Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chuyện ghi ở Mô Rai

Thùy Dung - 07:04, 19/06/2021

Với đặc thù hơn 90% là người đồng bào DTTS, xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí, sự nỗ lực của người dân, cùng với sự quyết tâm của các cấp chính quyền, mà xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) từng bước thay da đổi thịt, diện mạo xã vùng biên ngày càng khởi sắc.

Cùng với phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa của người đồng bào DTTS trên địa bàn xã Mô Rai cũng được chú trọng, bảo tồn
Cùng với phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa của người đồng bào DTTS trên địa bàn xã Mô Rai cũng được chú trọng, bảo tồn

Mô Rai là xã biên giới phía Tây Nam của huyện Sa Thầy. Trước đây Mô Rai được mệnh danh là “ốc đảo” vì giao thông chia cắt. Từ xã đến thị trấn Sa Thầy chỉ khoảng 60km nhưng phải đi gần 4, 5 tiếng đồng hồ đường rừng, hoặc đường vòng qua xã Rờ Kơi (Sa Thầy) vì đường đất bụi, nhiều đoạn cua gấp, dốc cao nguy hiểm. Đoạn đường còn trở nên khó đi hơn khi mùa mưa xuống, những vệt lõm bánh xe tạo thành những vũng nước tù đọng, khiến ai cũng phải ái ngại. Vì giao thông cách trở, nên đời sống của người dân ở xã vẫn quanh quẩn với đói nghèo, lạc hậu.

Về Mô Rai những ngày cuối tháng 5 trời nắng như đổ lửa. Cái nắng gió của vùng biên cứ phả vào mặt chúng tôi đến rát bỏng. Tại trụ sở UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã Huỳnh Tấn Tài đã đợi chúng tôi từ sớm, để cùng chúng tôi đến thăm nhà Trưởng thôn trẻ A Thái ở làng Le.

Trong căn nhà khang trang ở giữa làng, mời chúng tôi uống nước, anh Thái bắt đầu chia sẻ: “Đời sống người Rơ Măm nói riêng và người dân trên toàn xã nói chung còn nhiều khó khăn. Trước đây vì đường sá đi lại khó khăn nên nông sản luôn bị ép giá. Người dân chỉ ra khỏi xã khi có việc cần thiết. Vì vậy việc tiếp cận thông tin, khoa học - kỹ thuật cũng còn nhiều hạn chế”.

Tuy nhiên, nhiều năm qua người Rơ Măm đã có được những bước tiến rõ rệt trong suy nghĩ. Người làng biết chăm chỉ làm ăn, chuyển đổi diện tích cơ cấu cây trồng để vươn lên. Người Rơ Măm cũng được hưởng nhiều chương trình, chính sách, được cấp giống cây trồng như điều, cao su... vật nuôi như bò, trâu. Toàn làng Le có 178 hộ. Từ năm 2018 đến nay làng đã giảm từ 44 hộ nghèo, xuống còn 27 hộ nghèo.

Ở làng Le Trưởng thôn A Thái cũng là một tấm gương tiêu biểu, đại diện cho người Rơ Măm. Nhờ chăm chỉ học hỏi thêm kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà đến nay gia đình anh có 4ha mì (sắn) và 3,7ha điều. Mỗi năm gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng và được đông đảo người dân noi theo.

Chúng tôi cùng A Thái đến thăm gia đình anh A Khải. Nhà A Khải trước đây thuộc diện hộ nghèo. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và ý chí nỗ lực vươn lên, đến năm 2020 gia đình anh đã thoát nghèo. A Khải chia sẻ: Trước đây khi mới lập gia đình, vì điều kiện kinh tế còn khó khăn nên mình nằm trong diện hộ nghèo. Dù vậy mình vẫn luôn bàn với vợ cố gắng chăm chỉ làm ăn, ngoài làm kinh tế của gia đình vợ chồng mình cũng thường xuyên đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy, năm 2020 gia đình mình đã thoát nghèo. Thời gian tới mình sẽ nỗ lực làm ăn, để không bị tái nghèo.

Rời làng Le, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn trái theo phương thức hữu cơ của Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết. Từ khi triển khai, HTX đã giải quyết được nhiều việc làm cho người dân trên địa bàn. HTX đã chủ động hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây cho trái chất lượng để về áp dụng tại gia đình. Ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc HTX cho biết: “HTX hiện có 20ha đất trồng cây ăn trái các loại. Nhờ có mô hình này mà người dân trên địa bàn xã có thêm thu nhập”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Huỳnh Tấn Tài, Mô Rai giờ đã thay đổi nhiều. Hiện xã đã đạt 11/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Tuy còn thấp, nhưng đối với Mô Rai, đó là sự nỗ lực của toàn thể Đảng bộ và Nhân dân trên địa bàn. Đổi thay đáng mừng nhất là sự thay đổi nhận thức của người dân. Về đời sống văn hóa, hiện người dân vẫn giữ văn hóa truyền thống và những nghi thức lễ hội độc đáo của dân tộc Jrai và Rơ Măm.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Huỳnh Tấn Tài cho biết, xã tiếp tục vận đông Nhân dân chăm sóc các loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu… Tăng cường công tác khuyến nông, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Mở thêm nhiều lớp tập huấn, tạo điều kiện cho người dân tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất có hiệu quả nhằm giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.