Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Hà Giang: Những nhà nông sản xuất, kinh doanh giỏi

Minh Thu - 22:06, 27/04/2020

Những năm qua, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh Hà Giang, thu hút đông đảo hội viên Hội Nông dân tham gia. Từ phong trào này, nhiều nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Văn Hải (bìa trái) phát triển kinh tế từ việc trồng cam.
Anh Nguyễn Văn Hải (bìa trái) phát triển kinh tế từ việc trồng cam.

Nỗ lực vươn lên

Đến thăm vườn cam sai trĩu quả và đang bước vào mùa thu hoạch mới thấy quyết tâm làm giàu của anh Nguyễn Văn Hải, tổ 13, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên.

Anh Hải cho biết: “Bốn năm trước, nhà tôi bắt đầu trồng cam. Khi đó, mảnh đất này bạc màu, cằn cỗi, gia đình phải mất rất nhiều công sức để cải tạo. Đến bây giờ, tôi trồng được 1,3ha cam giấy, cam đường canh, cam sành. Trồng cam không quá khó, nhưng cần có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc. Để quả cam không bị côn trùng, ruồi vàng châm quả, mỗi gốc cam tôi đều treo keo bẫy dụ ruồi, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2019, vườn cam của tôi đã cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả, thu được 200 triệu đồng”.

Khác với anh Hải, anh Phùn Sùn Chòi ở huyện Quang Bình, cũng là một trong những điển hình trong phong trào SXKDG của tỉnh, lại lựa chọn cây chè để phát triển kinh tế. Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh từ cây chè địa phương, năm 2013, anh Chòi đã vay vốn Ngân hàng thành lập Hợp tác xã (HTX) chè Minh Quang. Từ khi thành lập đến nay, mỗi năm, HTX đã thu mua khoảng 200 tấn chè tươi, sản xuất ra 6 loại chè khô, được các doanh nghiệp ở Thái Nguyên, Hải Dương ký kết bao tiêu sản phẩm với tổng lợi nhuận đạt 250 triệu đồng/năm. HTX còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập ổn định, đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Ở vùng “cao nguyên đá” cũng có nhiều điển hình tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đó là anh Sùng Pà Chơ, thôn Tả Lủng B, xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn.

Anh Chơ chia sẻ: “Là thành viên của HTX may mặc Minh Khai, nhà tôi chuyên may mặc trang phục dân tộc Mông, lúc nào cũng có 4 - 6 người làm việc thường xuyên với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng. Do đầu ra ổn định, mỗi năm tôi thu lãi khoảng 120 triệu đồng”.

Từ một nông dân, bằng sự nỗ lực, cần cù, anh Chơ đã thoát nghèo và vinh dự trở thành 1 trong 4 nông dân tiêu biểu của huyện Đồng Văn được tôn vinh và nhận “Danh hiệu nhà nông xuất sắc tỉnh Hà Giang năm 2019”.

Tạo tiền đề cho nông dân phát triển

Để có được kết quả trên, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức cho các cơ sở Hội cấp huyện, thành phố ký giao ước thi đua và có xây dựng chỉ tiêu SXKDG. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đã có 424 hộ nông dân được vay vốn với tổng số tiền trên 23,5 tỷ đồng. Có 22.782 hộ được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền 780 tỷ đồng. Với chính sách phát triển sản xuất hàng hóa theo Nghị quyết số 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh Hà Giang, đã có hơn 6.000 hộ được vay vốn sản xuất, kinh doanh với số tiền trên 577 tỷ đồng.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Cùng với các nguồn lực đầu tư, tỉnh đã mở các lớp dạy nghề, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ hội viên tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ và quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, khơi dậy tinh thần sáng tạo, năng động trong làm ăn của hội viên. Năm 2019, Hội xây dựng được 51 mô hình kinh tế hiệu quả; 84 chi hội, tổ hội nghề nghiệp, giúp hội viên nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, liên kết SXKD, tiêu thụ nông sản, đưa phong trào nông dân SXKDG đi vào thực chất.



Tin cùng chuyên mục