Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khởi nghiệp

Chuyện người Dao làm giàu ở Lương Thiện

PV - 15:21, 15/09/2020

Có thu nhập vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ từ trồng rừng, chăn nuôi không còn là chuyện trong mơ của người Dao Đỏ ở vùng đất khó Lương Thiện (Sơn Dương). Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, làm ăn, người Dao nơi đây không chỉ thoát nghèo, mà còn làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Người Dao Đỏ thôn Khuân Mản thu hoạch cây Sachi.
Người Dao Đỏ thôn Khuân Mản thu hoạch cây Sachi.

Đi lên từ rừng

Người Dao Đỏ ở Đồng Tậu tự hào khi nói đến ông Trần Ngọc Thái, bởi ông đã nỗ lực trong phát triển kinh tế, có cơ ngơi tiền tỷ từ trồng rừng, gia trại nuôi lợn và ao cá. Ông Thái bảo, tất cả đều nhờ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã giao đất, giao rừng cho người dân. Gia đình ông Thái đã liên doanh với Lâm trường Sơn Dương, nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương nhận trồng 30 ha rừng. Năm 2002, rừng cho khai thác, gia đình ông thu lãi gần 500 triệu đồng, số tiền mà trước đây ông nào dám nghĩ đến. Thấy ông là người có trách nhiệm, yêu rừng, chăm rừng nên Lâm trường tiếp tục tạo điều kiện cho ông trồng rừng liên doanh trên diện tích đó và ông còn nhận thêm 10 ha rừng nữa do Nhà nước giao. Năm 2012, sau kỳ thu hoạch đợt hai, ông thu lãi gần 1,5 tỷ đồng, rồi ông nhượng lại 10 ha đất liên doanh với Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương cho 4 hộ nghèo trong thôn thiếu đất sản xuất, mỗi hộ 2,5 ha để trồng rừng nguyên liệu giấy. Năm 2018, trên diện tích còn lại ông khai thác đạt trên 2 tỷ đồng.

Từ tình yêu rừng, ông Thái đã có cuộc sống ấm no. Bên cạnh đó, gia đình ông còn đầu tư phát triển kinh tế với 2 ha ao cá và đầu tư nuôi 20 con lợn nái. Ông Thái cho biết, khi cây rừng lên xanh tốt đã mang nước về những khe suối một thời trơ cạn. Nước róc rách chảy làm cho khí hậu dịu mát hơn. Trong đầu ông nảy ra ý tưởng táo bạo: Ngăn khe suối làm ao thả cá. Vậy là, ông bắt tay vào làm, thuê người đào đất đắp bờ. Ông học cách khử trùng ao để đàn cá không bị dịch bệnh; học cách chăm sóc lợn nái, vậy nên việc chăn nuôi của gia đình cũng thuận, mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng từ nuôi cá và lợn. Nhờ đó, ông Thái đã có nhà xây, xe hơi. Ông Thái là điển hình người Dao Đại bản làm kinh tế giỏi ở địa phương và vinh dự được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V, giai đoạn 2020-2025.

Ngôi nhà xây 2 tầng rộng trên 200m2, trị giá gần 1 tỷ đồng dưới chân đèo Khuôn Tâm vừa được xây dựng từ kinh tế rừng của gia đình anh Dương Khánh Hòa. Anh Hòa chia sẻ, gia đình anh có 8 ha rừng trồng keo, 2 năm gần đây khai thác gối nhau, trung bình mỗi 1ha đạt 100 triệu đồng, khai thác đến đâu anh lại trồng kế đến đó. Từ năm 2005 khi phủ xanh đất trống đồi núi trọc nguồn nước đã dồi dào, gia đình anh tiếp tục đào 5 sào ao nuôi cá thương phẩm. Tích lũy được vốn, anh đầu tư chăn nuôi lợn hàng hóa. Đến nay, tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 300 triệu đồng/năm. Anh Hòa bảo, có được cuộc sống ngày hôm nay đều nhờ chính sách giao đất, giao rừng của tỉnh, người dân mới có rừng sản xuất phát triển kinh tế. Hiện nay, các cấp chính quyền trong tỉnh lại hướng dẫn người dân sản xuất rừng theo tiêu chuẩn FSC, đây chính là cơ hội để người dân phát triển kinh tế rừng bền vững.

