Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chuyện về đảng viên người Mường “vác tù và” ở bản Lòi Sim

An Yên - CTV - 04:45, 24/11/2023

Những tưởng di dịch cư thì bản sắc văn hóa sẽ phai nhạt… nhưng ở bản Lòi Sim, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thì ngược lại. Tiếng nói và chữ viết Mường, văn hóa người Mường… đang sống lại nơi miền biên viễn Hà Tĩnh từ niềm đam mê, tâm huyết của một đảng viên. Ông là Phan Thanh Tuyền, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, Trưởng ban Công tác Mặt trận, công an viên

Bản Lòi Sim nhìn từ trên cao
Bản Lòi Sim nhìn từ trên cao

“Gieo” tiếng Mường trên đất Hà Tĩnh

Bản Lòi Sim nằm ở vùng biên viễn Hà Tĩnh, hiện có 144 hộ, với 578 nhân khẩu người dân tộc Mường. Nói về gốc gác giống nòi, ông Phan Thanh Tuyền (SN 1958) thuộc thế hệ người Mường thứ 2 ở bản Lòi Sim kể rành rẽ: Tôi nghe cha ông kể lại là đồng bào chúng tôi có gốc tích ở Thanh Hóa, di cư vào Quảng Bình từ thế kỷ XIV và đến bản Lòi Sim sinh sinh cơ lập nghiệp chừng 80 năm trước.

Do quá trình di cư, xa rời gốc tích, mải lo làm ăn... nên các bản sắc văn hóa dân tộc dần mai một. Điều này khiến những người lớn tuổi như ông Tuyền nặng lòng trăn trở. Thế rồi trong đầu ông Tuyền nảy ra một ý định táo bạo: phải làm sao để mọi người trong bản nói và viết được tiếng mẹ đẻ - tiếng Mường.

Để ý tưởng thành hiện thực, đích thân ông Tuyền đã cùng với hội đồng già bản đứng ra vận động các vị cao niên còn nói được tiếng mẹ đẻ hỗ trợ phiên âm. Riêng bản thân ông thì nỗ lực sưu tầm tư liệu, ghi chép lại, xây dựng thành chương trình dạy học; rồi cấp phát, động viên bà con về truyền dạy ngay trong mỗi gia đình.

Ông Tuyên lên lớp giảng dạy tiếng Mường cho bà con dân bản
Ông Phan Thanh Tuyền lên lớp giảng dạy tiếng Mường cho bà con dân bản

Có tài liệu dạy học nhưng ai sẽ lên lớp truyền dạy cho mọi người? Lớp học sẽ tổ chức ở đâu? Thời gian học lúc nào thì phù hợp?... Bao câu hỏi đầy trách nhiệm cứ thế thôi thúc ông trong tâm khảm. “Vậy là tôi đứng ra chịu trách nhiệm giảng dạy tiếng và chữ viết Mường cho mọi người”, ông Tuyền nói.

Để có nghiệp vụ sư phạm cùng những kỹ năng giáo dục cần thiết, ông Tuyền đã gặp thầy Lê Hữu Tân - chuyên viên Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) để được hỗ trợ.

Sau những chuẩn bị về bài giảng, giáo án, hội trường, mượn cơ sở vật chất, tự mua trang thiết bị dạy học, đi sưu tầm tư liệu, bỏ tiền in ấn sách và lên lớp giảng bài… đầu năm 2022, những chữ viết và tiếng Mường đầu tiên đã vang lên trên vùng miền núi Hà Tĩnh.

 Chị Phạm Thị Hiền (SN 1986) ở bản Lòi Sim tâm sự: Học tiếng Mường không khó bởi phát âm khá gần gũi với ngôn ngữ phổ thông, lại được bác Tuyền chỉ dạy tận tình nên dễ hiểu. Giờ tôi đã có thể hát một số bài dân ca của dân tộc mình rồi. Tôi đi học là để biết rõ về chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình, để từ đó mà hiểu thêm về nguồn cội cha ông.

Ông Tuyền luôn đau đáu với việc học nói và viết chữ Mường của con trẻ
Ông Tuyền luôn đau đáu với việc học nói và viết chữ Mường của con trẻ

Lịch học tiếng Mường do ông Phan Thanh Tuyền tổ chức ở nhà văn hóa thôn vào mỗi cuối tuần. Dẫu bận rộn với sản xuất, phát triển kinh tế… nhưng nhiều người vẫn nhớ lịch học cuối tuần mà tề tựu rất đông. Sau mỗi buổi lên lớp, ông Tuyền đã nhắc nhở, hướng dẫn bà con tự ôn luyện trong sinh hoạt gia đình, tăng cường giao tiếp trong cộng đồng, đưa tiếng Mường vào các hoạt động văn hóa, giải trí... để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn tại thôn bản.

