Cùng dự Đại hội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các tập thể, cá nhân tiêu biểu được vinh danh trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020.
Đẩy mạnh thi đua yêu nước từ cơ sở
Báo cáo tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc nêu rõ, trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ngay từ cơ sở. Hầu hết các phong trào đều được triển khai một cách sôi nổi, thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, nội dung bám sát các nhiệm vụ chính trị và những mục tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tiêu biểu như phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng, đồng bộ, huy động các nguồn lực xã hội, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới đã góp phần đưa Thái Nguyên hoàn thành kế hoạch trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra và vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân Chương lao động hạng Nhất (lần 2) về xây dựng nông thôn mới.
Phong trào “Thi đua dạy tốt học tốt”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” tiếp tục được triển khai hiệu quả, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo một cách toàn diện, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, khu vực và cả nước.
Trong lĩnh vực y tế, các phong trào thi đua có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên đã nghiên cứu thành công và cho ra mắt bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR. Đây cũng là bộ sinh phẩm thứ 4 trong cả nước, đóng góp thiết thực vào công tác phòng, chống đại dịch Covid – 19.
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2018 - 2020, Thái Nguyên đã triển khai thành công “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo”, với nhiều đổi mới về phương pháp, cách làm, từ đó vận động các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp, hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí hỗ trợ đạt trên 80 tỷ đồng.
Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành động lực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân đạt 11,1%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 90 triệu đồng; Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng 13,1%/năm, đứng thứ 4 cả nước; Thu ngân sách nhà nước trong cân đối tăng bình quân 16,3%/năm; Tạo việc làm tăng thêm bình quân cho 21.500 lao động/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,06%/năm; 72% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 97,2% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Diện mạo và vị thế của tỉnh Thái Nguyên đã và đang có những thay đổi tích cực do tạo được bước phát triển mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, phát triển các khu công nghiệp tập trung.
Với những thành tích xuất sắc đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, Thái Nguyên vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2016, tỉnh Thái Nguyên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2018 được tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”; 63 tập thể, 368 cá nhân được nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp nhà nước. Hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành.
"Phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc"
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và biểu dương những kết quả trong phong trào thi đua yêu nước mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong 5 năm qua.
Nhắc lại dấu ấn ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc mở đầu cho phong trào thi đua hành động cách mạng của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lời kêu gọi đó được truyền đi như một lời thúc giục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm của cả dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã sống và làm việc tại Thái Nguyên nhiều năm. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, Bác Hồ đã 7 lần về thăm Thái Nguyên. Ngày 1.1.1964, trong lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên, Người đã căn dặn “Toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” để sáng mãi địa danh An toàn khu - Thủ đô kháng chiến; là trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo và y tế của vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam.
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, ra sức thi đua vượt qua mọi khó khăn, thách thức phấn đấu xây dựng quê hương Thái Nguyên phát triển ngày càng nhanh và bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ về thi đua yêu nước với những nội dung, luận điểm cơ bản: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thi đua là việc làm thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người. Mỗi người cố gắng làm tốt và làm tốt hơn công việc của mình vì lợi ích của bản thân, của những người thân, của cộng đồng và của đất nước, trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua. Công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, chứ không phải chỉ của bộ máy chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát động các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để tất cả cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang, người lao động, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia. Các phong trào thi đua phải gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú ý phát triển phong trào thi đua trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đi đôi với phát triển về chiều rộng, cần chú ý đưa phong trào đi vào chiều sâu, có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, để tổ chức các phong trào thi đua phù hợp, hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức phong trào thi đua.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần chú ý gắn các phong trào thi đua với công tác khen thưởng, bởi “thi đua là gieo trồng” thì “khen thưởng là thu hoạch”. Cần kiểm tra, đánh giá, sơ, tổng kết và khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công tác thi đua, khen thưởng phải bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Việc phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng phải có tính nêu gương thực sự. Chú trọng việc khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Ngay sau Đại hội, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, quan tâm, tạo điều kiện để các điển hình được phát huy tác dụng và có sức lan tỏa rộng lớn trong toàn tỉnh. Phấn đấu trong 5 năm tới, ngành nào, cấp nào cũng có điển hình tiên tiến, tiêu biểu, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua khen thưởng, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một tấm gương sáng có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng có năng lực, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua - khen thưởng, có bề dày kiến thức, am hiểu những lĩnh vực của đời sống, có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với quần chúng, tâm huyết với phong trào thi đua để tích cực tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền trong công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ là việc làm cụ thể để nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong tổ chức các phong trào thi đua và quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Huân chương Lao động cho 19 tập thể, cá nhân; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 14 tập thể, trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 9 tập thể, cá nhân./.