Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Chủ tịch huyện người Tà Ôi với công tác giảm nghèo ở A Lưới

Nghĩa Hiệp - 08:36, 11/12/2020

Chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Mạnh Hùng, dân tộc Tà Ôi, Chủ tịch UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) tại Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II, năm 2020. Trải qua nhiều cương vị công tác, ông được lãnh đạo tỉnh, người dân địa phương nhìn nhận, là người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển vượt bậc của A Lưới, đặc biệt là công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS.

Các mô hình kinh tế mới tại A Lưới giúp người dân thoát nghèo
Các mô hình kinh tế mới tại A Lưới giúp người dân thoát nghèo

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm 1980, là một trong những cán bộ trẻ của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ông về làm giáo viên trường THCS DTNT huyện A Lưới và tham gia công tác đoàn, và trải qua nhiều vị trí như: Phó Bí thư Huyện đoàn, Huyện uỷ viên, Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện, và nay là Chủ tịch UBND huyện A Lưới.

Chia sẻ về quá trình công tác, ông Hùng nhớ lại: “Năm 2015, khi tôi được phân công giữ chức Phó Chủ tịch huyện A Lưới, A Lưới ngày ấy vẫn còn rất khó khăn về kinh tế, xã hội, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao, nhiều bản sắc văn hoá dân tộc đã mất, ngay đến những lễ hội của dân tộc cũng không còn được lưu giữ nữa”.

Trước muôn vàn khó khăn, ông Hùng đã cùng với các đồng chí lãnh đạo huyện suy nghĩ, bàn bạc tìm cách tháo từng nút thắt, giúp thay đổi bộ mặt quê hương. “Để thay đổi được những khó khăn đó, cần thay đổi từ chính người dân, và cần có những giải pháp cụ thể, đi vào cuộc sống giúp người dân nhận ra sự thay đổi là tích cực”, ông Hùng cho biết.

Sau khi có được những ý tưởng, hình dung ra cách làm, ông Hùng tự tay chắp bút cho từng kế hoạch thực hiện. Ông tổ chức các Hội nghị, đến các trường học nhằm tuyên truyền về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho người dân và các em học sinh. Nhờ đó, tình trạng hôn nhân cận huyết của huyện A Lưới từ 10,2% đến nay đã hoàn toàn chấm dứt, và tình trạng tảo hôn giảm xuống còn 0,4%.

Đối với công tác phục dựng những lễ hội văn hoá truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới, cũng có dấu ấn sâu đậm của ông Nguyễn Mạnh Hùng, các lễ hội, nghề truyền thống đặc sắc được phục dựng như: Lễ hội truyền thống Aza Koonh của đồng bào Pa Cô, nghề dệt Zèng của người Tà Ôi đã được phục dựng và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cùng với đó là các môn thể thao dân tộc cũng được khôi phục qua Hội Thể dục thể thao quần chúng được tổ chức hàng năm.

Chính những đổi thay đã có được từ việc giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phục dựng những lễ hội, làng nghề văn hoá, đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện A Lưới phát triển kinh tế. Bằng những kế hoạch, giải pháp triển khai để dần hoàn thiện các hạng mục trong xây dựng NTM, tổ chức các tour du lịch gắn với văn hoá và bản sắc dân tộc, hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống…đã tạo đà cho việc phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Giai đoạn 2016-2020, với cương vị là Phó Chủ tịch rồi tới Chủ tịch huyện A Lưới, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã quyết liệt, chủ động chỉ đạo triển khai công tác giảm nghèo một cách đồng bộ. Theo đó, A Lưới đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ tỉnh, huyện với các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, mở nhiều lớp dạy nghề, hướng dẫn người dân trong phát triển kinh tế...; gắn Chương trình giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã mang hiệu quả cao. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II (áo xanh)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II (áo xanh)

Đến nay, huyện A Lưới đã có nhiều mô hình kinh tế,  theo hướng hàng hoá, mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo như: Vùng cao su chuyên canh, vùng trồng chuối hàng hoá, gạo đặc sản Ra dư,…Nhờ những bước đi đúng hướng, phù hợp thực tiễn vùng DTTS, từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm huyện A Lưới giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 4%. Các công trình điện, đường, trường, trạm cũng được đầu tư hoàn chỉnh và kiên cố, dần hoàn thiện bộ mặt nông thôn.

Ông Hùng chia sẻ: “Khó khăn nhất trong giảm nghèo là phải khơi được nguồn cảm hứng, tinh thần vươn lên thoát nghèo của người dân, đặc biệt là người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới xây dựng kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình”.

Với những kết quả đạt được, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới đã được Uỷ ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân tộc; Trung ương Đoàn thanh niên tặng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ; cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác của địa phương. Năm 2020, ông Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những Đại biểu tiêu biểu đại diện cho đồng bào DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Đại Hội Đại biểu  toàn quốc các dân tộc thiểu lần thứ II, vừa được  tổ chức tại Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục
Thanh niên dân tộc thiểu số làm giàu trên vùng đất khó

Thanh niên dân tộc thiểu số làm giàu trên vùng đất khó

Dù điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, nhưng nhiều đoàn viên, thanh niên là người DTTS trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã phát huy sức trẻ, áp dụng tiến bộ KHKT tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.