Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chuyện về người Co là đại biểu Quốc hội khóa I

PV - 14:59, 11/04/2025

Liệt sĩ Đinh Tựu - người Co đầu tiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản, là một trong những đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Nam - Quảng Ngãi.

Ông Đinh Tựu cùng Đoàn đại biểu Quốc hội miền Nam khóa 1 (hàng thứ hai, đứng sau người phụ nữ quàng khăn). Ảnh Tư liệu
Ông Đinh Tựu cùng Đoàn đại biểu Quốc hội miền Nam khóa I (hàng thứ hai, đứng sau người phụ nữ quàng khăn). Ảnh Tư liệu

Sớm giác ngộ cách mạng

Ông Đinh Tựu sinh năm 1906, tại làng Vui, xã Trà Lãnh (nay là xã Hương Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) trong một gia đình người Co sinh sống lâu đời nơi vùng núi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ tinh thần tự lập và lòng căm thù sâu sắc đối với thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai.

Từ cuối những năm 1930, ông Đinh Tựu tham gia phong trào yêu nước, trở thành nghĩa quân hoạt động chống Pháp cùng với người Hrê, Ca Dong trong các phong trào như “Nước xu đỏ”, đánh đồn, diệt ác.

Ông từng hai lần bị địch bắt và giam giữ. Trong lần bị bắt năm 1942, khi đang bị giam trong nhà tù thực dân, ông được các cán bộ cách mạng giác ngộ và kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của dân tộc Co.

Chân dung ông Đinh Tựu. Ảnh: Người thân cung cấp.
Chân dung ông Đinh Tựu. Ảnh: Người thân cung cấp

Sau khi vượt ngục, ông trở về hoạt động cách mạng tại quê nhà, nhưng do bị truy lùng gắt gao, ông chuyển địa bàn sang vùng Trà My (Quảng Nam).

Tại đây, ông tiếp tục kết nối với cơ sở cách mạng, tổ chức lực lượng, xây dựng phong trào trong đồng bào Co, Ca Dong, Xơ Đăng. Ông tuyên truyền, vận động đồng bào theo Đảng, cùng nhau chống giặc, xây dựng nếp sống mới, bài trừ hủ tục, nâng cao nhận thức và sức khỏe cộng đồng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với uy tín cao trong cộng đồng, ông được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, ông trúng cử với 84,6% số phiếu, trở thành người dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là đại biểu Quốc hội đầu tiên của vùng núi Trà My.

“Con sóc rừng” kiên cường

Từ năm 1946 đến 1956, ông Đinh Tựu tiếp tục hoạt động cách mạng, lúc công khai, khi bí mật, trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Từ năm 1954, ông chuyển về vùng núi Ka Tu, xã Trà Nú để tổ chức hoạt động cách mạng.

Rừng thiêng Mộ Leo, nơi an nghỉ của liệt sĩ Đinh Tựu bên sông Làng Gạch, xã Trà Nú. Ảnh. N.Bình
Rừng thiêng Mộ Leo, nơi an nghỉ của liệt sĩ Đinh Tựu bên sông Làng Gạch, xã Trà Nú. Ảnh. N.Bình

Tại đây, ông được người dân gọi theo mật danh “Xếp Brot” - nghĩa là “con sóc rừng” trong tiếng Co, thể hiện sự dũng cảm, linh hoạt, kiên cường của người cán bộ cách mạng vùng cao.

Tối 18/9/1956, trong một lần bí mật trở về thăm nhà, ông bị chỉ điểm và hy sinh trong một cuộc phục kích của địch. Khi ngã xuống, ông đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Trà My.

Thi thể của ông được Nhân dân chôn cất tại rừng Mộ Leo, bên sông Làng Gạch - nay thuộc thôn 1, xã Trà Nú (Bắc Trà My). Hiện nay, rừng Mộ Leo là một khu rừng thiêng được cộng đồng người Co bảo vệ nghiêm ngặt theo phong tục truyền thống, là nơi an nghỉ của liệt sĩ Đinh Tựu và nhiều người thân, dòng tộc của ông đã hy sinh trong kháng chiến.

Ông Hoàng Ngọc Vinh - Bí thư Đảng ủy xã Trà Nú (cháu nội liệt sĩ Đinh Tựu) và bằng Tổ quốc ghi công của ông nội. Ảnh: N.Bình.
Ông Hoàng Ngọc Vinh - Bí thư Đảng ủy xã Trà Nú (cháu nội liệt sĩ Đinh Tựu) và Bằng Tổ quốc ghi công của ông nội. Ảnh: N.Bình

Tên tuổi và công trạng của liệt sĩ Đinh Tựu được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử chính thống như “Lịch sử Đảng bộ huyện Trà Bồng (1930 - 2003)”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Trà My (1945 - 2003)”, “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Bắc Trà My (1945 - 2015)”…

Ông là biểu tượng về sự trưởng thành của phong trào cách mạng trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, là niềm tự hào của người Co ở vùng Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (1946 - 1960), tỉnh Quảng Nam có 15 đại biểu trúng cử, gồm: Phạm Bằng, Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Phan Diêu, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Sạ, Trần Tống, Đinh Tựu, Phan Thao, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri, Trần Viện và Lê Thị Xuyến. Trong đó, 14 đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu, riêng ông Đinh Tựu được đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi đề cử. Các đại biểu đã cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp cách mạng, nhiều người sau này trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục
Nhà máy về bản

Nhà máy về bản

Sau rất nhiều lời chào mời của địa phương, một nhà máy may đã được vận hành tại huyện miền núi Con Cuông, bước đầu đã thu hút gần 1.000 lao động vùng miền Tây xứ Nghệ. Nhà máy về bản đã giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề về ly nông không ly hương, giảm áp lực cuộc sống lên rừng, lên rẫy, tạo cơ hội việc làm và thu nhập ổn định… cho những cư dân miền núi.