Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chuyện về những "thủ lĩnh" phụ nữ ở Môn Sơn

An Yên - 15:07, 15/03/2023

Điều thú vị ở xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) là, hầu hết người đứng đầu thôn, bản hiện nay đều là phụ nữ. Đó, chính là bước chuyển biến mới trong nhận thức, suy nghĩ của đồng bào các DTTS; khi vai trò, vị thế của người phụ nữ ngày càng được khẳng định.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Khe Ló Lương Thị Tâm (bìa trái) tham gia sản xuất nông nghiệp với người dân
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Khe Ló Lương Thị Tâm (bìa trái) tích cực vận động và tham gia cùng các hộ dân tăng gia sản xuất

Toàn xã Môn Sơn có 14 Chi bộ thôn, bản, thì có 7 Chi bộ Bí thư là nữ, 5 trưởng bản là nữ và 1 Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản là nữ. Đáng phấn khởi là, dù gách vác nhiều công việc, trong đó có thiên chức của người phụ nữ gia đình nhưng các nữ “thủ lĩnh” thôn, bản nơi đây đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều chị còn mạnh dạn chỉ đạo cũng như tham mưu, đề xuất được nhiều vấn đề, giải pháp liên quan đến việc phát triển kinh tế của người dân, của thôn bản với cấp trên kịp thời, sát đúng.

Minh chứng như chị Lương Thị Tâm - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Khe Ló. Gánh vác “hai vai” chị đã cùng Chi bộ, Ban quản lý đưa Khe Ló trở thành bản nông thôn mới, được cán bộ, đảng viên và người dân tín nhiệm, đồng tình cao.

Theo chia sẻ của chị Tâm, phát triển kinh tế là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng nông thôn mới, nên bản thân chị đã tiên phong vận động Nhân dân chuyển đổi đất ruộng xấu trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Nhờ thế, cả 2,6 ha đất ruộng xấu ở bản Khe Ló đã trở thành vườn bí cho thu hoạch 2 vụ/năm, với 21 hộ tham gia và đã duy trì được hơn 3 năm, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Người dân bản Khe Ló phấn khởi vì đời sống được nâng lên. 

Bên cạnh đó, để củng cố và xây dựng tổ chức Chi bộ Đảng ngày càng vững mạnh, trên cương vị là Bí thư Chi bộ, chị đã cùng cấp ủy bản Khe Ló quan tâm đến công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng hầu như năm nào Chi bộ Khe Ló cũng kết nạp được đảng viên mới. 

Chị Lương Thị Tâm kể: Năm 2021, Chi bộ Khe Ló có kết nạp được 2 đảng viên, năm 2022 kết nạp được 1 đảng viên là chị Hoàng Thị Long, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân và hiện nay đang chuẩn bị kết nạp một cặp vợ chồng quần chúng ưu tú là chị Lô Thị Vĩnh Phúc, Bí thư Chi đoàn Thanh niên và anh Vũ Quách Tích, Thôn đội trưởng.

Bản Nam Sơn cũng có hai nữ "thủ lĩnh" đảm trách cương vị Bí thư Chi bộ và Trưởng bản là chị Quang Thị Vân và chị Ngân Thị Xuyên. Bản Nam Sơn có 182 hộ, 823 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm 89%. Điều đặc biệt ở bản này, là người già và trẻ em chiếm đa số vì có nhiều lao động trẻ đi làm ăn xa. Hiện trong bản có 50 lao động đi làm ăn ở nước ngoài, gần 300 lao động đi làm ăn ở trong nước. Tuy “chân yếu tay mềm”, nhưng các chị “quán xuyến” việc thôn, việc bản đâu ra đấy. Đường giao thông nội bản đã được đổ bê tông sạch sẽ, mỗi gia đình có bóng đèn thắp sáng đầu ngõ vào ban đêm.

Hiện tại ở Môn Sơn có 3 Câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia hoạt động hiệu quả
Hiện tại ở Môn Sơn có 3 CLB Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia hoạt động hiệu quả

Ngoài mục tiêu động viên Nhân dân tích cực phát triển chăn nuôi, trồng ngô, sắn, lúa để nâng cao thu nhập; những nữ “thủ lĩnh” của bản Nam Sơn đã rất quan tâm đến việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. 

Là địa bàn giáp biên, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao nên một thời đã có tình trạng người nghiện ma túy, rượu chè quá chén gây bất an cho làng bản. Từ khi 8 tổ tự quản và Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia” được thành lập và đi vào hoạt động, thì tình hình đã có những chuyển biến đáng mừng. 

Chị Quang Thị Vân - Bí thư Chi bộ bản Nam Sơn tâm sự: Hiện nay bản không có người nghiện nữa, an ninh trật tự đã đi vào ổn định, bà con chăm chỉ lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Chị Vân còn chia sẻ thêm: Nhờ tham gia CLB mà chị em đã được hiểu thêm rất nhiều kiến thức về pháp luật. Nhất là những quy định về bảo vệ biên giới Quốc gia, quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh biên giới; phòng, chống buôn bán người; các chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS nói chung, phụ nữ nói riêng trên mọi lĩnh vực. Vì thế, tác dụng, hiệu quả của CLB rất lớn.

Một góc xã biên giới Môn Sơn
Nhờ vai trò của những "thủ lĩnh" phụ nữ đang góp phần xây dựng biên giới bình yên, phát triển. (Trong ảnh: Một góc xã biên giới Môn Sơn)

Từ hiệu quả của CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới Quốc gia” ở Nam Sơn, các bản khác như Bắc Sơn, Làng Yên cũng có các CLB tương tự. Hiện nay, 3 CLB Phụ nữ bảo vệ biên giới ở xã Môn Sơn có hơn 100 hội viên tham gia, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn.

Chị Vi Thị Thùy Dương - Chủ tịch Hội LHPN xã Môn Sơn cho hay: Tham gia CLB, thành viên không chỉ thường xuyên cập nhật về kiến thức pháp luật, mà còn có điều kiện hỗ trợ nhau trong cuộc sống, chung tay gìn giữ nét văn hóa của dân tộc, địa phương mình. Nguồn quỹ của CLB sẽ được trích để mua giống cây trồng, vật nuôi hỗ trợ những thành viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn Đặng Văn Thân khoe: Phụ nữ đang là lực lượng chính nắm giữ các vị trí chủ chốt ở thôn, bản đấy. Việc quan tâm bồi dưỡng để chị em tham gia công tác xã hội, chính là một trong những giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đáng mừng là họ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng tôi tin tưởng và phấn khởi lắm.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.