Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

T.Nhân-H.Trường - 2 giờ trước

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.

Đường lên nóc Ông Đến
Đường lên nóc Ông Đến

Từ chuyện giữ rừng

Muốn đến được nóc Ông Đến, phải đi qua 2 chiếc cầu treo bắt qua suối Trà Bói, vượt đường rừng với toàn dốc dựng đứng. Để không bị té ngã, mọi người phải dang 2 tay nắm vào thân cây rừng, còn chân thì phải mò mẫm từng mỏm đá nhích từng bước một. Với quãng đường chừng 4 km nhưng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi.

Băng qua khỏi cánh rừng, trước mắt chúng tôi là một thung lũng, với những ngôi nhà sàn truyền thống nằm bên cánh đồng lúa xanh mơn mởn, xa xa là con suối nhỏ nước trong vắt… tạo nên khung cảnh bình yên và đẹp như một bức tranh. Người dân ở đây chỉ cần bước chân ra khỏi nhà, là đã đến rừng phòng hộ. Cạnh cổng làng là cây quế cổ thụ được dân làng gìn giữ để bảo tồn nguồn giống quế bản địa.

Từ bao đời nay, người dân ở nóc Ông Đến luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Ngoài canh tác lúa nước, phát triển chăn nuôi trâu, bò, người dân còn chịu khó vào rừng để khai thác các sản vật dưới tán rừng như rau, măng rừng, mật ong, mây, các loại, dược liệu và xuống suối bắt ốc đá, cá niên. Cũng nhờ những sản vật từ rừng mà dân làng mới có tiền trang trải cuộc sống và cho con cái ăn học. Bởi vậy, đối với họ rừng giống như báu vật nên ra sức gìn giữ.

Rừng ở nóc Ông Đến có rất nhiều loại cây có giá trị như sến, bầu gió, chò, lim... luôn được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Già làng Hồ Xuân Đến (70 tuổi) chia sẻ: Mấy năm nay được mùa lúa nên bà con trong làng không thiếu gạo ăn. Trong rừng lại có nhiều lâm sản phụ và cây quế, giờ dân trong làng không còn lo “mùa giáp hạt”, làm mùa nắng để dành mùa mưa, nhiều người đã có của ăn của để.

"Trong kháng chiến, rừng che bộ đội, rừng vây quân thù. Hòa bình, rừng cho người dân nguồn sống. Người dân ở đây rất biết ơn rừng nên ai cũng có ý thức bảo vệ rừng rất tốt. Vì thế, không có đối tượng xấu nào dám bén mảng vào rừng để khai thác gỗ", già làng Hồ Xuân Đến cho hay.

Rừng ở nóc Ông Đến còn khá nguyên vẹn
Rừng ở nóc Ông Đến còn khá nguyên vẹn

Đến chuyện lo cho con em được đi học

Một chuyện rất đáng ghi nhận ở nóc Ông Đến, là tinh thần vượt khó của người dân, để con em được tiếp cận con chữ, hướng đến một tương lai tốt đẹp. Tuy sống biệt lập và việc đi lại còn rất khó khăn, nhưng tất cả những đứa trẻ ở nóc Ông Đến từ 4 tuổi trở lên đều được đưa xuống trung tâm xã để học. Những đứa trẻ học mầm non và tiểu học sẽ được ba mẹ đưa đến trường vào chiều Chủ nhật và đón về vào chiều thứ 6.

Để có điều kiện vừa làm kinh tế, vừa chăm con, những người có con trong độ tuổi đi học mầm non và tiểu học ở làng sẽ phân công, chia ca, mỗi người sẽ phụ trách một đêm để trông nom tất cả những đứa trẻ trong làng. Hầu hết người dân ở đây đều chung quan điểm: “Không phải ở trên núi là không biết chữ, mù kiến thức” nên bằng mọi giá phải cho con đi học. Đời ông, đời cha đã khổ, không thể để lớp trẻ khổ theo.

Ở nóc Ông Đến, gia đình chị Hồ Thị Kính được xem là “gia đình hiếu học” của làng, bởi cả 3 đứa con đều được đến trường. Trong đó, 2 đứa học cấp 3 và 1 đứa học lớp 9. Mỗi ngày, chị Kính đều vào rừng khai thác các sản vật từ rừng rồi đem xuống chân cầu treo để bán hoặc đổi thịt, cá, mắm, muối... 

Ngày nào cũng vậy, có đổi món gì, thì chị cũng dành lại ít nhất 60 nghìn đồng để lo chi phí cho con ăn học. Trung bình mỗi tháng, chị Kính phải dành dụm 1,8 triệu đồng gửi xuống cho 2 con lớn nộp học phí và sinh hoạt, còn đứa nhỏ thì được Nhà nước lo. Chị Kính tâm sự: “Bây giờ muốn xin vào các nhà máy, công ty làm công nhân cũng phải có bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, dù khổ đến mấy tôi cũng quyết không để con thiếu cái chữ".

Còn gia đình chị Hồ Thị Trâm cũng có cùng chung suy nghĩ với chị Kính, nên quyết tâm cho con đi học đến nơi, đến chốn. Chị Trâm cho biết: 2 đứa con lớn đang học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Trà Bồng có thể tự lo, còn 1 đứa mới học lớp 2, còn nhỏ quá nên tối tôi phải thường xuyên xuống để lo cho con. Tuy vất vả, nhưng tôi hy vọng các con học đến nơi, đến chốn sau này tìm được việc làm ổn định là tôi vui rồi.

Cây quế trong rừng giúp người dân ở nóc Ông Đến có thêm thu nhập
Cây quế trong rừng giúp người dân ở nóc Ông Đến có thêm thu nhập

Và chuyện mong muốn được dời làng

Vì địa hình xa xôi, đi lại khó khăn nên người dân cũng muốn được dời làng đến nơi ở thuận tiện hơn. Nhưng vẫn còn nhiều tâm tư và trăn trở về tương lai phía trước. Đó là chuyện con em học hành ra làm sao, về khu tái định cư sinh sống thì có được cấp đất sản xuất không? Có được hỗ trợ tiền xây nhà, có được cấp điện thắp sáng, cấp nước sinh hoạt không?...

Ông Hồ Văn Thắng, một hộ dân nóc Ông Đến trải lòng: Thật lòng, bà con chúng tôi cũng muốn rời làng về xuôi, nhưng huyện phải hứa là chúng tôi về dưới đó thì phải giữ đúng lời hứa, đừng “bỏ rơi” bà con. Về dưới đó nhưng đất trên này vẫn phải cho bà con canh tác…

Những em học sinh là con em của người dân nóc Ông Đến
Những em học sinh là con em của người dân nóc Ông Đến

Về vấn đề này, từ năm 2022, lãnh đạo huyện Trà Bồng đã có một cuộc tiếp xúc với người dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, đồng thời giải đáp những trăn trở của người dân. Và 100% người dân nóc Ông Đến đồng ý rời làng. Lãnh đạo huyện cũng hứa với bà con bằng tất cả sự quyết tâm và trách nhiệm từ huyện đến xã sẽ xây dựng khu tái định cư, bảo đảm mọi điều kiện sẽ tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đến nay việc xây dụng khu tái định cư vẫn chưa thực hiện được. 

Chia tay người dân ở nóc Ông Đến khi mặt trời dần khuất bóng. Hoàng hôn đang dần phủ trùm lên những nóc nhà sàn. Người dân đang kéo nhau về sau một ngày vào rừng bẻ măng, hái rau và lột vỏ quế. Qua cách trò chuyện rôm rả của họ, chúng tôi hiểu rằng, người dân ở đây không thể sống thiếu rừng và cho dù có đến nơi ở mới thì những cánh rừng nơi đây vẫn là nguồn sống của họ.

Tin cùng chuyên mục
Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”

Với sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương và toàn xã hội; khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đang dần hồi sinh sau thiên tai, vượt qua đau thương hướng tới “làng hạnh phúc”.