Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chuyện học chữ ở làng nhiều không

Thành Nhân - 16:43, 22/03/2021

Làng Canh Tiến, xã vùng cao Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định), nhiều người vẫn hay gọi là làng nhiều không: Không đường, không điện lưới quốc gia, không trạm y tế và kể cả nước sạch sinh hoạt. Từ bao đời nay, người dân làng Canh Tiến, sống gần như “biệt lập” với bên ngoài, khó khăn luôn bủa vây nên việc học hành của lũ trẻ cũng không dễ dàng. Thế nhưng, với tấm lòng yêu thương con trẻ, những thầy cô giáo đã vượt lên vất vả, chông gai để mang chữ đến với học trò vùng khó.

 Vì không có đường đi nên các em học sinh làng Canh Tiến muốn đi học cấp 2 phải vượt qua sông suối, đèo dốc
Vì không có đường đi nên các em học sinh làng Canh Tiến muốn đi học cấp 2 phải vượt qua sông suối, đèo dốc

Gắn bó vì yêu thương

Làng Canh Tiến có 120 hộ, trên 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và Ba Na sinh sống, nằm cách trung tâm xã Canh Liên gần 23km, xã Canh Hiệp hơn 15km, nhưng chỉ có một lối mòn xuyên rừng, đèo dốc hiểm trở. Còn muốn đi qua xã Nhơn Tân, An Nhơn cũng chỉ có cách đi xuồng qua hồ Núi Một hoặc phải men theo con đường mòn chạy quanh hồ, mất nửa ngày mới tới nơi.

Hiện nay, Canh Tiến có 2 điểm trường, gồm điểm trường mẫu giáo với 40 trẻ và điểm trường tiểu học có 51 học sinh. Hành trình đem con chữ đến với các em khá vất vả. Thông thường, chiều thứ Sáu, các cô về nhà. Đến sáng thứ Hai, các cô giáo trở lại trường, người từ An Nhơn, người từ Tuy Phước, Tây Sơn, mang theo lỉnh kỉnh đồ ăn. Số thực phẩm này phải đủ dùng cho cả tuần, phải dễ bảo quản, bởi không có tủ lạnh. Theo các cô giáo, để đến được với các em, thầy cô phải đi mất cả buổi đường đèo. Nhưng đó là lúc trời nắng, còn trời mưa sông sâu, suối lớn nhiều khi phải ngủ lại trong rừng và phải mất 1-2 ngày mới đến được với làng. Nếu không vì tình yêu thương với các em học sinh, chắc chúng tôi không thể nào gắn bó với nơi này.

Cô giáo Võ Thị Kiều Trinh (quê ở Tây Sơn), chia sẻ, cô bắt đầu dạy ở đây từ năm 2018, làng thiếu thốn đủ điều. Ngày đầu nhận nhiệm vụ, cô không tưởng tượng được mình sẽ gắn bó với nơi này được lâu. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tuần thì cô thích nghi dần cuộc sống nơi đây, có lẽ phần vì đã yêu mến học sinh, phần nhận ra sự gửi gắm của phụ huynh.

Các cô giáo phải khiêng xe qua suối để đến làng dạy học
Các cô giáo phải khiêng xe qua suối để đến làng dạy học

Còn cô Lê Thị Na Uy (quê ở Tuy Phước) cho hay: "Học sinh ở đây hồn nhiên, trong sáng lắm. Thấy cô giáo mặc đồ đẹp là hỏi cô mặc đồ Tết hả cô. Hồi chúng tôi mới đến, học trò rủ cô đi hái nấm keo mà cô thì không rành đường, những chỗ đường lầy trò đều xuống đẩy xe cho cô giáo đi. Tình cảm thầy trò cứ thế đầy lên, nên dẫu cực chúng tôi cũng thấy ấm lòng. Dạy chữ nơi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn yêu thương. Yêu thương không chỉ là tình cảm thầy trò mà còn là niềm thương mến với con người, vùng đất”, cô Uy bộc bạch.

Thắp sáng hy vọng

Không có đường, không điện, Canh Tiến như bị tụt hậu so với các khu vực khác, cái đói, cái nghèo vẫn mãi đeo bám người dân nơi đây. Nói về điều này, anh Đinh Văn Ước sống tại làng Canh Tiến tâm sự: Nếu không có đường thì không biết đến bao giờ người dân mới hết khổ, bởi đường sá đi lại quá khó khăn, người dân không thể phát triển kinh tế. Ở làng chỉ có điểm trường mẫu giáo và cấp 1, học sinh muốn đi học lên cấp 2 thì phải vượt đèo, lội suối cả ngày đường mới đến nơi đành phải bỏ học nên không thể thoát nghèo được. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của các cô giáo, phụ huynh và học sinh đã phần nào hiểu ra, chỉ có đi học đến nơi đến chốn thì mới mong thoát nghèo nên tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần.

 Mới đây, Nhà nước và các cấp ngành đã quan tâm hỗ trợ cho làng hệ thống điện năng lượng mặt trời nên cũng đỡ vất vả. Niềm vui lớn nhất của cô trò nơi đây là học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Cô Kiều Trinh kể: Hồi trước không có điện, học trò về nhà không học bài được, sáng lên sợ cô mắng, thật thà nói do nhà con không có điện. Nghe vậy bảo sao không thương. Cứ thế, trước mỗi buổi học, chúng tôi ôn tập lại bài đã học hôm trước, rồi mới vào bài mới. Giờ thì có điện, mình cũng nhắc nhở các em, phụ huynh tối về cho con ôn bài để học tốt hơn.

Tuy khó khăn, vất vả nhưng các cô giáo vẫn dành cho học sinh của mình tình cảm yêu thương nhất
Tuy khó khăn, vất vả nhưng các cô giáo vẫn dành cho học sinh của mình tình cảm yêu thương nhất

Cô Nguyễn Thị An Nhơn, giáo viên dạy mẫu giáo, cho hay: Hoạt động dạy và học ở làng Canh Tiến giờ đỡ vất vả nhiều lắm rồi. Điểm trường mẫu giáo mới được xây dựng khang trang; điện năng lượng mặt trời cũng có nên lớp học được trang bị quạt máy, trẻ ngồi học đỡ nóng. Ngoài ra, trẻ được uống sữa học đường nên phụ huynh cũng phấn khởi lắm. Phụ huynh ở đây vất vả nên quan tâm con chưa đúng mực, giáo viên phải động viên, nhắc nhở, nhiều lúc còn đến nhà trò chuyện để phối hợp tốt hơn. 

Anh Đinh Văn Tiến, Trưởng Ban quản lý làng Canh Tiến tâm sự: Thời gian gần đây, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Trẻ em trong làng đến độ tuổi đến trường đều được đi học. Cái chữ giờ không còn khó với đồng bào nữa. Song trên tất cả, đồng bào nơi đây vẫn mong ước có một con đường lớn dẫn vào làng, để người dân và các thầy cô giáo đi lại thuận tiên, tiếp tục gắn bó với học sinh, thắp lên niềm hy vọng vượt qua nghèo đói và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.



Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.