Tăng vọt số lượng người Livestream bán hàng
Chưa khi nào mà thời gian gần đây, người ta được chứng kiến không khí Livestream bán hàng tưng bừng đến thế. Những danh xưng mỹ miều ra đời sau mỗi phiên bán hàng… Hay một phiên Livestream của người nổi tiếng có thể có doanh thu tới hàng tỷ đồng. Và đó cũng là lý do gần đây những cá nhân nổi tiếng cũng tập trung tham gia và đẩy mạnh hoạt động này do thu nhập cao.
Hoạt động này biến hóa khôn lường, nên các quy định pháp luật hiện tại phải tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bởi đây là lĩnh vực mới không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia trên thế giới. Trách nhiệm quản lý không chỉ của ngành Công Thương, mà của rất nhiều ngành. Tuy nhiên, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi sai phạm, chống thất thu thuế trong môi trường điện tử
Ông Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng Bộ Công Thương
Chẳng hạn, người mẫu Diệp Lâm Anh trong những tháng gần đây thường xuyên Livestream bán hàng. Người đẹp tiết lộ doanh thu bán hàng Online khủng nhất từng đạt được là 4 tỷ đồng trong một buổi Livestream, lợi nhuận thu được gấp 10 - 20 lần cát sê dự sự kiện.
Hay diễn viên Hòa Hiệp cũng lấn sân Livestream bán đồ ăn vặt. Thời gian qua, bán đồ ăn Online là nguồn thu nhập chính của anh và gia đình. Nam diễn viên từng chia sẻ cát sê kiếm được từ vai chính một bộ phim 30 tập suốt 2 tháng chỉ tương đương doanh thu 1 - 2 ngày Livestream bán hàng…
Gần đây, cư dân mạng hầu như không còn lạ lẫm với nhân vật Hoàng Văn Khoa thường xuyên Livestream bán hàng tạp hóa Online trên TikTok và được gọi là một trong “tứ hoàng Livestream” của Việt Nam với nghệ danh PewPew. Lượng xem trực tiếp của PewPew có lúc đạt tới con số hơn 100.000 người. Cá nhân này từng khoe trung bình mỗi buổi Livestream bán được khoảng 200 đơn hoặc nhiều hơn và nhận được lời mời của hơn 2.000 thương hiệu. Từ đó, người xem dự đoán anh có thu nhập khủng từ các nhãn hàng.
Một dịch vụ tư vấn Marketing Online cho biết, bảng giá thuê thực hiện Livestream quảng bá sản phẩm, bán hàng dựa theo các tiêu chí gồm số lượng người theo dõi, lĩnh vực chuyên môn, quy mô và chiến dịch của doanh nghiệp. Trong đó, tiêu chí số lượng người theo dõi là quan trọng nhất. Do vậy, nhiều KOL (chuyên gia có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến cộng đồng nhờ kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực, ngành nghề mà họ hoạt động) nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này được ước tính mỗi năm thu nhập có thể lên đến hàng tỉ đồng hay vài chục tỉ đồng cũng có cơ sở.
Làm gì để chống thất thu thuế từ dịch vụ bán hàng Online
Trên thực tế, Livestream bán hàng đang trở thành xu hướng bùng nổ, thu được doanh thu khủng cho người bán và cả người được thuê Livestream. Thế nhưng, điều mà lâu nay rất nhiều người quan tâm là thu nhập khủng thì các cá nhân này đóng thuế bao nhiêu thì không ai hay.
Hiện nay đã có nhiều quy định nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động bán hàng online trên các trang mạng xã hội cũng như trên các sàn thương mại điện tử. Đơn cử như Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế nêu rõ các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế, dù có nhiều cơ sở kinh doanh online hàng giả, hàng nhái bị triệt phá, tuy nhiên trên thực tế chỉ như muối bỏ biển.
Mặt khác, việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là vô cùng khó khăn, khi có hàng trăm nghìn cá nhân, hộ gia đình… đang kinh doanh online.
Điển hình như hồi giữa năm 2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 6 cơ sở tham gia hoạt động thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các cơ sở này có doanh thu bán hàng online hơn 223 tỷ đồng nhưng không khai báo và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Trong phiên trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử nói chung, cũng như Livestream bán hàng nói riêng, việc quản lý thực sự khó khăn.
“Hoạt động này biến hóa khôn lường, nên các quy định pháp luật hiện tại phải tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bởi đây là lĩnh vực mới không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia trên thế giới. Trách nhiệm quản lý không chỉ của ngành Công Thương, mà của rất nhiều ngành. Tuy nhiên, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi sai phạm, chống thất thu thuế trong môi trường điện tử”, người đứng đầu ngành Công Thương nhận định.
Còn tại thông cáo phát đi ngày 1/6, Bộ Tài chính cũng thừa nhận các hình thức kinh doanh trên thương mại điện tử ngày càng đa dạng. Để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, khi thực hiện Livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế. Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng, hiện nay, bộ đang thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế. Nếu là cá nhân thực hiện hoạt động này sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình, sẽ thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh. Nếu hộ khoán thì nằm trong mức khoán thu thuế, nếu hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai về thuế.
Để chống thất thu thuế, thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng. Cơ quan thuế cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra giám sát, thúc đẩy thu thuế kinh doanh online. Có hình thức tuyên truyền như biểu dương các cá nhân nộp thuế cao như công bố danh sách với doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất hằng năm, đồng thời nêu tên các cá nhân không kê khai nộp thuế để răn đe.
Cùng với đó, cần công bố luôn danh tính các cá nhân nổi tiếng, KOL hoặc các cá nhân bị xử phạt truy thu và có những hình thức xử phạt nghiêm minh. Thực hiện song song các hoạt động đó thường xuyên sẽ mang tính tuyên truyền, răn đe cao hơn để ngăn ngừa các hành vi lách luật, trốn thuế.
Xu hướng Livestream bán hàng hay kinh doanh Online ngày càng phát triển và đây là nguồn thu bổ sung sẽ ngày càng lớn cho ngân sách Nhà nước khi nhiều nguồn thu từ doanh nghiệp, xuất nhập khẩu bị giảm do kinh tế khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trà trộn.