Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Làm giàu trên vùng đất khó

Quỳnh Trâm - 21:00, 03/04/2020

Bằng ý chí, khát vọng thoát nghèo, nhiều thanh niên DTTS sinh sống ở những địa bàn khó khăn của tỉnh Thanh Hóa đã chủ động vươn lên phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, trở thành những tấm gương cho nhiều người noi theo.

Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của anh Hà Văn Chục không những giúp anh thoát nghèo mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của anh Hà Văn Chục không những giúp anh thoát nghèo mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương

Anh Lương Đình Trọng sinh ra trong gia đình nghèo khó ở thôn Khu 1, xã Giao Thiện (huyện Lang Chánh). Học hết cấp 2, Trọng đã phải nghỉ, đi làm thuê khắp nơi. Sau nhiều năm bôn ba mưu sinh, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn, anh Trọng quyết định về quê lập nghiệp.

Năm 2016, được Huyện đoàn Lang Chánh tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, anh quyết định vay vốn ngân hàng 100 triệu đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi gà an toàn, kết hợp trồng cây ăn quả và trồng rừng. Anh xây chuồng nuôi gà và nhập 500 con gà giống chất lượng tốt về chăn nuôi.

Để hạn chế dịch bệnh, anh Trọng rất chú trọng tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, theo dõi, ghi chép lại quá trình sinh trưởng của gà. Nhờ đó, lứa gà đầu tiên nuôi trong 6 tháng đã phát triển tốt. Sau khi bán ra thị trường lứa đầu tiên, anh thu lãi 50 triệu đồng.

Nối tiếp kết quả bước đầu này, anh Trọng quyết định mở rộng trang trại lên 5,5ha, nhập thêm nhiều gà giống về chăn nuôi theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học và trồng thêm 1ha cây keo.

Anh Trọng cho biết, hiện trang trại anh đang nuôi gần 3.000 con gà sạch và 3ha rừng trồng cây keo, 1ha trồng các loài cây ăn quả như cam, bưởi, ổi. Thu nhập bình quân của gia đình đạt khoảng 110 triệu/năm.

Theo anh Lê Minh Châu, Bí thư Huyện đoàn huyện Lang Chánh, anh Trọng là tấm gương nổi bật của thanh niên trên địa bàn huyện về ý chí, làm giàu tại quê hương. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Trọng cũng đã “kích thích” tinh thần khởi nghiệp của thanh niên huyện Lang Chánh.

Hiện nay, cùng với anh Trọng, một số đoàn viên thanh niên khác trong huyện đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã thanh niên Hán Sơn Dương, nhằm hỗ trợ nhau về vốn, khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, HTX có 10 thành viên, với 10 trang trại gà đóng tại các xã Quang Hiến, Giao Thiện và Giao An. Mô hình này đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Một tấm gương vượt khó khác là anh Hà Văn Chục, dân tộc Thái, trú tại bản Chìa Cồng, xã Tén Tằn (huyện Mường Lát). Nhà nghèo, lại chỉ học hết lớp 5, anh Chục đã làm thuê khắp nơi để nuôi gia đình nhưng vẫn không đủ ăn. Anh Chục cũng từng mở trang trại chăn nuôi nhưng không may gặp bệnh dịch khiến anh tay trắng.

Không nản chí, năm 2016, qua tìm hiểu nhận thấy, quanh khu vực biên giới chưa có ai làm nghề sản xuất, kinh doanh liên quan đến ngành nghề, vật liệu xây dựng, anh Chục mạnh dạn vay 50 triệu đồng của ngân hàng để xây nhà xưởng và nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. May mắn, sản phẩm của anh như: Bàn ghế đá, hàng rào bê tông, chậu hoa, gạch, vật liệu xây dựng… được người dân trong khu vực ưa chuộng, dần mở rộng thị trường ra tỉnh ngoài và nước bạn Lào.

Sau khi ổn định sản xuất, anh Chục quyết định mở thêm một trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp tại khu vực biên giới. Hiện, thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 200-300 triệu đồng/năm, anh còn tạo việc làm cho 14 nhân công với mức lương 5 - 6 triệu/người/tháng.

Không những vậy, anh Chục luôn năng nổ tham gia các hoạt động Đoàn, tạo điều kiện, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Vì những nỗ lực đóng góp, anh Chục đã được UBND huyện, Huyện đoàn Mường Lát nhiều lần tặng Giấy khen về thanh niên thi đua sản xuất giỏi và thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.