Cùng với đó, ông Tuyền còn chủ động gắn khôi phục bản ngữ với tìm lại các hoạt động tín ngưỡng, tổ chức các cuộc hành hương, thăm viếng về cội nguồn ở Quảng Bình và Thanh Hóa để bà con từng bước được tiếp xúc, làm quen; đồng thời khôi phục lại những giá trị truyền thống đã mất.

Với người Mường ở bản Lòi Sim, có lẽ những giờ học viết và nói tiếng Mường là một trong những hoạt động văn hóa ý nghĩa, nếp sinh hoạt mới trong cộng đồng, là không gian lan tỏa niềm vui, nơi cùng nhau hướng về nguồn cội... 

Ông Trần Quốc Hoàn - công chức văn hóa xã Hương Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho hay: Việc khôi phục chữ viết và tiếng nói dân tộc Mường, được xem là bước khởi đầu để hội đồng già bản cùng chính quyền địa phương, ngành văn hóa tiếp tục khôi phục trang phục, cúng đơm, lễ hội và các nét đặc trưng văn hóa cho cộng đồng DTTS này ở địa phương.

Cùng dân bản đuổi nghèo

Là đồng bào Mường di cư từ nhiều năm trước, thế nên khát vọng đổi đời chính là niềm cháy bỏng của biết bao thế hệ cha ông đi trước. Trăn trở vì lẽ ấy mà suốt hơn 40 năm tham gia công tác xã hội, ông Tuyền đã hết sức, hết lòng vì công việc chung, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân để có thể đóng góp được nhiều hơn, làm được nhiều việc tốt hơn cho đồng bào, cùng đồng hành với người Mường hướng tới cuộc sống ấm no.

Một mô hình kinh tế cho thu nhập cao ở bản Lòi Sim
Một mô hình kinh tế cho thu nhập cao ở bản Lòi Sim

Mới 65 năm tuổi đời nhưng, ông Phan Thanh Tuyền lại có hơn 40 năm hoạt động việc làng, việc xã. Kể về cuộc đời mình, ông Tuyền vui vẻ: Năm 1976, tôi tham gia bộ đội và đến 1981 thì phục viên. Từ đó đến nay, tôi đã liên tục tham gia công tác xã hội ở cơ sở. Đến năm 2007, sau những nỗ lực, cố gắng, bản thân tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và hiện là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, Trưởng ban Công tác Mặt trận, công an viên.

Dẫu ở cương vị nào thì đảng viên dân tộc Mường Phan Thanh Tuyền vẫn rất tròn vai. 42 năm với rất nhiều cương vị,nhưng là những năm tháng với những bước chân không mệt mỏi của ông Tuyền trong việc hướng dẫn, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng NTM, gìn giữ bản sắc văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự…

Những cống hiến không mệt mỏi của ông Tuyền, những nỗ lực, đồng hành của đồng bào DTTS nơi đây đã mang đến một diện mạo mới cho bản Lòi Sim. Nếu như mươi năm trước, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chừng mấy chục %, thì nay đã không còn hộ nghèo và cận nghèo. Thu nhập bình quân của người dân trong bản đã đạt 48 triệu đồng/năm, 15% số hộ có mô hình kinh tế vườn đồi (trồng bưởi, cam, mít và nuôi trâu, bò, lợn, gà...) với mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Xây dựng bản làng no ấm, bình yên là niềm day dứt của Bí thư kiêm trưởng bản Lòi Sim
Xây dựng bản làng no ấm, bình yên luôn là niềm mong muốn khôn nguôi của ông Phan Thanh Tuyền, Bí thư kiêm Trưởng bản Lòi Sim

Điều rất đáng quý, trong một thập niên gần đây, bản làng không có người vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, các loại tệ nạn như: cờ bạc, rượu chè, trộm cắp vặt... giảm hẳn, không có ma túy, ANTT luôn được đảm bảo, xóm làng bình yên. Năm 2019, bản Lòi Sim được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu và đang ngày một giàu đẹp hơn.

Nói về thế hệ dân tộc Mường kế cận, ông Phan Hào Lý - Chủ tịch Hội đồng già bản Lòi Sim khoe: Chú Tuyền là đảng viên gương mẫu, là cán bộ tâm huyết và trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của đồng bào Mường chúng tôi. Có chú ấy tập hợp, động viên, dẫn lối, bản chúng tôi là một trong những điểm sáng đi đầu của địa phương.

Xin được kết thúc bài viết này bằng lời nhận xét đầy yêu thương, kính trọng của lãnh đạo xã Hương Trạch dành cho đảng viên người Mường Phan Thanh Tuyền: Ngoài việc phát huy tinh thần xung kích, nêu gương người uy tín, trách nhiệm với cộng đồng thì ông Tuyền còn là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về với đồng bào. Trong việc nắm bắt tình hình và triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội từ xã xuống bản, ông Tuyền là “cánh tay nối dài” rất đắc lực./.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.