Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Chàng trai dân tộc Mường thu tiền tỉ từ mô hình nuôi gà 9 cựa

Đức Bình - 05:52, 20/11/2023

Từ một thầy giáo dạy học, anh Nguyễn Văn Đức đã quyết định chuyển nghề, trở về quê hương khởi nghiệp với mô hình nuôi gà 9 cựa. Thành công của chàng trai người Mường đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, khát vọng thoát nghèo của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Anh Đức chăm sóc gà giống
Anh Đức chăm sóc gà giống

Anh Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1985) 38 tuổi là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Học hết THPT, anh Đức tiếp tục học sư phạm tại Hà Nội. Sau khi ra trường, anh về làm giáo viên tại một trường học ở Phú Thọ.

Mặc dù đã có công việc có thể gọi là ổn định, thế nhưng trong tâm trí chàng trai người Mường khi ấy, vẫn luôn đau đáu khát vọng được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhận thấy quê mình có giống gà 9 cựa quý hiếm, có giá trị cao nhưng lại không được nuôi bài bản, dẫn đến việc bị pha tạp giống, anh Đức đã xác định lựa chọn đây chính là hướng đi của mình.

Nghĩ là làm, năm 2018, anh quyết định xin thôi công việc giáo viên, trở về quê hương, bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình. Để có được giống gà quý, anh Đức phải lặn lội đi khắp các bản làng ở Phú Thọ thu mua gà. Hồi đó, anh mua khoảng 1.000 con gà các loại về sàng lọc, nhân giống nhưng chỉ ra được 100 con gà đạt chuẩn, đúng với tiêu chí đặt ra. Cụ thể, dòng gà chuẩn là lúc nở ra sẽ có 6 cựa, khi phát triển và trưởng thành sẽ có 8 cựa hoặc 9 cựa.

Anh Đức nhớ lại: "Những ngày đầu khởi nghiệp gian nan lắm, tiền không có, tôi phải bán mấy quả đồi để lấy vốn mua gà. Nếu nhớ không nhầm, số tiền mà tôi bỏ ra mua giống khi đó là khoảng 200 triệu đồng". Tuy nhiên, khó khăn về vốn chỉ là một phần của thách thức. Theo anh Đức, khó khăn nhất là việc chăm sóc sóc gà, đặc biệt là khi bị bệnh, bởi vào những ngày đầu anh chưa có kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát hiện, phòng và chữa bệnh cho gà.

Mô hình nuôi gà 9 cựa của anh Nguyễn Văn Đức
Mô hình nuôi gà 9 cựa của anh Nguyễn Văn Đức

Anh nhớ lại: "Nhà tôi ở xa trung tâm, mỗi lần đi mua thuốc về tiêm cho gà đều rất vất vả khiến cho chi phí nuôi, chăm sóc tăng cao. Hồi mới nuôi, mỗi khi gà ốm, tôi còn không biết cách xử lý thế nào, nên cứ chạy vạy khắp nơi tìm hiểu. Mãi sau này, khi tôi dần quen và có kinh nghiệm thì mới đỡ vất vả hơn."

Anh Đức chia sẻ rằng, thời gian đầu làm quen với việc nuôi gà, anh gần như không có lãi, thậm chí là lỗ vốn. Anh nhấn mạnh rằng, làm nông nghiệp muốn có lãi ngay từ đầu là một công việc vô cùng khó khăn, có khi là phải đợi đến sau 5-10 năm mới thấy rõ thành quả. Vì vậy nếu không có sự kiên trì thì khó mà bám trụ được.

Và sau 2 năm vất vả, mô hình nuôi gà 9 cựa của anh Đức đã dần ổn định. Thế nhưng lúc này anh lại phải đối mặt với một thách thức lớn khác, đó là đi tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Vì vậy, anh quyết định đến các tỉnh, thành phố lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… nơi có các nhà hàng, quán ăn chuyên về gà đặc sản.

Ban đầu, khi giới thiệu về gà 9 cựa, vẫn còn nhiều người hoài nghi, thế nhưng bằng sự nỗ lực, kiên trì, anh đã thành công tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình. Đến nay, gà 9 cựa của anh đã có mặt ở các thị trường lớn như TP. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành khác. 

Năm 2021, anh Nguyễn Văn Đức thành lập Công ty TNHH Nắng Trung Du, thực hiện liên kết với các hộ chăn nuôi gà nhiều cựa ở các xã trong huyện để chia sẻ kinh nghiệm, tiêu thụ gà.

Năm 2021, anh Nguyễn Văn Đức thành lập Công ty TNHH Nắng Trung Du thực hiện liên kết với các hộ chăn nuôi gà nhiều cựa
Năm 2021, anh Nguyễn Văn Đức thành lập Công ty TNHH Nắng Trung Du thực hiện liên kết với các hộ chăn nuôi gà nhiều cựa

Hiện mỗi năm, doanh thu bán gà của anh đạt hàng tỷ đồng, nếu trừ hết chi phí, anh thu lãi khoảng 15-20%. Thậm chí với những con gà 9 cựa, loại cực phẩm dành riêng cho việc làm cảnh, biếu tặng có thể lên tới 15-30 triệu đồng/con. Đa phần, những con gà này đều được nuôi trên 8 tháng và nặng từ 1,8-2,5 kg/con.

Anh Đức chia sẻ: "Hiện chiến lược kinh doanh của tôi đang thay đổi, tôi tập trung cho mảng bán lẻ nhiều hơn. Với cách này, tôi sẽ kiểm soát được tốt đầu ra, tiếp cận được nhanh, chính xác phản hồi của khách chứ không cần thông qua một bên thứ ba".

Dù đã trải qua không ít khó khăn, thăng trầm, có cả những thất bại, thế những bằng ý chí, nghị lực, chàng trai dân tộc Mường vẫn giữ vững niềm tin vào con đường khởi nghiệp của mình. Mô hình khởi nghiệp của anh không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân mà còn tạo ra công ăn việc làm cho bà con nơi quê hương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, ý chí vượt khó vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.