Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Chương trình MTQG 1719 - Trợ lực để Bình Phước thực hiện mục tiêu mỗi năm có 1.000 hộ DTTS thoát nghèo

Lê Vũ - 11:25, 10/11/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) là một trợ lực mạnh mẽ để mục tiêu mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh Bình Phước tiếp tục được về đích với nhiều thành quả vượt bậc.

Một hộ gia đình đồng bào DTTS tại huyện Hớn Quản thoát nghèo nhờ nhận được hỗ trợ về con giống chăn nuôi (Ảnh BDT BP)
Một hộ gia đình đồng bào DTTS tại huyện Hớn Quản thoát nghèo nhờ nhận được hỗ trợ về con giống chăn nuôi (Ảnh BDT BP)

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số 994.679 người, trong đó DTTS có 195.635 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, với 41 thành phần dân tộc sống đan xen thành cộng đồng tại 111 xã, phường, thị trấn, trong đó có 15 xã biên giới, 9 xã và 55 thôn đặc biệt khó khăn.

Để đồng bào DTTS tiếp tục ổn định cuộc sống và sản xuất, an tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm tăng cường sự đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS, từ năm 2019, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND về thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Và bắt đầu từ thời điểm đó, Chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS được thực hiện, trở thành chương trình đặc thù riêng của tỉnh, tạo được sự bứt phá trên nhiều phương diện.

Sau khi thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, kết quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS luôn đạt được theo xu hướng tăng dần cả về số lượng và chất lượng, Cụ thể trong 3 năm (2019-2021) với tổng nguồn vốn bố trí thực hiện là 277 tỷ đồng để hỗ trợ gần 10.000 nhu cầu của người dân, như: hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, kéo điện, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi tín dụng, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện để hộ nghèo DTTS có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả toàn tỉnh giảm 3.258 hộ nghèo DTTS, bình quân mỗi năm giảm 2,36%, đạt 118% kế hoạch giao. Riêng năm 2021, toàn tỉnh giảm 1.287 hộ/1.000 hộ nghèo DTTS (đạt 129% kế hoạch đề ra).

Năm 2023, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS trên địa bàn tiếp tục được UBND tỉnh Bình Phước thông qua với tổng nguồn vốn 120,6 tỷ đồng. Theo đó, các đơn vị, địa phương đã khéo léo, thực hiện lồng ghép nguồn vốn này cùng với các dự án đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 để có được sự trợ giúp tốt nhất cho người dân.

Lễ Khởi công xây dựng đường giao thông trên địa bàn xã Bù Gia Mập (tháng 7/ 2023). Công trình thuộc Dự án 2 - Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Ảnh BDT BP)
Lễ Khởi công xây dựng đường giao thông trên địa bàn xã Bù Gia Mập (tháng 7/ 2023). Công trình thuộc Dự án 2 - Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Ảnh BDT BP)

Ông Tạ Hồng Quảng, Phó Chủ tịch UBND Huyện Bù Gia Mập chia sẻ: “Bù Gia Mập là địa phương có nhiều đặc thù như: đồng bào DTTS chiếm tỷ lớn, có 3 xã đặc biệt khó khan, xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Do đó, công tác dân tộc đã nhận được sự quan tâm, đầu tư đặc biệt, góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đặc biệt chương trình giảm 1000 hộ nghèo đồng bào DTTS và 10 dự án của Chương trình MTQG 1719 đã thay đổi toàn diện cơ sở hạ tầng cũng như đời sống của nhân dân”

Tương tự, năm 2021, huyện Hớn Quản được giao chỉ tiêu giảm 47 hộ DTTS nghèo, tuy là huyện còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện giảm nghèo bền vững, Hớn Quản đã và đang trở thành điểm sáng trong thực hiện chương trình. Hầu hết các hộ dân sau khi được hỗ trợ đã dần ổn định cuộc sống, chí thú lao động và từng bước vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình bà Thị Hen ở xã An Khương, huyện Hớn Quản được hỗ trợ sửa nhà ở, nhà vệ sinh, khoan giếng, mua tivi, hỗ trợ bò… Sau khi nhận hỗ trợ, gia đình đã dần ổn định cuộc sống, chồng và các con bà đi làm thuê có thu nhập ổn định. Trong niềm vui, phấn khởi, bà Thị Hen cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo”.

Khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở tại xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản tháng 7/2023 (Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ 46 triệu đồng, Quỹ vì người nghèo của UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đóng góp thêm để hoàn thiện căn nhà) (Ảnh BDT BP)
Khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở tại xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản tháng 7/2023 (Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ 46 triệu đồng, Quỹ vì người nghèo của UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đóng góp thêm để hoàn thiện căn nhà) (Ảnh BDT BP)

Được biết trước đây, mỗi hộ nghèo chỉ được tiếp nhận hỗ trợ từ các chính sách (y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, vay vốn,..) theo hình thức thụ động từ trên xuống vì đó là chính sách chung cho tất cả người nghèo (các chính sách hỗ trợ không phân biệt hộ nghèo là người Kinh hay hộ nghèo DTTS). Nhưng đối với Chương trình này, cùng với sự lồng ghép với Chương trình MTQG 1719, sự thiếu hụt của các hộ nghèo DTTS được hỗ trợ đầy đủ hơn, đặc biệt là phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ nghèo. Cụ thể: hỗ trợ đất ở; nhà ở (xây nhà, sửa nhà); nhà vệ sinh, nước sinh hoạt (đào giếng, khoan giếng, bồn đựng nước, bơm nước); điện lưới (kéo điện, điện năng lượng mặt trời); vay vốn; đào tạo nghề; ti vi (tiếp cận thông tin); hỗ trợ tạo việc làm tăng thu nhập như hỗ trợ chăn nuôi (trâu, bò, dê, lợn, vịt, gà), nông cụ (máy phát cỏ, máy cưa, bình xịt thuốc), trồng trọt (trồng nấm, trồng điều), hỗ trợ phương tiện đi lại (xe máy)…

Tại Hội nghị Sơ kết công tác dân tộc tỉnh 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Lương Nhân, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước  cho biết: Trong năm 2023 tỉnh sẽ phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn được giao, theo đó thực hiện giảm 1.005 hộ nghèo DTTS với các nhu cầu cụ thể như: Hỗ trợ đất ở cho 249 hộ; giải quyết nhà ở cho 911 hộ (xây mới 631, sửa nhà cho 280 hộ); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.840 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.541 hộ, xây dựng 7 công trình giếng nước sinh hoạt tập trung; thực hiện 5 dự án quy hoạch, bố trí, ổng định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và những nơi cần thiết; Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng DTTS và miền núi… cùng một số nội dung khác của Chương trình MTQG 1719.

Đánh giá về hiệu quả trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào  DTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định: Mặc dù có những khó khăn chung, nhưng công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới tỉnh Bình Phước luôn phải phấn đấu thực hiện hiệu quả, nhất là chương trình giảm 1000 hộ nghèo và chương trình MTQG 1719, để đảm bảo cho các chính sách, các sự trợ giúp đến đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng tiêu chí và theo đúng quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.