Nêu gương nơi buôn làng
Được ví như cánh chim đầu đàn của làng Plei Phung, xã Ia Phang, nhiều năm nay Người có uy tín Siu Biai vẫn luôn tiên phong đổi mới tư duy, đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là canh tác cà phê bền vững. Nhờ đó, năm nào nhà già Biai cũng thu hoạch lúa, cà phê đầy ắp kho.
Theo ông Biai, việc làm no cái bụng sẽ không khó khi mình chịu khó học hỏi, siêng năng làm việc. Vì vậy, già đã tích cực khai hoang đất trống để trồng cà phê, bắp, mì. Đồng thời, tham gia tập huấn về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng - chống dịch bệnh cho cây trồng để áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình. Đến nay, gia đình đã có gần 5 ha cà phê, lúa, 14 con bò, heo. Trừ chi phí, gia đình ông Biai thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Để bà con cùng phát triển kinh tế, ông Siu Biai đã tận tình hướng dẫn, từng bước thay đổi nhận thức bà con trong sản xuất. Đối với những hộ có diện tích hồ tiêu bệnh hại, cà phê già cỗi, lúa nước thường xuyên bị hạn ông vận động chuyển đổi sang cây trồng có hiệu quả kinh tế hơn. Theo gương ông Biai, nhiều hộ dân trong làng đã biết áp dụng khoa học, kĩ thuật vào phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Là Người có uy tín trẻ tuổi ở làng Plei Hlốp (xã Chư Don), anh Kpui Tiên rất chú trọng trau dồi kiến thức, chủ động phát huy vai trò, tiếng nói của mình trong những công việc chung của làng, của xã. Đặc biệt, nhận thức rõ Chương trình MTQG 1719 là Chương trình mới, ngoài những buổi được nghe phổ biến chính sách, anh Kpui Tiên đã tự nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật thông tin để đồng hành với cấp ủy Đảng, chính quyền xã, thôn trong quá trình tuyên truyền, vận động Nhân dân để người dân hiểu về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của Chương trình. Đồng thời, anh Tiên còn trực tiếp tham gia vào Tổ truyền thông cộng đồng (thuộc Dự án 8) để vận động quần chúng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em gái để kịp thời giải quyết.
Anh Tiên kể: Định kiến giới khiến cho cuộc sống của người phụ nữ Gia Rai chịu nhiều khổ sở. Đa phần chị em chưa dám đứng lên đấu tranh hoặc mạnh dạn chia sẻ chuyện riêng của mình. Vì vậy, mình tham gia Tổ truyền thông cộng đồng của Hội LHPN xã Chư Don, phối hợp với các thành viên đến tận nhà giải thích cho họ hiểu vợ con là bình đẳng, bảo vệ nhau, cùng nuôi dạy con cái cho thật tốt. Đối với phụ nữ, phải khẳng định bản thân, dám đứng lên chống lại bạo lực gia đình, tham gia các hoạt động xã hội để nâng cao kỹ năng, nhận thức.
Những năm qua, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, năm 2023, Người có uy tín trong huyện đã vận động người dân hiến đất, đóng góp gần 63 triệu đồng và gần 34.000 ngày công để làm đường giao thông nông thôn.
Bên cạnh đó, đội ngũ Người có uy tín đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng, với hơn 100 buổi thu hút gần 20.000 lượt người tham dự, giúp bà con nâng cao nhận thức, không nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu.
Đặc biệt, hầu hết Người có uy tín đều tham gia các tổ hòa giải ở thôn, làng. Trong 3 năm gần đây, Người có uy tín đã tham gia hòa giải thành 332/338 vụ việc, góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Bảo đảm các chính sách cho Người có uy tín
Huyện Chư Pưh có 9 xã, thị trấn; 53/74 thôn, làng người đồng bào DTTS, với 9.129 hộ/47.789 khẩu, chiếm hơn 55,5% dân số toàn huyện. Trong đó, có 53 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những năm qua, chính sách đối với Người có uy tín ở địa phương luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp thông qua chính sách đối với Người có uy tín.
Trong giai đoạn 2019 - 2024, UBND huyện Chư Pưh đã hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, cấp phát báo, tạp chí hàng tuần, tháng, quý. Hỗ trợ thăm hỏi Người uy tín dịp Tết nguyên đán, Tết các DTTS với tổng số tiền 136 triệu đồng; Khen thưởng người uy tín gần 14 triệu đồng; tổ chức hội nghị gặp mặt biểu dương tôn vinh Người có uy tín, lực lượng cốt cán trong đồng bào DTTS và tổ chức 4 hội nghị tập huấn cho Người có uy tín.
Để góp phần nâng cao trình độ, kiến thức cho Người có uy tín, huyện Chư Pưh đã phối hợp lựa chọn, cử các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn cung cấp thông tin và tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình phát triển kinh tế các tỉnh phía Bắc. Hàng năm, công tác rà soát, đưa ra và bình xét bổ sung những Người có uy tín được các địa phương thực hiện công khai, dân chủ...
Già làng, Người có uy tín Siu Bưng (thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa) chia sẻ: “Mình được đi tập huấn nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm thêm nhiều điều hay, rồi về tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào tích cực sản xuất nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Làm những điều có ích cho người dân thì họ nghe mình nói và tin nhiều hơn”.
Ông Siu Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với Người có uy tín; cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng cho Người có uy tín; kiến thức về khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đồng thời, tổ chức các đoàn già làng, Người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm; quan tâm thăm hỏi, động viện Người có uy tín tiêu biểu nhân dịp lễ, tết, ốm đau… nhằm khích lệ, động viên tinh thần, tạo động lực để Người có uy tín ở cơ sở luôn tích cực đi đầu, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, là cầu nối quan trọng giữa cấp uỷ, chính quyền với Nhân dân.