Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Người dân vùng cao Hà Lâu chật vật trong việc tái trồng rừng

Mỹ Dung - 8 giờ trước

Sau cơn bão số 3, hàng trăm hecta rừng keo của bà con vùng cao Hà Lâu, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) bị tàn phá nặng nề. Vừa mới bắt đầu gượng dậy sau thiệt hại do thiên tai, người dân lại phải đối mặt với khó khăn mới khi giá cây keo giống tăng vọt. Việc tái trồng rừng giờ đây trở thành một thử thách lớn, khi chi phí cao và nguồn lực thiếu thốn khiến quá trình phục hồi sinh kế của bà con càng thêm trì trệ.

Tại các vườn, giá keo giống tăng vọt
Tại các vườn, giá keo giống tăng vọt

Dân chật vật

Trên thực tế, hiện nay giá giống tăng vọt khiến nhiều người dân lâm vào cảnh chật vật tái trồng rừng. Gia đình ông Trìu Tắc Xình, thôn Co Mười – Khe Liềng có 10ha rừng bị bão số 3 quật đổ hoàn toàn. Sau bão, ông dồn toàn bộ vốn liếng để mua 1,7 vạn cây keo giống đầu năm nay với giá 1.200 đồng/cây và hi vọng phục hồi lại diện tích rừng bị mất. Thế nhưng, do thời tiết khô hạn kéo dài nên một nửa số cây đã chết khô. Ông Xình đành phải mua thêm 7.000 cây nữa để trồng lại.

"Giá keo giống năm nay cao gấp đôi so với năm ngoái, trong khi thiệt hại thì gần như mất trắng. Gia đình tôi lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, nợ chồng thêm nợ", ông Xình ngậm ngùi.

Không những vậy, giá keo giống tăng gấp 2 – 3 lần, chi phí ngày công cũng leo thang. Nhiều hộ gia đình trong thôn vẫn đang chần chừ chưa dám trồng lại rừng vì chưa xoay đủ tiền mua giống. Việc tái trồng chậm trễ không chỉ khiến người dân chịu thiệt hại kéo dài, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ phục hồi rừng sản xuất của cả khu vực.

Thôn Hà Bắc, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 800ha rừng bị gãy đổ hiện đang lâm vào tình trạng tái trồng rừng chậm trễ do thiếu giống và thiếu vốn. Trưởng thôn Hà Bắc - Tằng Cún Sáng cho biết: "Hiện giá keo tra hạt đã lên tới 1.200 đồng/cây, còn keo hom (triết cành) thì lên đến 2.200 đồng/cây. Giá giống tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp ba so với năm trước. Đó là chưa kể đến việc thuê nhân công đang rất khó khăn và giá cũng tăng nhiều”.

Chị Tằng A Múi cho biết nhiều loại giống còn phải nhập từ nơi khác về nên chi phí càng tăng cao
Chị Tằng A Múi cho biết nhiều loại giống còn phải nhập từ nơi khác về nên chi phí càng tăng cao

Không chỉ giá giống cao, mà nguồn cung cây keo giống hiện nay cũng rất khan hiếm. Chị Tằng A Múi, chủ một vườn ươm nhỏ tại địa phương cho biết: “Hiện phần lớn giá giống bị đẩy cao do thị trường thiếu nguồn cung. Vườn nhà tôi chuyên sản xuất keo tra hạt, nhưng năm nay do hạn hán kéo dài nên tỉ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 60%. Phân bón, nhân công đều tăng giá, có lô phải gieo lại đến 3 lần. Nhiều loại giống phải nhập từ nơi khác về, đẩy chi phí càng cao hơn”.

Tình trạng thiếu giống đang tạo áp lực lớn lên các vườn ươm trong vùng, trong khi nhu cầu trồng lại rừng sau bão vẫn rất lớn. Người dân, dù muốn khôi phục rừng, nhưng bị kẹt giữa giá giống cao và chi phí đầu vào không thể kiểm soát.

Chính quyền nói gì?

Các vườn tích cực tra hạt để cung cấp giống cho bà con mua tái sản xuất
Các vườn tích cực tra hạt để cung cấp giống cho bà con mua tái sản xuất

Theo thống kê của UBND xã Hà Lâu, bão Yagi đã làm hơn 2.500ha rừng trong xã bị thiệt hại. Tuy nhiên, chỉ khoảng 800ha đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 1568/2017/QĐ-UBND của tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, hộ gia đình và cá nhân có diện tích rừng bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; từ 30–70% được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. So với chi phí thực tế bỏ ra để mua giống và thuê nhân công trồng lại, mức hỗ trợ này vẫn còn quá khiêm tốn.

Nhiều cánh rừng keo bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3
Nhiều cánh rừng keo bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3

Trước những khó khăn của người dân, chính quyền xã tuyên truyền và hướng dẫn người dân chuyển sang trồng các loại cây gỗ lớn nhằm đa dạng hóa sinh thái rừng và giảm phụ thuộc vào keo. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cây keo vẫn là lựa chọn chủ lực vì dễ trồng, nhanh thu hoạch và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Trao đổi về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâu - Lã Văn Vy cho biết, hiện toàn xã đã trồng mới được khoảng 60% diện tích rừng bị thiệt hại sau bão. Xã cũng đã tiếp nhận kiến nghị của người dân và báo cáo lên các cơ quan cấp trên, nhưng thẩm quyền và nguồn lực của cấp xã có hạn.

“Bên cạnh đó, xã cũng tích cực tuyên truyền mô hình trồng rừng bền vững, khuyến khích người dân hạn chế độc canh cây keo, thay vào đó là các loại cây gỗ lớn để phát triển rừng lâu dài và bảo vệ nguồn sinh thủy. Chúng tôi rất mong các ban ngành của tỉnh có giải pháp hỗ trợ kịp thời về giống, vốn và kỹ thuật, giúp người dân sớm khôi phục rừng, ổn định sản xuất và đời sống”, ông Vy nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Khi người trẻ thể hiện tình yêu văn hoá truyền thống

Khi người trẻ thể hiện tình yêu văn hoá truyền thống

Ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hoà), nhiều bạn trẻ đã thể hiện tình yêu văn hóa truyền thống theo cách của riêng mình, có bạn thì say mê chế biến các món ẩm thực đặc trưng như muối cá khô, gạo rẫy... , người lại học làm những món đồ mỹ nghệ như đan lát làm gùi, nỏ, đàn chapi…Dù việc làm khác nhau, nhưng các bạn đều cố gắng gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại.