Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Chung tay phủ xanh những cánh rừng Tây Bắc

Minh Nhật - 14:38, 03/06/2024

Tiếp tục hành trình phủ xanh những cánh rừng Tây Bắc, chương trình "Rừng xanh lên năm 2024" triển khai các hoạt động trồng rừng sôi nổi, góp phần phục hồi 10 ha tại dải rừng Pa Cốp - Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và 15 ha rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, tỉnh Hòa Bình.

Các tình nguyện viên trồng rừng tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La
Các tình nguyện viên trồng rừng tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

Nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với chủ đề “phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”, ngày 2/6, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sự kiện "Rừng xanh lên năm 2024" với mục tiêu trồng phục hồi 25 ha rừng nối giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La.

Theo Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên Trịnh Lê Nguyên, các hoạt động phục hồi rừng góp phần cho mục tiêu chung là tăng độ che phủ của mặt đất, góp phần giảm nguy cơ sa mạc hóa và cải tạo đất đai tốt hơn.

“Trong đợt này, PanNature thực hiện trồng rừng song song trên cả dải rừng Pa Cốp-Hua Tạt và Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò. Làm tốt hoạt động trên có thể tạo thêm môi trường sinh sống cho các loài động vật thiên nhiên hoang dã”, ông Trịnh Lê Nguyên thông tin thêm.

Khu vực giáp ranh giữa hai huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) và Vân Hồ (tỉnh Sơn La) có khí hậu mát mẻ quanh năm với những cánh rừng già trên núi đá, núi đất tươi đẹp. Đây là nơi sinh sống của hệ động vật, thực vật đa dạng. Về thực vật, có thể đến cây tùng, cây bách, cây thông, phong lan quý hiếm… Về động vật, có loài vượn đen má trắng nằm trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Huyện Vân Hồ hiện có nhiều đồng bào người Mông và các DTTS vùng cao sinh sống. Nhiều nét văn hóa độc đáo của họ gắn liền với núi rừng. Trải qua nhiều năm, áp lực từ các hoạt động kinh tế đã khiến không ít diện tích rừng tự nhiên bị tác động, phân mảnh và suy thoái.

Ước tính, có khoảng 500 ha trong dải rừng này cần được phục hồi để bảo đảm cảnh quan tự nhiên, duy trì sinh cảnh sống cho loài vượn đặc hữu. Nếu có bàn tay con người hỗ trợ, quá trình phục hồi ấy sẽ được rút ngắn hơn.

Năm nay, Rừng xanh lên thu hút sự tham gia của gần 300 tình nguyện viên đến từ Đoàn Thanh niên huyện Vân Hồ, Hội Phụ nữ xã Vân Hồ, cùng các tổ chức, cá nhân ủng hộ hoạt động phục hồi rừng từ nhiều tỉnh, thành khác nhau.

Các tình nguyện viên được hướng dẫn kỹ càng về quy trình trước khi trồng rừng
Các tình nguyện viên được hướng dẫn kỹ càng về quy trình trước khi trồng rừng

“Rừng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ môi trường xanh, sạch và bảo tồn lưu giữ các loài động, thực vật quý hiếm. Đối với Vân Hồ, rừng đặc biệt quan trọng. Vì phục vụ cho những mục đích trên, rừng ở đây còn góp phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc…”, ông Nguyễn Hùng Chiến - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ cho biết thêm.

Vân Hồ là khu vực phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp, chú trọng vào các cây ăn quả, rau hoa, lương thực có hạt. Những nội dung này thường đem lại hiệu quả kinh tế ngay. Trong khi trồng rừng phải trải qua thời gian dài từ 7 - 10 năm mới thu được lợi ích về kinh tế. Vì thế, việc tuyên truyền, vận động và thuyết phục Nhân dân tham gia trồng rừng gặp nhiều khó khăn.

Với quyết tâm cao độ cùng sự hưởng ứng, chung tay của cộng đồng, nhất là trong những hoạt động trồng rừng, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Vân Hồ đã đạt được nhiều kết quả tốt. Rừng ngày càng xanh, giàu về trữ lượng hơn, giá trị đa dạng sinh học cao hơn, các loài động thực vật quý hiếm sẽ được bảo vệ tốt hơn.


Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó với động đất

Kon Tum: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó với động đất

Thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) đã xảy ra gần 50 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4. Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai song vẫn khiến người dân hoang mang. Các cấp chính quyền đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách ứng phó. Tuy nhiên, về lâu dài thì cần có nghiên cứu, đánh giá nguy hiểm của động đất và có giải pháp để người dân yên tâm sinh sống.