Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chương trình MTQG 1719 tiếp thêm "sinh lực" cho du lịch cộng đồng ở Nghệ An phát triển bền vững

An Yên - 7 giờ trước

Du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An ngày càng có nhiều du khách tìm đến bởi sự mới lạ, gần gũi với thiên nhiên. Sức hấp dẫn của loại hình du lịch này, đang được tiếp sinh lực để phát triển bền vững, lan tỏa bởi nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 1: 2021-2025.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tìm hiểu thực tiễn hoạt động mô hình du lịch cộng đồng bản Quang Phúc, xã Tam Đình, huyện Tương Dương
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tìm hiểu thực tiễn hoạt động mô hình du lịch cộng đồng bản Quang Phúc, xã Tam Đình, huyện Tương Dương

Tiềm năng còn rộng mở

Dựa trên nền tảng bản làng các dân tộc còn nguyên sơ, kiến trúc truyền thống độc đáo, gần gũi với thiên nhiên của người bản địa; những năm qua, tỉnh Nghệ An đã chú ý đến phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, đến nay, nhiều địa phương đã lựa chọn đây là sản phẩm du lịch đặc trưng.

Địa phương này có khá nhiều mô hình du lịch cộng đồng đang hoạt động hiệu quả, có thể kể đến là huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳ Châu… Ở các địa phương này, du lịch cộng đồng đã thực sự là một “ngành nghề” không chỉ giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông, lâm sản, nghề truyền thống...; mà còn mang lại những trải nghiệm cho du khách, góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS nơi đây.

Nhìn từ các mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Con Cuông sẽ thấy rõ hơn điều này. Trong 4 điểm du lịch cộng đồng của Con Cuông, đã có 2 điểm du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê và bản khe Rạn, xã Bồng Khê được Hội đồng và Tổ tư vấn tỉnh Nghệ An đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 Sao. Từ khi thành lập đến nay, du lịch cộng đồng đã tiếp được 49.178 lượt khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực của dân tộc Thái. Tổng thu nhập từ loại hình du lịch này trên 7 tỷ đồng.

Chị Vi Thị Thành, chủ homestay Nhưỡng Thành (huyện Con Cuông) cho biết: Từ khi gia đình được chọn để làm homestay, chúng tôi đã cải tạo lại toàn bộ từ khuôn viên, nơi ở cho du khách và cảnh quan của ngôi nhà. Trong những năm qua, chúng tôi đã đón hàng nghìn lượt khách, tập trung nhiều nhất vào những dịp cao điểm như dịp lễ, tết…

Tại bản Phảy - Thái Minh nằm ở xã Tiên Kỳ (huyện Tân Kỳ) cũng là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn và tiềm năng. Đây là bản có 100% đồng bào là dân tộc Thái, với nhiều bản sắc văn hóa riêng và vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Xã Tiên Kỳ có 4 hộ gia đình có đủ điều kiện để làm nơi lưu trú du lịch cộng đồng.

Hơn 3 năm trước, gia đình ông Vi Văn Xao tiên phong làm du lịch cộng đồng. Gia đình ông đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để sửa chữa nâng cấp lại nhà sàn, đầu tư 10 bộ chăn ga gối đệm và xây mới các nhà vệ sinh.

Trao truyền niềm yêu thích văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ ở bản Bộng xã Thành Sơn (Anh Sơn)
Trao truyền niềm yêu thích văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ ở bản Bộng xã Thành Sơn (Anh Sơn)

Ông Vi Văn Xao cho biết: Từ khi được chọn làm điểm du lịch cộng đồng, gia đình chúng tôi rất phấn khởi và đã đầu tư một số kinh phí để phát triển loại hình này. Điều chúng tôi mong muốn, chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo cơ hội để chúng tôi liên kết với các công ty hoặc tua lữ hành du lịch để có thể thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm…

Theo Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, tiềm năng của du lịch cộng đồng của tỉnh còn rất lớn. Toàn tỉnh hiện có nhiều điểm du lịch cộng đồng, đã được công nhận và một số điểm du lịch đã được hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ chức để quản lý. Trung bình hằng năm các điểm du lịch này đón hàng ngàn lượt khách.

