Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Chuyện về hai nữ già làng ở Tây Nguyên

Lê Hường - Tiên Dung - 16:12, 18/02/2021

Tây Nguyên là địa bàn tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt là vùng biên giới. Bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm, nhiều già làng nơi biên viễn đã có nhiều cách làm giúp người dân hiểu đúng, cùng nhau bảo vệ biên cương, bờ cõi, giữ bình yên biên giới, giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa.

Già làng Siu Phyin phát triển chăn nuôi bò
Già làng Siu Phyin phát triển chăn nuôi bò

Gắn kết quân dân canh giữ biên cương

Bao năm qua, già làng Siu Phyin đã làm điểm tựa vững chắc cho đồng bào Gia Rai ở làng Gòong, xã biên giới Ia Púch, huyện chư Prông, tỉnh Gia Lai. Già Siu Phyin không chỉ giúp dân hiểu đúng để không bị những kẻ xấu lợi dụng, xúi giục; xua đi những hủ tục lạc hậu lâu đời mà còn là trung tâm hòa giải những mẫu thuẫn trong làng.

Già Siu Phyin nói, trước đây bà con trong làng còn nhiều tập tục lạc hậu, dễ bị kẻ xấu dụ dỗ làm điều sai trái ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự. Già hiểu rõ cuộc sống, con người của người dân nơi đây nên rất sâu sát, gần gũi với bà con. Muốn nói để người ta nghe mình phải hiểu hoàn cảnh từng gia đình, hiểu tính từng người, biết họ cần gì, khéo léo động viên thì mới uốn nắn được tư tưởng của họ. “Mưa dầm thấm lâu”, khi người dân hiểu đúng, hiểu đủ về pháp luật thì tình hình an ninh trật tự trong làng luôn ổn định. “Để làm được như vậy, già thường xuyên cập nhật thông tin trên báo, trên đài và xem ti vi để nắm bắt những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn bà con. Mình hiểu biết, “nói có sách mách có chứng” người ta mới tâm phục mà nghe theo”.

Chẳng thế, nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch gọi già Siu Phyin là mẹ. Những chuyện khó giải quyết trong làng các anh lại đến nhờ mẹ “ra tay”.

Bên trong căn nhà của già làng Siu Phyin nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ngành khen tặng
Bên trong căn nhà của già làng Siu Phyin nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ngành khen tặng

Ông Nguyễn Quang Trung, nguyên Chủ tịch xã Ia Púch cho biết: ở các xã khác trên địa bàn huyện nhiều người dân tộc thiểu số bị dụ dỗ vượt biên trái phép sang Cupuchia, nhưng riêng xã Ia Púch thì không có vượt biên, buôn lậu ma túy. Đó là nhờ công của già làng Siu Phyin. Cứ có đối tượng lạ mặt vào làng dỗ ngọt, người dân lại đến nhà già xin ý kiến, già báo lại chính quyền, Bộ đội biên phòng cùng giải quyết. Điều đó đã tạo nên bức tường liên kết vững chắc mà già là mắt xích quan trọng gắn kết chính quyền, quân đội và Nhân dân bảo vệ biên cương.

Cùng Bộ đội biên phòng tuần tra biên giới

Trước nay vị trí già làng thường giao cho nam giới, trường hợp nữ già làng là rất hiếm hoi. Già làng Ksor H’Blâm ở làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia La là nữ già làng đầu tiên được người dân kính trọng suy tôn.

Dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng già H’Blâm vẫn dẻo dai. Hàng ngày, già vẫn cùng bộ đội biên phòng đi cả chục cây số đường rừng để tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền, tuyên truyền người dân không được vượt biên. Mỗi lần đi tuyên truyền, già H’Blâm luôn giải thích cặn kẽ cho dân làng hiểu, không nghe lời kẻ xấu mà vượt biên trái phép hay buôn bán các chất trái phép qua biên giới.

Già H’Blâm kể: già phục vụ trong quân đội 25 năm, từ khi còn là thiếu nữa 16 tuổi. Những năm tháng chiến tranh, giặc Mỹ liên tục dội bom vào làng Krông, ngôi làng hoang tàn, vắng vẻ. Cuộc sống bà con đồng bào hết sức khó khăn, chỉ dựa vào hái lượm để kiếm ăn. Trở về làng khi chiến tranh kết thúc, già dồn hết sức mình để giúp dân làng Krông gây dựng lại cuộc sống, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hồi đó, trình độ dân trí của bà con còn thấp lắm, dân làng còn nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan còn ăn sâu trong tâm thức bà con. Người dân chỉ tin vào sự phù hộ của Yàng, bệnh tật chưa bằng cúng ma. Nhiều người nghe kẻ xấu dụ dỗ vượt biên trái phép…

Già làng Ksor H’Blâm thường xuyên đọc sách báo để truyền lại cho bà con làng Krông
Già làng Ksor H’Blâm thường xuyên đọc sách báo để truyền lại cho bà con làng Krông

Năm 1998, làng Krông không có già làng, già H’Blâm là một trong số ít người biết chữ lại được bà con tôn kính nên được suy tôn làm già làng trở thành nữ già làng đầu tiên ở Tây Nguyên. Ở cương vị mới, già H’Blâm tận tình tuyên truyền người dân từ chuyện bảo vệ chủ quyền đến bày cho bà con cách làm ăn phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của người dân khá lên trông thấy, hộ nghèo đã giảm nhiều, hủ tục lạc hậu cũng dần bỏ hết. Làng Krông là làng đầu tiên của xã đón nhận danh hiệu làng văn hóa.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr đánh giá: già làng Ksor H’Blâm luôn là người đi đầu trong công tác tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân. Là sợi dây liên kết tình quân dân, cùng Đồn biên phòng Ia Mơr giúp dân thoát nghèo bền vững. Già H’Blâm còn thường xuyên tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc cùng với lực lượng biên phòng…. “Già H’Lâm nói dân hiểu, làm dân tin. Những việc bà con chưa biết già trực tiếp cầm tay chỉ việc, bà con từ không biết làm lúa nước nay đã có thể làm năm 2 vụ. Đối với những người lầm đường lạc lối vượt biên trái phép thì già vận động trở về quê hương, tu chí làm ăn cùng với gia đình”.

Các già làng Tây Nguyên nơi biên giới như những bóng cây kơ nia cổ thụ xanh ngắt, bao năm chăn gió, che mưa nắng cho bà con buôn làng. Loài cây này không sợ bão táp vì dễ của nó ăn sâu vào lòng đất dài gấp đôi phần thân cây, biểu tượng của người Tây Nguyên kiên cường, bất khuất. Các già làng, không chỉ bảo vệ dân làng trước những dụ dỗ của kẻ xấu, từ bỏ những tập tục lạc hầu hướng đến cuộc sống hiện đại tốt đẹp mà còn giúp người dân từng bước phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống văn hóa, văn minh.

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín với chuyển đổi số

Người có uy tín với chuyển đổi số

Những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm, hỗ trợ để Người có uy tín tiếp cận công nghệ và chuyển đổi số. Từ đó, nâng cao khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ vào thực tiễn cuộc sống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.