Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động DTTS

Vân Khánh - 18:48, 06/11/2024

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề cao ở khu vực Tây Nguyên ngày càng tăng. Trên thực tế, số lượng lao động là người DTTS khá lớn nhưng số người đã được qua đào tạo chưa nhiều, làm hạn chế cơ hội tìm được việc làm và mang lại thu nhập cho người dân. Điều đó cho thấy yêu cầu mở rộng đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động DTTS là một trong những yếu tố tiên quyết, để đáp ứng nhu cầu thực tế về sử dụng lao động của cơ quan-doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Anh Muel đã có việc làm và thu nhập ổn định hơn sau khi được đào tạo nghề xây dựng.
Anh Muel đã có việc làm và thu nhập ổn định hơn sau khi được đào tạo nghề xây dựng

Gia Lai - ưu tiên nguồn lực đào tạo nghề

Tỉnh Gia Lai là một trong số các tỉnh được xác định luôn có 2 mũi nhọn về kinh tế của khu vực Tây Nguyên. Là địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống nhưng đời sống của phần lớn người dân còn nhiều khó khăn. Do vậy, điều kiện để thanh, thiếu niên đi học, nhất là học lên các bậc học cao hơn rất hạn chế. Hầu hết chỉ học xong bậc Trung học phổ thông là ở nhà lên rẫy, vào rừng, hoặc là đi làm thuê tạm thời. Nhận thấy đây là “vấn đề” chính yếu khiến đồng bào DTTS khó có cơ hội thoát nghèo, tỉnh Gia Lai đã tập trung nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, chú trọng đối tượng là thanh, thiếu niên người DTTS.

Để phát huy nguồn lực này, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Đoa và Trường Cao đẳng Gia Lai đã ký Quy chế phối hợp tư vấn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn. Vì thế, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được triển khai thuận lợi. Hằng năm, Trường Cao đẳng Gia Lai đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tìm giải pháp về xây dựng mô hình kết nối doanh nghiệp và địa phương về đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động người DTTS. Trong chương trình đào tạo, Nhà trường đưa vào giảng dạy những kỹ năng thực hành, đào tạo kỹ năng ở những nghề ứng dụng công nghệ mới, cùng với việc giảng dạy lý thuyết các học viên được tham gia thực hành trực tiếp tại những nhà máy, xí nghiệp do trường liên kết, tại đây có nhiều học viên sau khi thực tập đã được mời lại làm việc.

Sinh ra và lớn lên ở làng Brong Goai (xã La Pết, huyện Đak Đoa), chị Oi, 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp PTTH mong ước được đi học tiếp nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện theo học tiếp ở bậc cao hơn, chị đã chọn cho mình nghề may theo học tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Trong thời gian theo học tại trường, chị luôn là học viên chăm chỉ, chịu khó nghe thầy cô giảng dạy, sau đó mày mò áp dụng vào thực hành trên vải để trang bị cho mình thêm kỹ năng. Sau 2 năm ra trường, chị làm việc tại công ty may ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với mức lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn làm tăng ca để có thêm chi phí sinh hoạt cho mình và gửi tiền hằng tháng về phụ giúp gia đình.

Cũng như chị Oi, anh Muel ở làng Adơk Kông, xã Adơk, sau khi được cán bộ xã định hướng nghề, anh Muel đã chọn cho mình một hướng đi phù hợp. Nhận thấy nghề xây dựng rất phù hợp với bản thân và có khả năng phát triển, tìm kiếm được cơ hội lâu dài, anh Muel đã quyết định theo học và hoàn thành lớp đào tạo nghề xây dựng vào năm 2022. Anh Muel cùng với các học viên trong làng thành lập Tổ hội nghề xây dựng làng Adơk Kông. Ban đầu, anh Muel và các thành viên chủ yếu nhận thi công những công trình nhỏ, như: Sân, hàng rào, nhà vệ sinh… trong làng. Dần dần, tay nghề của các thành viên được nâng lên. Người dân tin tưởng tìm đến thuê xây dựng những công trình lớn hơn. Nhờ đó, 7 thành viên trong Tổ thường xuyên có việc làm, thu nhập ổn định.

Anh Muel, chia sẻ: “Trước đây, mình cũng như các thành viên trong Tổ chủ yếu làm nông nghiệp. Do đất đai không có nhiều nên gia đình thường xuyên thiếu trước hụt sau. Từ khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho học nghề xây dựng và thành lập Tổ hội nghề xây dựng thì công việc đã ổn định hơn. Từ năm 2023 đến nay, Tổ đã nhận xây dựng được 3 căn nhà và nhiều công trình sữa chữa nhỏ khác cho người dân trong làng. Thu nhập của các thành viên đạt bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng”.