Nhiều lao động của vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch.

Nguồn lực quan trọng từ Chương trình MTQG 1719

Để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong những năm gần đây, Nghệ An đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển nhằm giúp người dân ở các huyện trong khu vực này phát triển sinh kế bền vững; cũng như tạo cơ sở để các địa phương đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy tốt hơn bản sắc văn hóa dân tộc, nét đặc sắc vùng miền. 

Cụ thể, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, với tổng kinh phí khoảng 10,3 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ nhằm giúp các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và tập huấn nghiệp vụ. 

Ngoài ra, hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị ban đầu (chăn, ga, gối, đệm, máy lọc nước...); hỗ trợ đội văn nghệ của các thôn, bản mua sắm nhạc cụ và trang phục biểu diễn để phục vụ du khách.

Kể từ khi thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thì nhiều nội dung được hỗ trợ được triển khai, đã tiếp thêm động lực để người dân và chính quyền địa phương củng cố, đẩy mạnh hơn loại hình du lịch cộng đồng.

Điểm du lịch cộng đồng bản Gạo (huyện Con Cuông) đã gắn với nghề dệt thổ cẩm các sản phẩm đặc trưng
Điểm du lịch cộng đồng bản Gạo (huyện Con Cuông) đã gắn với nghề dệt thổ cẩm các sản phẩm đặc trưng đang thu hút khách du lịch trải nghiệm

Cụ thể, toàn tỉnh đã có 1 mô hình văn hóa truyền thống các DTTS được xây dựng, là Bảo tàng các DTTS ở huyện Quỳ Châu; 3 điểm du lịch tiêu biểu vùng DTTS được hỗ trợ; 1 bản/làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS được hỗ trợ; 10 tủ sách cộng đồng cũng đã được hỗ trợ; 1 di tích quốc gia đặc biệt và tiêu biểu vùng DTTS đã được hỗ trợ nâng cấp, là nhà lưu niệm cụ Vi Văn Khang ở huyện Con Cuông; 14 thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN cũng đã được hỗ trợ; 16 nghệ nhân người DTTS cũng đã được hỗ trợ, với mục đích trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận…

Tuy nhiên, từ thực tế khảo sát và theo nhìn nhận của Sở Du lịch Nghệ An, các mô hình phát triển du lịch cộng đồng, cụ thể là không phải tất cả các điểm đến, các bản du lịch cộng đồng đều phát triển thành công. Hiện nay, có rất nhiều điểm du lịch cộng đồng đang trong giai đoạn bắt đầu, cần được hỗ trợ phát triển; và cũng có không ít các bản, làng, điểm đến du lịch cộng đồng đã được hỗ trợ khá tốt qua các dự án chính sách của Nhà nước, và có cả dự án ngoài nước, nhưng sau khi kết thúc dự án, các mô hình hoạt động du lịch này không tiếp tục được duy trì. Nguyên nhân là do thiếu nguồn khách, thiếu người lãnh đạo trong cộng đồng, không có sự gắn kết với doanh nghiệp du lịch…

Cũng theo Sở Du lịch Nghệ An, những đầu tư của Chương trình MTQG 1719, là nhằm đến những điểm du lịch tiềm năng, có thể phát triển. Vì thế, những đầu tư, hỗ trợ này là rất cần thiết, mang tính “kích cầu” rất lớn để bà con Nhân dân nơi đây vững tin hơn với mô hình du lịch của địa phương; cũng là điều kiện tốt để quảng bá, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. 

“Chúng tôi hi vọng, những đầu tư, hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719 thời gian qua, và những năm tiếp theo sẽ mang đến một làn gió mới, tiếp thêm "sinh lực" cho các điểm du lịch cộng đồng nơi các bản làng miền Tây xứ Nghệ phát triển bền vững”, một đại diện lãnh Sở Du lịch Nghệ An chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả từ mô hình nuôi bò sinh sản của đồng bào Raglay thôn Tà Dương

Hiệu quả từ mô hình nuôi bò sinh sản của đồng bào Raglay thôn Tà Dương

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt Chương trình MTQG 1719), đồng bào Raglay ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã phát triển mô hình nuôi bò sinh sản.