Đây là 1 trong chuỗi 3 hội thảo khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam nằm trong khuôn khổ hoạt động của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định, Người có uy tín là những cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối giữa chính quyền với Nhân dân, thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đem lại đổi thay thực chất cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, trong đó có phụ nữ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, những năm qua, Đảng đoàn, Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành các Nghị quyết, Chương trình hành động quan trọng để tăng cường công tác vận động phụ nữ DTTS, phụ nữ theo tôn giáo, trong đó xác định tầm quan trọng, vai trò, vị trí không thể thiếu của đội ngũ Người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo.
Trong 5 năm qua, Hội LHPN các cấp đã tranh thủ, bồi dưỡng và xây dựng được 3.035 Người có uy tín là hội viên nòng cốt, Chi hội trưởng, Tổ trưởng phụ nữ tại địa bàn DTTS và vùng có đông tín đồ tôn giáo; tổ chức biểu dương, khen thưởng 8.776 Người có uy tín có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện các chương trình, phong trào của Hội; thăm hỏi, tặng quà cho gần 13.570 lượt Người có uy tín nhân dịp các ngày lễ Tết, lễ quan trọng của các dân tộc, tôn giáo; tổ chức tập huấn, truyền thông, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về thúc đẩy bình đẳng giới cho 13.120 lượt Người có uy tín vùng đồng bào DTTS, vùng có đông tín đồ tôn giáo…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng do nhiều nguyên nhân, vùng miền núi, DTTS của Việt Nam vẫn là lõi nghèo của cả nước. Khoảng cách phát triển, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, khiến phụ nữ phải đối mặt với nhiều thách thức. Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, giảm thiểu và loại bỏ những tập tục văn hóa cũ không còn phù hợp với đời sống hiện đại chưa thực sự hiệu quả: Ma chay, hiếu hỉ tốn kém, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thách cưới, cướp vợ, sinh nở tại nhà không có hỗ trợ y tế… vẫn còn xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương, dân tộc, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, tước đi cơ hội học tập, phát triển bản thân của nhiều phụ nữ, trẻ em gái DTTS.
Vì vậy, Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền, phát huy vai trò Người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong công tác vận động thực hiện bình đẳng giới trong đồng bào DTTS.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phát huy vai trò của Người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các đại biểu khách mời là đại diện Người có uy tín, chức sắc tôn giáo tiêu biểu đã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi đến từ một số tỉnh trong khu vực.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền đánh giá cao sự tham gia thảo luận tích cực của các đại biểu. Đó là những giải pháp phát huy hiệu quả hơn nữa sự phối hợp, tham gia của đội ngũ Người có uy tín, chức sắc các tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", từng bước xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS, miền núi trong thời gian tới.