Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Zalo thu phí người dùng - Doanh nghiệp vùng cao bán hàng qua mạng có gặp khó?

Kim Anh - 20:09, 10/08/2022

Sau hơn 1 tuần ứng dụng nhắn tin qua Internet (OTT) phổ biến nhất tại Việt Nam - Zalo bắt đầu tính gói thuê bao đối với người dùng đã nhận về một số ý kiến trái chiều, gây tranh cãi. Việc Zalo thu phí có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, người dùng trả phí, người bán hàng Online, đặc biệt là những doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa.

Nghệ nhân trẻ Sầm Thị Tình cho biết, chị thường xuyên đăng tải các sản phẩm của HTX qua Zalo
Nghệ nhân trẻ Sầm Thị Tình cho biết, chị thường xuyên đăng tải các sản phẩm của HTX qua Zalo

Chất lượng và dịch vụ có tương xứng với mức phí người dùng

Những ngày gần đây, câu chuyện về Zalo thu phí đã khiến cộng đồng người dùng tại Việt Nam xôn xao. Chị Sầm Thị Tình (SN 1986), dân tộc Thái, phụ trách mảng kinh doanh và Marketing tại HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cũng vô cùng bất ngờ trước những thay đổi của Zalo.

Vừa lướt điện thoại kiểm tra lại đơn hàng khách đặt trên ứng dụng Zalo, chị Tình vừa kể, chị thường xuyên đăng bài cập nhật những mẫu mã sản phẩm mới lên Zalo để khách hàng vào xem có thể biết được. Những sản phẩm thổ cẩm chị thường bán là những chiếc ví, túi xách, con thú bông, khăn choàng, dép… được làm hoàn toàn bằng thủ công, nên được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế yêu thích, đón nhận.

Gần đây, khi chị Tình thực hiện thao tác "Thêm bạn" để trao đổi công việc trên Zalo, thì hệ thống thông báo lại “Danh sách bạn bè của bạn quá giới hạn. Vui lòng xóa bớt bạn bè trong danh bạ, hoặc nâng cấp tài khoản Business để mở rộng danh sách bạn bè” khiến chị vô cùng ngạc nhiên.

“Việc Zalo thu phí hạn chế lượt người lạ tìm kiếm qua số điện thoại hay người lạ không thể xem bài đăng hay bình luận trên nhật kí của mình phần nào cũng ảnh hưởng đến việc đăng bài bán sản phẩm với những người kinh doanh Online như tôi.

Không chỉ vậy, hiện nay, Zalo vẫn còn những hạn chế về các vấn đề bảo mật và tính năng lưu trữ hình ảnh. Đơn cử như việc khi tôi gửi ảnh sản phẩm cho khách hàng qua Zalo, sau một khoảng thời gian sẽ tự động mất đi. Do vậy, khi thu phí người dùng, Zalo cần phải khắc phục những lỗi cơ bản và nâng cấp tính năng, nếu không người dùng sẽ dần có những sự lựa chọn khác”, chị Tình nói.

Còn đối với chị Vì Thị Oanh, dân tộc Thái, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) lại cho rằng, mức phí Zalo đang áp dụng không phải là vấn đề quyết định chị có sử dụng ứng dụng tiếp hay không. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ và các tính năng có tương xứng với mức phí người dùng bỏ ra không.

“Là một người kinh doanh, thường xuyên bán hàng và liên lạc trao đổi với khách qua Zalo, nên việc Zalo thu phí để ứng dụng được tốt hơn, thuận lợi hơn trong công việc tôi hoàn toàn ủng hộ. Bản thân tôi vẫn quyết định tiếp tục sử dụng Zalo và chờ đợi những bản cập nhật được hạn chế lỗi, có tính năng mới cho người dùng”, chị Oanh cho biết.

Chị Vì Thị Oanh (dân tộc Thái) – Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) thường xuyên chia sẻ thông tin sản phẩm bán hàng lên Zalo
Chị Vì Thị Oanh (dân tộc Thái) – Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) thường xuyên chia sẻ thông tin sản phẩm bán hàng lên Zalo

Zalo thu phí… sẽ có sự dịch chuyển người dùng

Theo số liệu thống kê tính tới đầu năm 2022, Zalo hiện là nền tảng tin nhắn miễn phí có lượng người dùng thường xuyên lớn nhất Việt Nam, với hơn 74 triệu tài khoản. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Zalo đã chuyển tới 620 tỷ tin nhắn và 52 tỷ phút gọi Video.

Hiện tại, các ứng dụng tin nhắn đối thủ của Zalo vẫn đang cho người dùng sử dụng miễn phí. Vì vậy, theo các chuyên gia, khi Zalo thu phí, nhiều khả năng sẽ diễn ra sự dịch chuyển người dùng sang các ứng dụng khác. Nhiều chủ doanh nghiệp bán hàng ở vùng cao với việc tin cậy và lựa chọn Zalo trao đổi công việc, họ sẽ chuyển sang bán hàng trên Facebook thay vì sử dụng Zalo như trước đây.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thì cho rằng, với 74,7 triệu người dùng thường xuyên, có thể thấy rằng, Zalo đã đủ lớn để đi nước cờ thu phí.

"Hiện người dùng Zalo chia làm nhiều nhóm khách hàng. Nhóm khách hàng là các chủ Shop, cửa hàng nhỏ, buôn bán Online có nhu cầu sử dụng Zalo để giao dịch, bán hàng có thể chấp nhận trả một khoản phí hợp lý để không mất đi lượng khách hàng hiện hữu. Nhóm còn lại là học sinh, sinh viên, người già với nhu cầu liên lạc, trao đổi thông tin bình thường có thể không chấp nhận trả phí, mà sẽ chuyển sang dùng các ứng dụng miễn phí khác", ông Nguyễn Ngọc Dũng phân tích.

Những thay đổi quan trọng trên Zalo từ ngày 1/8/2022:

- Người lạ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký của bạn.

- Mỗi tài khoản có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại.

- Mỗi tài khoản được phản hồi 40 hội thoại từ người lạ mỗi tháng.

- Danh bạ có tối đa 1.000 liên hệ.

- Tài khoản thường sẽ không còn sử dụng được Username.

- Mỗi tài khoản được mặc định có 5 mẫu tin nhắn nhanh.


Tin cùng chuyên mục
Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công và tư duy về môi trường số cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công và tư duy về môi trường số cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đang trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, việc tiếp cận DVCTT đối với người dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những giải pháp nhằm nâng cao tiếp cận DVCTT là tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của DVC, từ đó nâng cao nhận thức và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ này.