Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Người dân ở xã NTM vùng DTTS cần tiếp tục được trợ lực để thoát nghèo bền vững

Hạnh Nguyên - 04:49, 01/12/2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh Chương trình đã đạt được một số kết quả nổi bật. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trao đối với Báo Dân tộc và Phát triển, ông Huỳnh Công Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Càng Long đề xuất, người dân ở xã NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn cần tiếp tục được trợ lực từ Chương trình MTQG 1719 để thoát nghèo bền vững.

Ông Huỳnh Công Tín - Phó chủ tịch UBND huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh trả lời phỏng vấn của PV báo Dân tộc và Phát triển
Ông Huỳnh Công Tín - Phó chủ tịch UBND huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh trả lời phỏng vấn của PV báo Dân tộc và Phát triển

 Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình MTQ 1719 trên địa bàn huyện Càng Long trong thời gian qua?

Ông Huỳnh Công Tín: Thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện được phân bổ 28 tỷ 608,8 triệu đồng để thực hiện các dự án thành phần, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS của huyện. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các ngành các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, động viên hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí tự lực, vươn lên phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong phát triển kinh tế - xã hội cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu qủa các phòng trào thi đua.

Bên cạnh đó, huyện đã tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào thuộc đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông. Theo đó, huyện đã xây dựng 28 công trình giao thông nông thôn, với tổng kinh phí 22 tỷ 409 triệu đồng. 

Đến nay, các xã vùng đồng bào dân tộc có đường ô tô về đến trung tâm xã và các tuyến liên xã đã được bê tông hóa. Tình hình kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc từng bước phát triển, đời sống ổn định và nâng lên. Có 3/3 xã (Phương Thạnh, Huyền Hội, Bình Phú) 100% xã vùng đồng bào dân tộc đều đạt nông thôn mới; 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao là xã Phương Thạnh.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, giải pháp mà huyện Càng Long cần thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn là gì, thưa ông?

Ông Huỳnh Công Tín:Dựa trên những kết quả đạt được, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan và Ủy ban Nhân dân các xã vùng đồng bào dân tộc, tiếp tục rà soát đăng ký nhu cầu thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Trong đó, ưu tiên nguồn lực cho 2 ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Bình Phú là Nguyệt Lãng B, Nguyệt Lãng C. 

Tập trung giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ DTTS về đất ở; nhà ở; chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán. Xây dựng các công trình nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động vùng DTTS, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở các ấp ĐBKK.

 Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện có còn gặp khó khăn gì; giải pháp để giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Huỳnh Công Tín: Thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện, ngoài việc được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Càng Long luôn được sự đồng thuận cao từ đồng bào trong vùng dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, do đây là Chương trình lớn dành cho đồng bào DTTS mới được triển khai. 

Tại huyện Càng Long, trong Dự án 1 (hỗ trợ về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề) khi rà soát các đối tượng được thụ hưởng, đến khi được phân bổ vốn, thì các hộ này đã thoát nghèo, không còn thuộc đối tượng được hưởng chính sách. Từ đó dẫn đến việc thừa vốn phải phân tích chuyển nguồn sang năm sau và nộp trả ngân sách. 

Hay Dự án 3 Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, việc lựa chọn hộ đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện dự án theo hình thức liên kết chuỗi giá trị kéo dài thời gian nên gặp khó khăn trong giải ngân vốn. Đối với Dự án 5 Tiểu dự án 3: Số vốn dự kiến mở lớp đào tạo nghề và bố trí đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 5 tỷ 265,8 triệu đồng gồm, ngân sách trung ương 4 tỷ 579 triệu đồng, vốn sự nghiệp và ngân sách tỉnh đối ứng 15% vốn sự nghiệp 686,8 triệu đồng. Tuy nhiên, do đối tượng được đăng ký nhu cầu học nghề rất ít, nên không sử dụng hết nguồn vốn. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp không nằm trên địa bàn vùng dân tộc nên không thể triển khai thực hiện được, mặc dù cơ sở vật chất còn gặp rất nhiều khó khăn cần được đầu tư.

Với những khó khăn và vướng mắc như trên, huyện Càng Long kiến nghị với Ủy ban Dân tộc, đối với Dự án 1: xem xét tạo điều kiện mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với hộ cận nghèo do thực hiện ấp xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nên số lượng hộ nghèo ngày càng giảm dần, không còn đối tượng để thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế các hộ đã thoát nghèo, nhưng chưa bền vững, vẫn đang ở ngưỡng hộ cận nghèo, hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ; nhiều tiêu chí xây dựng NTM chưa thực sự bền vững...

Đồng thời, với Dự án 5 (Tiểu dự án 3): Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS, đề xuất điều chỉnh mở rộng đối tượng học nghề là người dân vùng đồng bào DTTS, đồng thời mở rộng địa bàn đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm giáo dục và nghề nghiệp nằm tại trung tâm của huyện không nằm trên địa bàn xã vùng dân tộc, nhưng tình hình cơ sở vật chất thực tế còn gặp nhiều khó khăn, rất cần nguồn vốn đầu tư để phục vụ công tác đào tạo.

Trân trọng cảm ơn ông!