Hiện nay, không chỉ có chị Oi, anh Muel mà rất nhiều thanh niên trong huyện cũng được định hướng về nghề nghiệp phù hợp với thực tế của địa phương. Nhờ có sự quan tâm đúng hướng này của các ngành, các cấp trong huyện, những năm gần đây, khi công tác hướng nghiệp được chú trọng, người dân đã có việc làm, có thu nhập nên đời sống cũng dần ổn định hơn, diện mạo Đăk Đoa ngày thêm khởi sắc.

Mô hình trông cây cà phê xen canh cây mắc ca ở thôn Đăk Bla, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.
Mô hình trồng cây cà phê xen canh cây mắc ca ở thôn Đăk Bla, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum

Kon Tum - đào tạo nghề gắn với phát triển sản xuất tại chỗ

Kon Tum là địa phương có số nhiều đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguyên nhân do diện tích đất sản xuất ít, điều kiện canh tác không thuận lợi, phương thức canh tác lạc hậu. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất và kỹ năng lao động của người dân còn thấp khiến cho việc triển khai mục tiêu giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc định hướng nghề, đào tạo nghề cho đồng bào DTTS luôn được các ngành, các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, với phương châm “hỗ trợ cần câu, không cho con cá” và mục tiêu của tỉnh đề ra là đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 14.800 lao động, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề, được cấp bằng cấp, chứng chỉ…

Cụ thể, định hướng ngành nghề đào tạo của tỉnh gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, như: Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Phát triển du lịch nông thôn; đào tạo “Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp” để đảm bảo mục tiêu “80% Giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề”; chú trọng đào tạo nghề liên quan đến sản xuất các mặt hàng OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn…

Đăk Glei là một trong những “điểm sáng” trong thực hiện đào tạo nghề. Giai đoạn từ 2024 đến nay, huyện Đăk Glei đã hoàn thành đào tạo 5 lớp dạy nghề với 156 học viên, đạt 74,2% so với chỉ tiêu của huyện giao, tập trung vào các nghề trồng và chăm sóc cà phê, mắc ca; dạy nuôi và phòng bệnh cho gia súc…

Song song với việc đào tạo nghề, huyện Đăk Glei quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ các chính sách về tín dụng, vốn vay ưu đãi cho người dân, từ đó giúp người dân khu vực nông thôn có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Năm 2024, thôn Đăk Bla mở lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây mắc ca xen trong vườn cà phê, chăn nuôi, và được vay vốn ưu đãi của Nhà nước. 

Chị Y Nhéo, 45 tuổi, dân tộc Giẻ - Triêng đã cùng bà con trong thôn đăng ký tham gia lớp học. Năm 2023, chị Y Nhéo được hỗ trợ 25 cây mắc ca giống, để trồng xen trong vườn cà phê, được hướng dẫn, hỗ trợ về phân bón, kỹ thuật chăm sóc, gia đình chị nghiêm ngặt thực hiện chăm sóc cây mắc ca theo từng bước nhưng số lượng cây phát triển không đồng đều. 

Thật may, chị được tham gia lớp đào tạo nghề, chị chủ động học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, quy trình mới trong khâu chăm sóc, và thực sự dễ nắm bắt hơn khi các cán bộ trực tiếp thực hành tại vườn nhà, chỉ ra những nguyên nhân khiến cây chậm phát triển, cách chăm sóc, bón phân phù hợp. Chị cùng bà con trong thôn nhận thấy cây mắc ca là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. 

Ngoài việc phát triển trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê, chị Y Nhéo đã mạnh dạn vay vốn mua bò sinh sản, đến nay, nguồn thu nhập trong gia đình chị Nhéo dần ổn định, và đã thoát nghèo từ năm 2022.

Tương tự như ở huyện Đăk Glei, huyện Đăk Tô cũng xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dược liệu ở huyện Đăk Tô với diện tích khoảng 300ha cùng sự tham gia của gần 50 hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã mang lại thu nhập cao cho các hộ. Điển hình như hộ chị Y Chim (làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm) từ khi chuyển sang trồng 2ha dứa xen canh cây mắc ca. Vụ đầu tiên, riêng diện tích dứa đã cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, cao hơn so với trồng sắn trước đây; hộ chị Y Lan (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm), khi chuyển đổi một phần đất từ trồng sắn sang trồng gừng, sau vài vụ gừng cho thu hoạch, gia đình chị có nguồn thu nhập tốt hơn.

Từ nhưng mô hình chuyển đổi sản xuất, có được nguồn thu nhập ổn định của các chị, đến nay nhiều hộ nghèo ở Đăk Glei sau khi được học nghề đã xin tham gia hợp tác xã và tổ sản xuất, tiến hành chuyển đổi sản xuất bước đầu có nguồn thu ổn định.

Hiệu quả bước đầu của chính sách đào tạo nghề ở Gia Lai và Kon Tum cho thấy hướng đi đúng đắn và sáng suốt trong việc lựa chọn chiếc “chìa khóa” để giảm nghèo cho người dân. Đó là cơ sở để hai tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững cho những năm tiếp theo. Đồng thời rút ra những bài học, để hoàn thiện việc thực hiện chính sách, nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo./.