Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chuyện chiếc váy Thái tại cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2022

Hồng Minh - Văn Hoa - 23:11, 07/07/2022

Trở lại sau 9 năm, cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2022 đang dần lộ diện những gương mặt tiềm năng cho ngôi vị cao nhất, đồng thời cũng nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng. Bên cạnh hiệu ứng truyền thông tốt thì lại có một số “hạt sạn” khiến nhiều người băn khoăn. Đặc biệt là cộng đồng dân tộc Thái. Đó là hình ảnh một thí sinh dân tộc Thái mặc chiếc váy dân tộc Thái cách tân gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Thí sinh dân tộc Thái với chiếc váy cách tân gây tranh cãi (Ảnh: HHCDTVN 2022)
Thí sinh dân tộc Thái với chiếc váy cách tân gây tranh cãi (Ảnh: HHCDTVN 2022)

Ngay khi Ban Tổ chức cuộc thi công bố các thí sinh lọt Top 30 Hoa hậu các dân tộc Việt Nam có một thí sinh dân tộc Thái, sinh năm 1999, tại Điện Biên mặc bộ trang phục dân tộc Thái cách tân đã khiến cộng đồng dân tộc Thái, cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa phải đặt dấu hỏi. 

Dấu hỏi về kiến thức văn hóa dân tộc của thí sinh đó, cũng như tiêu chí của Ban Tổ chức.

Cụ thể, chiếc váy cách tân của thí sinh đó theo người Thái có phần ma mị, cách tân thái quá. Chất liệu vải sử dụng trên chiếc váy giống loại vải khít thường được sử dụng trong trang trí nhà mồ của người Thái.

Trước hình ảnh đó, cộng đồng người Thái, trong đó có các nhà nghiên cứu văn hóa Thái, các bậc cao niên, kể cả thanh niên là người Thái trên các nền tảng xã hội đã đồng loạt tỏ rõ thái độ không ủng hộ, thậm chí họ cảm thấy thất vọng về một thí sinh người Thái mà lại không có chút am hiểu về văn hóa Thái.

Chiếc váy Thái của thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2022 sử dụng chất liệu vải khít thường sử dụng trong trang trí nhà mồ của người Thái
Chiếc váy Thái của thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2022 sử dụng chất liệu vải khít thường sử dụng trong trang trí nhà mồ của người Thái

Theo ông Hà Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và biểu diễn Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: “Nếu là người Thái ai cũng sẽ biết vải thổ cẩm màu đỏ mang tên “phải khít phải pe” là loại vải dùng chủ đạo trong tang lễ và làm trang trí nhà mồ cho người quá cố. Có người nói tại sao lại phản đối vì thổ cẩm đó thường ngày vẫn dùng đó thôi? Thì đúng là trong đồ dùng sinh hoạt thường ngày người Thái vẫn dùng thổ cẩm đó nhưng chỉ dùng những mảng nhỏ để làm viền ghế đệm, làm nẹp chăn, làm nẹp bên trong tà áo lễ chứ có ai dùng cả mảng to đùng như vậy đắp lên quần áo để mặc như đồ trong tang lễ đâu”.

Hay một ý kiến khác của ông Lò Cao Nhum, Nhà thơ, nhà văn, Nhà Nghiên cứu Văn hóa Thái: “Ấy là ở bộ trang phục. Người thiết kế đã cao hứng sáng tạo, phá cách thái quá, đi quá xa bộ y phục truyền thống của phụ nữ Thái mà chính người Thái nhìn không nhận ra di sản của mình…”.

Có thể thấy, những ý kiến của cộng đồng người Thái là hoàn toàn có cơ sở, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của người Thái trong việc gìn giữ trang phục dân tộc, cũng như giữ hình ảnh dân tộc, hay nói rộng hơn là bản sắc văn hóa dân tộc.

Trên thực tế, việc cách tân đã tạo sự mới mẻ, giúp cho trang phục gần hơn với giới trẻ mà vẫn giữ được giá trị của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cũng có những thiết kế cách tân gây nên bức xúc, khó chịu đối với cộng đồng các dân tộc.

