Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chuẩn bị chu đáo cho Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại Lai Châu

Trương Vui - Hồng Phúc - 20:10, 09/10/2023

Tại họp báo thường kỳ quý III năm 2023 diễn ra vào chiều ngày 9/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) thông tin, hiện Bộ đang phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu và 12 tỉnh tham dự chuẩn bị cho các hoạt động của Ngày hội.

Trả lời câu hỏi tại họp báo, bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, cho hay, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người được tổ chức nhằm truyền tải ý nghĩa, tất cả các dân tộc, dù là dân tộc đông người hay dân tộc ít người, đều có sự bình đẳng như nhau.

Cùng với đó, hiện nay, văn hóa của DTTS có dân số dưới 10.000 người đang có nguy cơ bị mai một. Vì vậy cần phải có hướng bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Muốn vậy, ngoài việc cần bảo tồn các phong tục tập quán, cần tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, để cho chính các chủ thể văn hóa được tham gia, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đây cũng đồng thời là dịp để giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chủ trì họp báo
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy chủ trì họp báo

Đặc biệt, Ngày hội còn hướng đến ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ về ý thức coi trọng văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống, để trao truyền cho các thế hệ ngọn lửa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của dân tộc mình.

Với ý nghĩa đó, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động, gồm: Liên hoan trình diễn trang phục, liên hoan văn hóa nghệ thuật quần chúng, trình diễn nghề thủ công truyền thống, trưng bày các sản phẩm văn hóa của 14 dân tộc.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung cũng thông tin, hiện nay, Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Lai Châu là tỉnh đăng cai, đang phối hợp với 12 tỉnh chuẩn bị các nội dung của ngày hội, sẽ diễn ra vào ngày 3-5/11 tới đây.

Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, Bộ VHTT&DL đã tóm tắt công tác VHTT&DL quý III năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2024.

Cụ thể, trong quý III năm 2023, ngành VHTT&DL đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Trong đó có việc vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Thiên nhiên Thế giới; 5 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, công nhận bảo vật quốc gia đợt 11…

Trong lĩnh vực Thể dục, thể thao, Đoàn thể thao Việt Nam tham dự và thi đấu tại ASIAD 19 với thành tích 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 19 Huy chương Đồng. Phối hợp với các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức 69 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Kết quả tham dự các giải thi đấu quốc tế đạt 69 Huy chương Vàng, 48 Huy chương Bạc, 25 Huy chương Đồng. Đến nay, Thể thao Việt Nam có môn Xe đạp và Bắn súng chính thức được tham dự Olympic 2024 tại Pháp…

Ở lĩnh vực du lịch, số liệu trong 9 tháng năm 2023 cho thấy, tổng lượng khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 8,8 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 93,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành VHTT&DL còn một số hạn chế, tập trung ở công tác xây dựng thể chế tại một số lĩnh vực còn chậm tiến độ. Việc huy động các nguồn lực đầu tư, quy hoạch, bố trí quỹ đất ở các địa phương cho phát triển văn hóa, thể thao còn hạn chế. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa còn nhiều khó khăn...

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy và đại diện lãnh đạo nhiều cục, vụ, viện thuộc Bộ cũng đã giải đáp những câu hỏi từ đại diện các cơ quan báo chí, về Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045; việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo; việc nâng chỉ tiêu đón khách du lịch trong năm 2023 cũng như tiến độ xử lý, khắc phục những vấn đề trong quản lý đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia...

Đồng thời đưa ra các thông tin xung quanh nhiều vấn đề nóng trong thời gian gần đây như: Vấn đề chi trả chế độ cho các huấn luyện viên, vận động viên trước những thông tin gây xôn xao về “bữa ăn 800.000 đồng không đủ dinh dưỡng" của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia; thông tin một số vận động viên bóng bàn trẻ phải nộp tiền cho huấn luyện viên trưởng...

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.