Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

Chuyện về Nông hội mía tím

Ngọc Thu - 06:30, 11/09/2023

Ngày ông Kơ Pă Jiâu ở làng Nhao 2 (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đưa cây mía tím về trồng trên ruộng lúa của làng, bà con ai cũng cười nhạo và phản đối việc làm này của ông. Với người Gia Rai nơi đây, “giống cây lạ” này không thể thay thế cây lúa. Ấy vậy mà hơn 15 năm trôi qua, cây mía luôn tốt tươi và cắm rễ sâu vào lòng đất, góp phần đưa cuộc sống người dân Ia Kênh ngày một khởi sắc.

Ông Kơ Pă Jiâu (ngoài cùng bên phải) - người tiên phong đưa cây mía tím về trồng, thay đổi cuộc sống ấm no
Ông Kơ Pă Jiâu (ngoài cùng bên phải) - người tiên phong đưa cây mía tím về trồng, thay đổi cuộc sống ấm no

Cách đây 15 năm về trước, bà con Gia Rai làng Nhao 2 luôn bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Đất đai khô cằn, trồng lúa kém hiệu quả, ông Kơ Pă Jiâu đã quyết tâm ra khỏi làng để đi tìm hướng thoát nghèo.

Cho tới hôm ông gặp được người Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi cách làng Nhao gần 20km. “Mình thấy vườn rẫy nhà ông ấy trồng giống mía rất lạ. Thân mía màu tím ngắt nhưng cây thì to tròn, mập mạp. Mình tò mò hỏi thì được giới thiệu đó là giống mía tím - loài cây phù hợp với vùng đất khô hạn. Mình quyết định đưa “giống cây lạ” này về trồng thử trên đất lúa cằn cỗi của làng”. Ông giải thích và mong muốn mọi người cùng làm với mình, nhưng không ai đồng ý...

Ông Jiâu thu hoạch, chất mía tím lên công nông bán cho thương lái mang lại lợi nhuận gấp 4 - 5 lần so với trồng mía (ảnh bổ sung)
Ông Jiâu thu hoạch, bán mía trực tiếp cho thương lái mang lại lợi nhuận gấp 4 - 5 lần so với trồng mía

Sau 2 tháng xuống giống, với bao công chăm sóc, đến khi chuẩn bị thu hoạch, để chứng minh cho già làng và mọi người thấy được hiệu quả, ông Jiâu chặt một ít mía biếu dân làng, phần còn lại, ông chở xuống TP. Pleiku bán cho thương lái. Lúc ấy, với gần nửa sào mía trồng thử nghiệm, ông Jiâu bán được gần 10 triệu đồng. Ông tiếp tục mua thêm ngọn giống về trồng trên diện tích 3 sào. Dân làng bắt đầu tin lời ông Jiâu nhưng họ vẫn bảo vệ cây lúa.

5 năm sau, nhờ cây mía mà ông Jiâu xây được nhà, mua sắm xe cộ, ti vi, máy lạnh… thì người làng mới theo ông trồng cây mía. Không chỉ người dân trong làng mà nhiều hộ ở xã Ia Kênh cũng bắt đầu học theo ông Jiâu để trồng mía tím.

Người dân xã Ia Kênh làm theo ông Jiâu trồng mía tím đón cuộc sống ấm no (ảnh bổ sung)
Người dân xã Ia Kênh làm theo ông Jiâu trồng mía tím đón cuộc sống ấm no

Ông Kpă Pyui (làng Nhao 1) cũng chuyển 2 sào đất lúa sang trồng mía tím. Ông Pyui cho hay: “Nhiều năm nay, với 2 sào mía tím, gia đình tôi thu về gần 70 triệu đồng/vụ. Như vậy, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng mía tím cho chúng tôi thu nhập cao gấp 5 lần”.

Khi cây mía phủ tím ngắt cánh đồng làng, cuộc sống người làng dần đổi thay. Già làng Ralan Tip bảo rằng: “Kơ Pă Jiâu làm đúng rồi! Làng mình nay không còn hộ nghèo và tự hào về giống cây trồng bằng ngọn này lắm”.

Được biết, cây mía tím phát triển mạnh tại vùng đất xã Ia Kênh từ năm 2019. Mía tím không kén đất, chịu hạn, sinh trưởng mạnh, có thể trồng mọi loại hình đất và đặc biệt là chi phí đầu tư thấp. Giờ đây, vùng đất Ia Kênh đã hình thành cánh đồng mía rộng 24ha với hàng chục hộ trồng mía. Người Gia Rai nơi đây đã vươn lên làm giàu từ cây mía tím là điều mà không ai có thể phủ nhận...

Nhờ thay đổi nếp nghĩ cách làm chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mía tím đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào Gia Rai xã Ia Kênh (ảnh bổ sung)
Nhờ thay đổi nếp nghĩ cách làm chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mía tím đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào Gia Rai xã Ia Kênh

Ông Lê Quang Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh cho biết, nhờ việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím, diện mạo nông thôn dần thay đổi, đời sống bà con được nâng lên. Hiện mỗi ha mía đạt năng suất bình quân 700 tạ; sau khi trừ chi phí người dân thu về lợi nhuận trên 250 triệu đồng. Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường và các dịch vụ tư vấn khác cho Nông hội mía; hỗ trợ hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm tại các vùng sản xuất tiên tiến, hiệu quả; tạo điều kiện để Nông hội tham gia hội chợ, phiên chợ do thành phố tổ chức hằng năm nhằm quảng bá, tiêu thụ và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tháng 5/2020, xã Ia Kênh thành lập Nông hội mía tím. Ông Kpă Pyui được bầu làm Chủ nhiệm. Thời gian đầu, Nông hội chỉ có 23 hội viên nhưng hiện nay đã tăng lên 40 hội viên với 24ha mía. Tham gia Nông hội, bà con được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc mía. Nhờ vậy, những niên vụ vừa qua, năng suất mía đạt khá. Cây mía to, đẹp, ngọt nước với giá bán dao động từ 7.000 đến 12.000 đồng/cây”.

Tin cùng chuyên mục
"Chữa bệnh" cho chiêng

"Chữa bệnh" cho chiêng

Với sứ mệnh lưu giữ “hồn cốt” của cồng chiêng Tây Nguyên, những nghệ nhân tại các buôn làng Gia Lai đang miệt mài chỉnh sửa những tiếng chiêng lạc nhịp, để tiếng chiêng, tiếng cồng cổ mãi ngân vang “chín suối, mười đồi”. Họ như những bác sỹ không quản ngại ngày đêm lặn lội trên khắp các buôn làng để "chữa bệnh" cho chiêng.