Còn nhớ cách đây vài tháng, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh trong bài viết “Cách tân trang phục DTTS- Không nên quá đà” đề cập tới câu chuyện nhiều mẫu áo có sự cách tân táo bạo, sử dụng thổ cẩm đỏ (vải khít, tiếng Thái là khít đành, pe đành) giống với chiếc váy của thí sinh dân tộc Thái mặc trong cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022. Sau khi đăng tải, bài viết đã giúp nhiều nhà thiết kế trẻ yêu thích chất liệu trang phục dân tộc có một cái nhìn sâu hơn về văn hóa.

Trước làn dư luận trái chiều về chiếc váy Thái cách tân đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân, Thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc việt Nam năm 2022 cho biết: Trước phản ứng của cộng đồng người Thái cho thấy tình yêu văn hóa dân tộc luôn trực trào trong mỗi người. Đó là điều vô cùng đáng quý. Xét về tổng thể chiếc váy, tôi thấy tiếc khi thiết kế hơi lạm dụng vải thổ cẩm làm mất đi dáng “áo cóm” đặc trưng của dân tộc Thái. 

một số vật dụng của người Thái sử dụng chất liệu thổ cẩm đỏ (Ảnh chụp tại Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam)
Vải đỏ được sử dụng làm cạp váy (Ảnh chụp tại Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam)

"Theo nghiên cứu của tôi, vải thổ cẩm vẫn được người Thái dùng để làm viền ghế đệm, làm nẹp chăn, làm cạp váy, làm túi đeo, làm địu trẻ em… Không những thế, màu đỏ của vải thổ cẩm còn biểu trưng cho sự may mắn, theo quan niệm chung của cư dân phương Đông. Vì vậy việc dùng vải thổ cẩm của chính dân tộc Thái làm ra để trang trí trên trang phục cách tân có thể chấp nhận được"- Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân nói.

“Tuy nhiên, việc lạm dụng thổ cẩm trong chiếc áo cóm vốn một màu của dân tộc Thái đã được chúng tôi góp ý để đơn vị Nova Entertainment (Đơn vị giữ bản quyền Cuộc thi) tiếp thu và đã chỉnh sửa, sáng tạo, kế thừa tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc. Cảm ơn các bạn đã có ý kiến phản hồi tích cực. Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam mang trong mình một sứ mệnh cao cả cho việc bảo tồn, quảng bá, giới thiệu, phát huy văn hóa của cộng đồng DTTS Việt Nam. Chính vì thế, sự nhìn ở góc độ tích cực của các bạn sẽ giúp nhiều người và chúng tôi có dịp nghiên cứu tìm hiểu ngày càng sâu sắc về văn hoá của dân tộc Thái cũng như cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, làm sao cho việc phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong cuộc sống đương đại không làm mất đi hồn cốt dân tộc” Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân cho biết thêm.

Những lý lẽ, dẫn chứng của các ý kiến trên đều có cơ sở. Khó có thể nói ai đúng, ai sai. Tuy nhiên, việc lọt “sạn” chiếc váy Thái cách tân không thể không nói tới trách nhiệm của Ban Tổ chức. Dẫu biết, việc lựa chọn trang phục là quyền của mỗi thí sinh, nhưng việc kiểm duyệt và công khai hình ảnh lại thuộc về trách nhiệm của Ban Tổ chức.

Thiết nghĩ, từ sự việc trên, liệu công chúng nói chung, cộng đồng dân tộc Thái nói riêng còn tin tưởng hoàn hoàn vào những thông tin từ cuộc thi hay không? Hay đâu đó, sẽ có những khán giả mang tâm lý hoài nghi.

Biết rằng, cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam mang trong mình vai trò cao cả đó là bảo tồn văn hóa dân tộc. Vì thế, hãy cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình. Bởi lẽ, nếu không thể mang lại niềm tự hào cho một dân tộc nào đó thì thử hỏi giá trị cốt lõi của cuộc thi nằm ở đâu?