Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Những người phụ nữ miền biên Nghệ An trên nẻo đường tuần tra

Nguyễn Thanh - 11:05, 22/12/2022

Không chỉ sản xuất giỏi, hỗ trợ, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc; các hội viên hội phụ nữ vùng biên giới Nghệ An còn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Hoạt động ấy, đã góp phần tăng cường, củng cố thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt với Nhân dân các bản giáp biên của nước bạn Lào để giữ vững bình yên.

Hội viên Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới” cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới
Hội viên Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới” cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới

Chung tay gìn giữ bình yên nơi biên giới

Hiện nay, trên khắp các bản làng biên cương Nghệ An có rất nhiều mô hình, Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới” (CLB) đang hoạt động có hiệu quả. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, những người phụ nữ trong các CLB lại cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) miệt mài trên những nẻo đường tuần tra.

Chị Lương Thị Định, ở bản Mường Piệt, xã Thông Thụ (Quế Phong), Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, chia sẻ: Đã nhiều lần tham gia tuần tra cùng BĐBP bảo vệ đường biên cột mốc, nhưng mỗi lần đứng chào Cột mốc Quốc giới, bản thân tôi cảm thấy tự hào, vì mình đã góp phần nhỏ vào nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

“Cũng có những khó khăn, vất vả nhưng chị em luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bởi ai cũng xác định việc bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền biên giới quốc gia, không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, mà còn là trách nhiệm của toàn dân, trong đó có bản thân mình, điều này cũng là phù hợp với vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong tình hình mới”, chị Vi Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Thông Thụ, huyện Quế Phong chia sẻ.

Trên khu vực 35 km đường biên với 7 cột mốc, Đồn Biên phòng Môn Sơn thuộc BĐBP Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuần tra do địa hình hiểm trở… Tuy nhiên, từ khi có thêm bước chân tuần tra của những chị em trong CLB tại các bản Bắc Sơn, Nam Sơn và Làng Yên ở xã Môn Sơn (Con Cuông), thì công việc của các chiến sĩ Biên phòng như đỡ nhọc nhằn, vất vả hơn.

Phụ nữ xã Đoọ̣c Mạy tham gia bảo vệ an ninh biên giới với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Loi
Phụ nữ xã Đoọ̣c Mạy tham gia bảo vệ an ninh biên giới với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Loi

Hiện nay, 3 CLB ở xã Môn Sơn có trên 100 hội viên tham gia, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần với các chủ đề khác nhau. Ngoài việc cán bộ BĐBP phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân, đặc biệt là những nội dung mới, trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, duy trì an ninh trật tự tại địa bàn, thì đó còn là diễn đàn để các thành viên CLB chia sẻ thêm ý kiến, những vấn đề nảy sinh trong quá trình tuần tra, tuyên truyền.

Sau 3 năm hoạt động, CLB của bản Huồi Viêng, xã Đọoc Mạy (Kỳ Sơn) đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân và phụ nữ vùng biên giới về thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền Luật phòng chống ma túy, Luật phòng, chống mua bán người, các văn bản Luật, Nghị định của Chính phủ liên quan đến vấn đề biên giới quốc gia; nâng cao ý thức cảnh giác của phụ nữ trước âm mưu của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội...

Chị Vừ Y Ca, Chủ nhiệm CLB bản Huồi Viêng cho hay: Tham gia CLB, các chị em đã ý thức hơn vai trò, vị trí của mình. Nhờ thế, họ đã thực sự trở thành hạt nhân tiên phong ở bản làng trong việc vận động mọi người trở thành công dân gương mẫu, tích cực trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Các thành viên CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” của bản Huồi Viêng, xã Đọoc Mạy quyên góp gạo vào “Hũ gạo tiết kiệm”
Các thành viên CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” của bản Huồi Viêng, xã Đọoc Mạy quyên góp gạo vào “Hũ gạo tiết kiệm”

Những điều còn lại

Điều ý nghĩa nhất phía sau hoạt động của các CLB là gia đình hội viên hòa thuận, hạnh phúc con cái không bỏ học giữa chừng, không có người thân sa vào tệ nạn xã hội, các hội viên hăng hái tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Và phía sau hoạt động của các CLB là những sẽ chia kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái chăm ngoan, hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bài trừ hủ tục… mà các chị tâm tình, trao gửi cho nhau.

