Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chương trình 135 ở Thái Nguyên: Điểm sáng trong công tác giảm nghèo

Cát Tường - 15:28, 15/11/2020

Giai đoạn 2017-2020, Thái Nguyên là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã được công nhận hoàn thành Chương trình 135 với 19 xã. Qua đó cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đối với công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Cây chè - một trong những loại cây "đặc sản" giúp giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên
Cây chè - một trong những loại cây "đặc sản" giúp giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên

Tuyến đường dẫn vào xóm Chùa và xóm Phú Nghĩa, là một trong số nhiều công trình ở xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ được đầu tư xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Có độ dài hơn 360m, tuyến đường được đầu tư 1,2 tỷ đồng để thi công, trong đó, vốn từ Chương trình 135 là trên 900 triệu đồng. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương đã vận động Nhân dân đồng thuận hiến đất để mở rộng đường, thi công cầu bê tông đảm bảo cho việc đi lại của Nhân dân được thuận tiện nhất.

Ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khôi Kỳ, Đại Từ cho biết: "Được sử dụng nguồn vốn 135 chúng tôi đã xây dựng được nhiều công trình tại địa phương. Còn các công trình lớn thì chúng tôi sẽ kết hợp với các nguồn vốn khác như vốn thủy lợi, vốn nước sạch vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới... để chúng tôi thực hiện các chương trình phúc lợi cho Nhân dân".

Việc lồng ghép nguồn vốn 135 và các nguồn vốn, nguồn lực khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đã phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn, từng bước xây dựng các công trình trực tiếp cho người dân, không để tư tưởng ỷ lại, trông chờ bao cấp của Nhà nước. Nhờ vậy mà, đối với các xã thụ hưởng Chương trình 135 thuộc vùng ATK của huyện Đại Từ đã và đang có những bước khởi sắc rõ rệt, góp phần hoàn thiện mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống Nhân dân… Đây là tiền đề để thời gian tới, huyện Đại Từ phấn đấu hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 ở các xã còn lại.

Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: "Huyện Đại Từ phấn đấu đến năm 2022 sẽ hoàn thành 10 xã Nông thôn mới, trong đó hoàn thành các tiêu chỉ của 135. Trong năm 2020, 2021 sẽ hoàn thành 6 xã; năm 2022 sẽ hoàn thành 4 xã".

Không chỉ hỗ trợ hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, dung hỗ trợ sản xuất trong Chương trình 135 đã giúp hoàn thiện tiêu chí giảm các hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương. Như tại xã Hợp Thành (Phú Lương), giai đoạn 2016 - 2019, xã đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho gần 400 hộ nghèo, cận nghèo từ vốn Chương trình 135 bằng hình thức đối ứng, với việc cung cấp khoảng gần 500 chiếc máy các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất hiệu quả lao động sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm sâu, từ gần 30% (năm 2016) xuống còn 6% tại thời điểm xã Hợp Thành hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (năm 2018).

Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Phương Loan ở xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương là hộ cận nghèo. Đến năm 2019, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 135, chị đã đối ứng 50% tiền mua máy cày này trị giá trên 15 triệu đồng, phục vụ công việc sản xuất và tăng thêm thu nhập, việc làm. Hết năm 2019, gia đình chị ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã.

Từ những kết quả nổi bật của Thái Nguyên có thể khẳng định, Chương trình 135 là một điểm sáng trong chính sách dân tộc trên địa bản tỉnh. Việc triển khai thực hiện Chương trình 135 trong những năm qua, luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, sự phối hợp tuyên truyền của mặt trận, các đoàn thể, sự nhiệt tình, đồng thuận tham gia đóng góp và thực hiện của Nhân dân trên địa bàn. Trong quá trình tổ chức thực hiện, đều có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương; giữa cơ quan chủ trì với các sở, ngành liên quan trong quá trình xây dựng kế hoạch phân bổ vốn, hướng dẫn thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

Các công trình như đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học… đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân, khi hoàn thành đưa vào sử dụng cơ bản đều phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân vùng hưởng lợi, được người dân đồng tình tham gia ủng hộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, đời sống của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt. 

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đã góp phần chuyển đổi mạnh về cơ cấu kinh tế cho Nhân dân, đặc biệt là giúp người dân về máy móc kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm ở các xã hưởng Chương trình 135 - vượt mục tiêu đề ra của Chương trình 135 là giảm 4%. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thái Nguyên giảm 2%/năm, các xã đặc biệt khó khăn giảm 3,5%/năm.

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.