Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chuyển đổi số ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Ninh: Hành trình đầy trở ngại (Bài 1)

Mỹ Dung - Hà Linh - 19:57, 13/11/2024

Vượt qua nhiều khó khăn, các địa phương miền núi tỉnh Quảng Ninh đang từng bước chinh phục con đường chuyển đổi số đầy trở ngại. Những thành quả bước đầu trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy xã hội số không chỉ góp phần quan trọng nâng tầm lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, mà còn đẩy nhanh tiến trình phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Miền núi Quảng Ninh chinh phục thử thách chuyển đổi số
Miền núi Quảng Ninh chinh phục thử thách chuyển đổi số

Nhiều khu vực khó khăn còn xa lạ với chuyển đổi số

Trong xu thế phát triển công nghệ thông tin, việc tiếp cận với chuyển đổi số (CĐS) trên các lĩnh vực đời sống xã hội không còn xa lạ với bất cứ người dân nào ở những địa bàn thành phố, nông thôn…Tuy nhiên, với những địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện hạ tầng cơ sở còn chưa được hoàn thiện, dân trí không đồng đều, đời sống người dân quanh quẩn với cái ăn cái mặc hằng ngày và vẫn còn có những người DTTS chưa nói rõ được tiếng Việt, thì việc chuyển đổi số phải xác định là cuộc “chinh phục” không hề đơn giản.

Công an xã phải trực tiếp đến tận nhà dân phân tích, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục làm căn cước công dân
Công an xã phải trực tiếp đến tận nhà dân phân tích, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục làm căn cước công dân

Thôn Ngàn Vàng Dưới có 44 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày, Sán Chỉ sinh sống. Đời sống của người dân còn khó khăn, dân cư sống thưa thớt ở các ven đồi. Người có uy tín Bế Sinh Nghiệp chia sẻ: “Nhiều năm nay, không ít gia đình ở đây vẫn chịu cảnh chạy ăn từng bữa. Do cuộc sống còn nhiều cái phải lo nên bà con không bận tâm để hiểu chuyển đổi số là gì”.

Những chia sẻ của ông Nghiệp là rất thực tế, bởi trong suy nghĩ của những hộ dân còn nhiều gian khó, chuyển đổi số là một câu chuyện vô cùng mông lung. Điều đáng nói, Ngàn Vàng Dưới không phải là ngoại lệ, bởi người dân ở các địa bàn khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống đều có chung tư duy như vậy.

Ở thời điểm năm 2020, 2021, nhận thức về chuyển đổi số của người dân (ngay cả ở khu vực trung tâm huyện), người dân cũng cảm thấy “khó thở” khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa”, phải thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến (online) thay vì nộp trực tiếp đơn và các giấy tờ liên quan.

Bà Vy Thị Miên, một người dân tại thị trấn Ba Chẽ không ngần ngại chia sẻ: “3 năm trước, mỗi khi giải quyết các thủ tục hành chính, tôi cảm thấy phiền phức khi cán bộ địa phương yêu cầu phải kê khai thông tin trên hệ thống điện tử. Bản thân những người đã nghỉ hưu như tôi thấy rất khó khăn và thiếu tự tin khi thực hiện các thao tác”.

Người dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình CĐS, do đó, khi nhận thức của bà con vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, đồng nghĩa với việc, CĐS sẽ gặp nhiều trắc trở. Đây chính là trở ngại đầu tiên mà Quảng Ninh phải vượt qua, khi bước vào "chinh phục” con đường CĐS để thành công đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào phục vụ đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cán bộ cũng chưa thành thạo môi trường mạng

Ngoài nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS còn chưa cao, thì không ít cán bộ các cấp cũng chưa làm việc thành thạo trên môi trường mạng. Vẫn còn một số đơn vị, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh nhập cuộc khá lúng túng, thậm chí ngại thay đổi thói quen làm việc.

Xã Đồng Lâm với 98% là người DTTS, chủ yếu là người Dao. Theo chia sẻ của lãnh đạo xã, khi yêu cầu cán bộ, công chức xã ứng dụng CNTT vào phục vụ công việc, nhưng do đã quen với việc làm thủ công nên mọi người bắt nhịp khá chậm.

“Nhiều người chỉ quen soạn thảo văn bản trên máy tính; gửi thư qua gmail… chứ chưa chủ động trong việc sử dụng các hệ thống ứng dụng CNTT đã được đầu tư. Đơn giản như việc gửi giấy mời, nhiều người vẫn quen in ra giấy, lấy chữ ký lãnh đạo rồi cho vào phong bì, dán tem gửi đến đơn vị được mời. Thời gian đầu, hầu như chưa quen với việc gửi giấy mời trên hệ thống điện tử”, Chủ tịch UBND xã Vũ Thanh Tuấn chia sẻ.

Cán bộ trung Tâm hành chính công huyện Ba Chẽ hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng
Cán bộ Trung tâm hành chính công huyện Ba Chẽ hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng

Không riêng gì cấp xã, huyện, tại cấp tỉnh, một số cán bộ ở các ngành cũng rất áp lực khi ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Từ những chia sẻ ở cơ sở cho thấy, khi mới bắt tay vào CĐS, chính quyền các cấp gặp khó khi việc ứng dụng CNTT của nhiều cán bộ, công chức hạn chế.

Cùng với đó, một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức hết tầm quan trọng của ứng dụng CNTT nên chưa thực sự tích cực thay đổi thói quen làm việc, chưa chủ động học tập và trau dồi kỹ năng ứng dụng CNTT vào trong công việc…

Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ

Ngoài những trở ngại nêu trên, bước vào thực hiện CĐS, hạ tầng CNTT ở Quảng Ninh còn không ít hạn chế, ngay cả ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Tại các huyện, thành phố; các đơn vị cấp xã, hạ tầng CNTT còn khó khăn hơn, trong đó, hầu hết đều khó khăn về hạ tầng số, nhất là những xã xa trung tâm huyện đường truyền Intenet đều ở tình trạng kém.

Hạ tầng công nghệ thông tin chưa thực sự đồng bộ
Hạ tầng công nghệ thông tin chưa thực sự đồng bộ

Đại Dực là xã vùng cao huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh có gần 100% người dân là người DTTS. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND xã Hoàng Việt Tùng chia sẻ: Thời gian đầu bước vào CĐS còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều thôn, xóm không có sóng di động, trình độ dân trí không đồng đều, mức sống của người dân còn thấp, hạ tầng viễn thông, CNTT chưa đồng bộ. Chính quyền và người dân của xã cũng đã nhìn nhận rõ những khó khăn, trở ngại trên để từ có có giải pháp khắc phục, tiếp cận CĐS trên địa bàn.

Từ thực tế này cho thấy, ở những địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh bắt đầu “chinh phục” con đường CĐS với bao trở ngại. Tuy nhiên, xác định CĐS là xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của quê hương, đất nước và của chính mỗi người dân khi tiếp cận ứng dụng công nghệ, Quảng Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp theo từng lộ trình để “hóa giải” khó khăn, trở ngại quyết tâm chuyển đổi vì sự phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục