Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Làng O2 sẽ không còn xa ngái

Lê Phương - 06:58, 04/07/2024

Hiện nay, ở Bình Định, ngôi làng đồng bào DTTS được xem là xa xôi, hẻo lánh nhất đó là làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Ngôi làng này chỉ vỏn vẹn 54 nóc nhà của đồng bào dân tộc Ba Na. Người ta vẫn thường gọi O2 là làng nhiều không: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế và không có nước sạch.

Xa ngái làng O2

Làng O2 nằm giữa một thung lũng, tứ bề núi rừng trùng điệp. Cũng bởi địa thế hiểm trở như vậy, người dân O2 sống gần như “biệt lập” với thế giới bên ngoài, mọi thứ phải tự cung, tự cấp nên tụt hậu so với những làng khác. Mới đây, đầu tháng 6, chúng tôi có dịp đi cùng Đoàn công tác của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đến thăm bà con làng O2. 

Quả đúng như lời của những người đã từng tới O2, đường vào làng vô cùng gian nan, vất vả. Xuất phát từ TP. Quy Nhơn, chúng tôi vượt quãng đường hơn 80 cây số đến trung tâm huyện Vĩnh Thạnh, sau đó đi thêm hơn 10 cây số nữa để đến trung tâm xã Vĩnh Kim và bắt đầu hành trình băng rừng, lội suối gần 4 tiếng đồng hồ mới đến được O2.

Đường vào O2 dốc ngược, quanh co giữa những cánh rừng già, rừng keo lai bạt ngàn. Thi thoảng vài tiếng chim như rớt vào không gian quạnh quẽ. Sau nhiều giờ lội bộ, vượt qua con dốc “đầu gối đụng cằm”, O2 hiện ra với 1 màu xanh ngút ngàn, thấp thoáng là những mái nhà sàn, êm đềm như một làng quê cổ tích.

Làng O2 nằm giữa thung lũng, tứ bề núi rừng trùng điệp
Làng O2 nằm giữa thung lũng, tứ bề núi rừng trùng điệp

Đã nghe nói nhiều về ngôi làng đặc biệt mang tên O2, sau nhiều lần lỡ hẹn nay mới có dịp đến đây để "mục sở thị".  Tuy cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy, nhưng đồng bào Ba Na vẫn rất lạc quan, họ sống chan hòa, tình cảm và đoàn kết. 

Theo ông Đinh Cư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, làng O2 hiện có 54 hộ đồng bào Ba Na, với hơn 200 nhân khẩu sinh sống. Do làng ở trên núi cao, đường đi cách trở nên cuộc sống đồng bào rất khó khăn, chủ yếu tự cung tự cấp bằng các nghề trồng lúa nước, lúa rẫy, trồng đậu đỗ, chăn nuôi bò, heo, gà… Cái nghèo như một vòng luẩn quẩn vẫn đeo bám mãi, chưa có cách nào tháo gỡ. 

Cũng theo lời ông Đinh Cư, làng O2 trước kia là nơi đặt trụ sở Tỉnh ủy, UBND, Công an tỉnh… thời kháng chiến. Do tập quán canh tác và sống lâu đời ở đây nên dù có khó khăn đến mấy, đồng bào cũng không có muốn dời làng đi nơi khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tặng quà cho các em học sinh làng O2
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tặng quà cho các em học sinh làng O2

Bao đời nay, người dân O2 vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu, từ cuối năm 2022, được các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời nên làng O2 mới biết tới ánh điện. Từ khi có điện, cuộc sống bà con làng O2 bước sang trang mới tươi sáng hơn.

Anh Đinh Khích, Trưởng làng O2 chia sẻ: Người dân trong làng rất biết ơn các đoàn từ thiện đến đây, mang theo nhiều điều mới mẻ cho bà con. Đặc biệt, thanh niên Bình Định và các Đoàn từ thiện khác đã nhiều lần khảo sát, lắp đặt, sửa chữa đường ống dẫn nước sạch từ suối về làng cũng như hỗ trợ các thiết bị điện năng lượng mặt trời cho tất cả các gia đình ở làng O2, giúp bà con có điện thắp sáng, nghe đài, xem ti vi và có nước vệ sinh để dùng.

“Điều bà con mong muốn nhất là Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng con đường đến làng thuận tiện, có điện lưới quốc gia ổn định và có sóng điện thoại để thông tin liên lạc. Hiện tại bà con ở đây sống gần như tự cung tự cấp, bởi để đưa được nhu yếu phẩm, nông sản, hàng hóa từ trung tâm xã về làng và ngược lại từ làng xuống trung tâm xã tiêu thụ là cả một hành trình gian nan, vất vả. Cũng bởi vì thế mà làng O2 có 54 hộ dân thì 44 hộ thuộc diện hộ nghèo, 10 hộ còn lại cận nghèo”, ông Khích chia sẻ thêm.

Để làng O2 thêm gần

Đến nay, khi đời sống người dân miền núi Vĩnh Thạnh có nhiều thay đổi, bao nhiêu thôn, làng đã có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm… thì O2 vẫn thiếu nhiều thứ. Trong câu chuyện của dân làng O2 với bất cứ người khách nào, chuyện về con đường luôn được nhắc đến; và đó cũng là ước mơ từ lâu của người dân làng O2 mà cho đến hôm nay vẫn chưa thành hiện thực.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tặng cày cầm tay cho bà con làng O2
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tặng máy cày cầm tay cho bà con làng O2

Không chỉ thiếu đường, làng O2 còn thiếu điện, thiếu nước. Hệ thống điện năng lượng mặt trời vừa được tài trợ cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chủ yếu dùng để thắp sáng chứ chưa thể phục vụ vào mục đích khác. Nguồn nước sinh hoạt ở làng O2 chủ yếu là nước suối. Các mạnh thường quân đã giúp người dân lắp đặt đường ống đẫn nước về làng, nhưng đó cũng chỉ là nước hợp vệ sinh chứ chưa đủ tiêu chuẩn nước sạch.

Trong chuyến công tác về làng O2 đầu tháng 6 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đồng cảm với những khó khăn, thiếu thốn của bà con nơi đây. Ông Tuấn chia sẻ: Thấy cuộc sống của bà con vất vả, chúng tôi cũng rất trăn trở, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết tốt nhất mọi việc cho bà con theo từng bước một.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Tuấn tặng cho bà con 5 bộ đèn năng lượng mặt trời 1.000W; 5 máy cày cầm tay; 5 bồn chứa nước inox loại 1.500 lít và 2.000m ống nước để dẫn nước từ suối về thôn. UBND tỉnh sẽ lập dự án; sau đó chuyển cho UBND huyện Vĩnh Thạnh thực hiện hỗ trợ mỗi hộ dân 2 con bê cái sinh sản và hỗ trợ thôn 2 con bò đực lấy giống nhằm tạo sinh kế cho bà con.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh dự kiến đầu tư hệ thống pin mặt trời cỡ lớn, bộ tích trữ điện đủ để người dân thôn O2 sử dụng. Trang bị thêm 2 máy nổ công suất cao, đề phòng trường hợp không thể phát điện từ pin mặt trời thì dùng tới máy nổ. Sau khi có hệ thống điện sẽ tính tới việc xây dựng, lắp đặt trạm phát sóng di động để đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn giao các sở, ngành liên quan và lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh sớm triển khai khảo sát đường đi, hướng tuyến để chuẩn bị làm đường và kéo điện lưới quốc gia về làng O2
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn giao các sở, ngành liên quan và lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh sớm triển khai khảo sát đường đi, hướng tuyến để chuẩn bị làm đường và kéo điện lưới quốc gia về làng O2

Khi hay tin tỉnh có chủ trương đầu tư mở đường đến làng, người dân ai cũng phấn khởi. Ông Đinh Ly, một người dân O2 bày tỏ: Không gì có thể vui hơn việc có một con đường để đi lại thuận tiện. Có đường, nông sản bà con làm ra sẽ bán được giá cao hơn, bọn trẻ con trong làng đi học cũng thuận lợi, nhất là mỗi khi có người ốm đau sẽ đến trung tâm y tế nhanh hơn. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, đã giao sở, ngành liên quan và lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh sớm triển khai khảo sát đường đi, hướng tuyến để chuẩn bị làm đường. Sau khi thống nhất hướng tuyến, tỉnh đầu tư kinh phí mua xi măng, cát, sỏi; Nhân dân thôn làng O2 đóng góp ngày công làm đường.

 Dự kiến, đường rộng từ 1 - 1,2m và đổ bê tông mặt đường dày khoảng 15 - 20cm; phục vụ tốt cho xe mô tô lưu thông đi lại. “Nhà nước và bà con cùng đồng lòng góp công, góp của triển khai việc mở đường vào thôn làng O2 càng sớm càng tốt. Quyết tâm trước Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030, phải có được đường”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng làng O2 hôm nay cũng có những đổi thay đáng mừng. Những ngôi nhà vách gỗ, mái tôn vững chãi thay dần nhà tre nứa. Đặc biệt, khi có được con đường, làng O2 sẽ không còn “biệt lập”. Người dân sẽ đầu tư trồng trọt, chăn nuôi tăng thu nhập. Và trong câu chuyện thường ngày của người dân làng O2 sẽ không còn lo về đói nghèo mà sẽ dần mở sang một trang mới của sự ấm no, con em được đi học đầy đủ.

Chia tay người dân làng O2, khi mặt trời đã đứng bóng, ai nấy cũng bịn rịn không muốn rời xa. Giữa núi rừng u tịch, nhưng trong lòng mọi người đều cảm thấy rất vui và cùng chung một niềm tin rằng, không lâu nữa, làng O2 sẽ không còn xa ngái.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.