhiều hơn cả là thổ cẩm, váy hoa, kim tuyến hay những hạt đính… phục vụ cho thêu thùa nữ công. Kế đó là những quán phở, nơi đó có phở và rượu, cứ vậy người ngồi kẻ đứng nói cười râm ran.

 

( ảnh minh họa )
( ảnh minh họa ) Ảnh minh họa.

 

Là khách đường xa, song chúng tôi cảm nhận được rất rõ, ở đây, trong phiên chợ Tết này chỉ có bạn và bạn dù quen, dù lạ. Điều này càng được kiểm chứng khi chúng tôi quyết định chọn một quán phở dừng chân để mặc sức ngắm dòng người lại qua trong phiên chợ Tết. Vài đĩa lòng nóng hổi, vài ly rượu nồng ấm nâng lên, mấy chốc đã thành quen, thành bạn.

Phòng, người bạn đường, người suốt hành trình giới thiệu, chỉ dẫn tỉ mỉ về phiên chợ Xuân Công Bằng cũng là khách đường xa. Bởi tính từ nhà anh đến chợ Công Bằng này phải đi qua hết xã Cổ Linh, đi qua các bản người Tày, Mông, Dao… như: Nà Cà, Bản Sáng, Khuổi Trà và Phja Bay (Kéo Lăp Ly)… Ấy vậy, bao năm đi chợ Tết, nơi này như quê, như bản của Phòng, người người đều quen. Chỉ chừng dăm phút khi dừng chân đã thấy bạn bè chào hỏi, rượu rót tràn ly, miệng cười khoái hoạt.

Phòng vốn là giáo viên, hai vợ chồng anh đều công tác trong ngành Giáo dục tại huyện Pác Nặm này nên học trò nhiều vô kể; phụ huỵnh học sinh cũng đều nhớ mặt biết tên, đều quý mến nên mỗi lúc rượu một đầy tràn, người đến người đi cũng vì thế tấp nập hơn, tiếng chào mời cứ lan trong tiết Xuân hòa phối với sắc màu thổ cẩm bừng lên những khuôn mặt chất phác hiền lành. Phía ngoài, dòng người vẫn nối nhau với những gương mặt vui. Trời Xuân như níu cả lại chốn này. Chúng tôi, ngay thời khắc ấy mới thực cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về một phiên chợ Tết.

HOÀNG CHIẾN THẮNG