Chị Vi Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội LHPN xã Môn Sơn (Con Cuông) nhấn mạnh: Câu lạc bộ đã là nơi để chị em chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hoạt động tương trợ đã được chị em triển khai đầy ý nghĩa và trách nhiệm cao.

Nhiều phần việc nhân văn đã và đang được các chị em ở xã Thông Thụ thực hiện. Tiêu biểu như duy trì hiệu quả 2 mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” ở Chi hội Phụ nữ bản Hiệp Phong và Phú Lâm giúp đỡ được hơn 30 gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, các cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương”, “5 không 3 sạch”, “An toàn cho phụ nữ, trẻ em” cũng được đông đảo hội viên hưởng ứng thực hiện. Đặc biệt, đã có gần 1.000 hội viên trên tổng số 1.015 hội viên phụ nữ của toàn xã thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Chỉ tính trong 3 năm gần đây, 3 chi hội bản Lốc, Mường Phú, Mường Piệt làm tốt các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao giữa Nhân dân 2 bên biên giới. Xã Thông thụ cũng đã đón tiếp khách 17 đoàn, với 495 lượt người của bạn Lào sang thăm; tổ chức 5 đoàn với 72 người sang chúc tết và giao lưu văn nghệ, thể thao với bạn. 

Phụ nữ các bản giáp biên 2 bên biên giới cũng thường xuyên trao đổi các thông tin, tình hình liên quan, đặc biệt là hỗ trợ nhau cây, con giống; trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế hộ gia đình…

Hội viên phụ nữ xã Thông Thụ và các lực lượng tham gia các hoạt động nhân Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn
Hội viên phụ nữ xã Thông Thụ và các lực lượng tham gia các hoạt động nhân Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn

Mới đây nhất, trong kỳ sinh hoạt của mình, các hội viên CLB ở bản Huồi Viêng, xã Đọoc Mạy, huyện Kỳ Sơn, không ai bảo ai, nhưng đều mang theo một túi gạo để góp vào “Hũ gạo tiết kiệm” và quyên góp được gần 30 kg gạo ủng hộ hội viên Vừ Y Xía có hoàn cảnh khó khăn.

Theo chị Vừ Y Ca, Chủ nhiệm CLB Huồi Viêng, xã Đọoc Mạy, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi xác định xóa đói, giảm nghèo cho hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bởi có ổn định cuộc sống, thì chị em mới yên tâm, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chị Ca nói: Chúng tôi chia các hội viên thành hai nhóm để phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, nhóm 1 gồm 10 hội viên góp tiền để mua bò giống. Bằng cách mỗi hội viên đóng góp 1 triệu đồng, cho đến nay, sau 3 năm hoạt động, nhóm đã mua được 10 con bò cho 10 hội viên, với tổng trị giá hơn 150 triệu đồng, nay đều đang phát triển tốt và chuẩn bị sinh sản.

Nhóm 2 lại thực hiện mô hình trồng rau và dưa sạch, trung bình mỗi năm cho thu hoạch được khoảng 200 triệu đồng. Minh chứng như riêng vụ rau đông xuân 2021, nhóm đã thu hoạch hơn 150 triệu đồng. Trong mùa vụ rau đông xuân 2022, CLB đã khảo sát điều kiện đất đai để tiếp tục mô hình trồng rau sạch, với diện tích trên 2 ha, cùng với diện tích trồng dưa sạch cho thu nhập đạt trên dưới 200 triệu đồng.

Với những việc làm của các cấp Hội Phụ nữ ở Nghệ An, đã góp phần vào thực hiện mục tiêu chung trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cũng là góp phần thực hiện các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tin cùng chuyên mục
Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) đã liên tục giảm nhanh. Nếu trong năm 2020, toàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có 30 trường hợp tảo hôn, thì đến năm 2024 (tính đến 20/11) toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn.