Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 52 năm 2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, giai đoạn 2015 - 2020, việc triển khai các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã có tác động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và ổn định tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực đồng bào DTTS và miền núi được hoàn thiện theo tiêu chí nông thôn mới.
Đặc biệt, các mô hình phát triển sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi tiếp tục được khuyến khích nhân rộng đã tạo hiệu quả tích cực trong việc nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững đối với đồng bào DTTS, miền núi. Hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 32,88%, giảm 23,7% so với đầu năm 2016.
Đơn cử như, gia đình ông Hà Mon, ở thôn Đá Trắng, trước đây là một trong những hộ nghèo nhất của xã Cầu Bà. Ông Hà Mon cho biết: Gia đình ông có hơn 1ha đất, trồng bắp, trồng mì nhưng vẫn không đủ ăn nên phải làm thuê, làm mướn để trang trải sinh hoạt gia đình. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, gia đình ông được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để chuyển đổi mô hình sản xuất và được hỗ trợ 1 con bò cái giống.
"Bò mẹ đã sinh sản nên vợ chồng mình rất phấn khởi, sẽ tiếp tục chăm sóc để gây dựng đàn bò. Ngoài ra, mình cũng đang trồng 1ha bưởi da xanh, xắp cho thu hoạch. Mình tin nguồn thu nhập từ cây bưởi và chăn nuôi bò sẽ giúp mình thoát nghèo bền vững", ông Mon phấn khởi nói.
Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách như phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân... cũng được huyện Khánh Vĩnh triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Ngành Giáo dục huyện đã triển khai tốt việc dạy học, tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS mầm non và tiểu học, đặc biệt chú trọng trẻ em DTTS từ 3 - 5 tuổi trong 2 tháng hè; Đồng thời, ngành tiếp tục thực hiện chương trình tăng thời lượng môn tiếng Việt cho học sinh lớp 1 người DTTS.
Hiện nay, 100% trẻ em các trường mầm non trên địa bàn được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng; 100% trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại trường, đảm bảo cơ cấu dinh dưỡng phù hợp với từng nhóm tuổi và điều kiện thực tiễn của từng trường. Chương trình “Sữa học đường” giai đoạn 2017- 2020 trong các trường mầm non được triển khai đúng quy định; việc tổ chức ăn trưa, bán trú cho học sinh DTTS học tại các trường tiểu học đạt tỷ lệ 100% với 3.520 học sinh.
Các địa phương cũng đã thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát triển khai thực hiện dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn huyện; tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó ưu tiên người DTTS... Kết quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo cân nặng chỉ còn 19,5%, theo chiều cao còn 20,6%; tỷ lệ tiêm chủng trẻ em đủ liều đạt 96,5%; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 8,6‰...
Ông Đặng Văn Tuấn,Trưởng ban Dân tộc Khánh Hòa đánh giá: Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với những kết quả đạt được trong những năm qua, Khánh Vĩnh là địa phương được các cấp lãnh đạo đánh giá cao trong việc triển khai và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc tới đồng bào DTTS..
“Thời gian tới, huyện cần tiếp tục khắc phục những khó khăn như thiên tai, dịch bệnh..., triển khai sâu rộng các chính sách, tiếp tục nâng cao đời sống người dân, nhất là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để những hộ đồng bào nghèo vươn lên thoát nghèo và những hộ đã thoát nghèo thì vươn lên làm giàu”, ông Tuấn chia sẻ thêm.