Phát triển lâm nghiệp không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế hộ mà còn tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ phát triển công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng nghìn công nhân lao động. Chủ tịch UBND xã Lương Thiện Vương Ngọc Vản phấn khởi nói: “Phát triển rừng sản xuất đã mang lại lợi ích kép, nhờ rừng đã tích tụ được nguồn nước, nhiều hộ tận dụng khe lạch làm ao nuôi cá, phát triển chăn nuôi mà trở nên khá giả. Hiệu quả từ trồng rừng sản xuất mang lại đã đổi thay cuộc sống của người dân ở đây, đặc biệt là người Dao gắn bó với đồi rừng từ khi sinh ra. Hiện nay, toàn xã có 2/3 số hộ dân là đồng bào Dao gắn bó với nghề rừng”.

Ông Đặng Thanh Hùng thôn Khuôn Tâm nuôi dê theo hướng hàng hóa.
Ông Đặng Thanh Hùng thôn Khuôn Tâm nuôi dê theo hướng hàng hóa.

Năng động để thoát nghèo

Tôi đã đến “mục sở thị” thôn Tân Thượng, thôn có trên 95% dân tộc Dao Đỏ đã tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế những năm gần đây. Trưởng thôn Triệu Văn Đoan cho biết, thôn có 73 hộ, cách trung tâm xã 7 km, chủ yếu là đường đất, từ năm 2014 trở về trước kinh tế khó khăn nên người dân còn nghèo. Từ năm 2015 đến nay, nhờ phát triển kinh tế rừng, chè kết hợp chăn nuôi trâu, bò, người Dao ở đây đã khá hơn nhiều. Hiện thôn có 300 ha rừng sản xuất, nhà ít cũng có 1-2 ha, nhà nhiều từ 7-10 ha. Nhiều nhà thoát nghèo, xây được nhà mới khang trang từ trồng rừng, điển hình như: Hộ ông Lương Văn Thọ, Phan Văn Cảnh, Lương Văn Phúc, Lương Văn Năm… Hiện thôn có trên 80% số hộ có nhà xây kiên cố.

“Kết quả đổi thay rõ rệt này là nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Lương Văn Phúc khẳng định. Trước đó, người dân nghèo lắm, chỉ canh tác có ít chè và trồng lúa. Khi tỉnh quy hoạch rừng sản xuất giao cho dân, cùng với đó là các nguồn vốn hỗ trợ đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nên người dân đã phát triển được rừng. Từ rừng người dân đã có của ăn của để. Chỉ độ 2-3 năm nữa khi diện tích rừng đang độ khép tán của thôn được thu hoạch thì người dân càng có sự bứt phá trong phát triển kinh tế.

Còn người Dao ở Khuân Mản, “thủ phủ” của cây mía ở Lương Thiện, cả thôn có trên 80 ha mía, năng suất đạt bình quân từ 70-80 tấn/ha, mới đây người dân đã mạnh dạn đưa cây Sachi vào trồng. Chị Đặng Thị Luyến, người dân trong thôn bày tỏ, cây Sachi thu hoạch được cả năm, hợp với ruộng đất trong thôn nhưng do mới trồng nên chưa biết đầu ra có thuận lợi không. Nếu đầu ra tốt thì cây trồng này sẽ đem đến cho người dân thêm một cơ hội phát triển kinh tế mới vì gia đình chị trồng trên 2 sào, thu 2 đợt cũng được trên 1 tạ hạt, với giá bán 60 nghìn đồng/1kg. Tính ra giá trị kinh tế cũng khá.

Con đường dốc vừa được đổ bê tông phẳng lì vào thôn Khuôn Tâm, thôn đặc biệt khó khăn của xã Lương Thiện. Cuộc sống của người Dao ở đây đã bước sang trang mới từ khi phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triệu Thị Lưu phấn khởi cho biết, Khuôn Tâm bây giờ khấm khá hơn nhiều, hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên chiếm quá nửa, hộ nghèo chỉ còn 10 hộ. Kinh tế của 50 hộ dân nhờ vào phát triển hơn 610 ha rừng và chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn. Đây đều là kết quả của các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số của huyện, tỉnh, Trung ương dành cho đồng bào.

Ông Đặng Thanh Hùng, người dân trong thôn cho biết, nhờ có sự hỗ trợ dê giống của Chương trình 135 ngày trước, chục năm nay ông đã phát triển đàn dê từ 40-50 con, đem lại kinh tế cho gia đình mỗi năm trên 70 triệu đồng. Cùng với đó là kết hợp trồng 6 ha rừng, nuôi cá, thu nhập một năm khoảng 200 triệu đồng, giúp gia đình ông thoát nghèo, vươn lên hộ có mức sống khá.

Từ chủ trương đúng, người Dao ở Lương Thiện đã có cách làm hiệu quả để phát triển kinh tế, đem lại cuộc sống ấm no, sung túc hơn. Hiện nay 50% số hộ người Dao có nhà xây kiện cố. Nhờ đó, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Ngày 15/11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II, năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”.