Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Cô bé người Ba Na làm “đôi chân” cho bạn đến trường

Bình An - 06:29, 23/11/2023

Dù mới học lớp 1, cơ thể nhỏ thó… nhưng Y Juyên tình nguyện làm “đôi chân” cho cậu bạn cùng làng đến trường học chữ. Đó là tấm gương sáng giàu nghị lực vượt khó, là hình ảnh về một tình bạn đẹp của hai học trò người Ba Na.

Ngôi trường nơi A Đinh và Y Juyên theo học
Ngôi trường nơi A Đinh và Y Juyên theo học

Đưa bạn đến lớp

Đều đặn 3 tháng qua, cứ 6h sáng mỗi ngày, Y Juyên (dân tộc Ba Na), học sinh lớp 1B, Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Lê Lợi, TP Kon Tum lại đi bộ từ nhà mình sang nhà  người bạn A Đinh để cõng bạn đến trường.

A Đinh bị bại liệt đôi chân sau một trận sốt khi vừa tròn 1 tuổi. Bố bỏ đi biệt tích, còn mẹ vào tỉnh Bình Dương làm thuê để mưu sinh. Mỗi tháng mẹ gửi khoảng 1 triệu đồng về phụ giúp ông bà lo cho con trai ăn uống, thuốc men. Cậu bé ở với ông bà ngoại đã ngoài 50 tuổi. Nhà nghèo, ông bà Đinh phải đi làm thuê, cuốc mướn khắp nơi để nuôi cháu cùng người mẹ già đã ngoài 70 tuổi.

Không thể đi lại như bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của A Đinh là chuỗi ngày quẩn quanh trong nhà. Nhìn chúng bạn ăn mặc tươm tất đến trường học chữ, nhiều lần A Đinh tủi thân khóc. Cũng muốn biết đọc, biết viết… cậu bé xem tivi rồi học lỏm theo được vài chữ.

“Thấy bạn bè đi học em cũng muốn đi lắm. Nhưng ông bà phải đi làm, chân em bị bại liệt không đi được. Em buồn và khóc nhiều lắm”, em A Đinh tâm sự.

Mỗi ngày Y Juyên tình nguyện làm “đôi chân” cõng A Đinh đến trường.
Mỗi ngày Y Juyên tình nguyện làm “đôi chân” cho A Đinh đến trường.

Năm lên 6 tuổi, Y Juyên không muốn bạn cứ mãi ở nhà nên tình nguyện làm “đôi chân” cõng cậu bé đến lớp. Cùng ở làng Plei Rơ Hai 1 (phường Lê Lợi), mỗi sáng Y Juyên dậy sớm hơn thường lệ, đến nhà cõng bạn đi học. Chiếc lưng nhỏ của cô bé người Ba Na ngày nào cũng nhễ nhại mồ hôi.

Nhà cách trường chưa đến 1 cây số, thế nhưng Y Juyên nghỉ mệt ngót nghét chục lần. Cõng bạn trên vai kèm với 2 chiếc balo, đôi chân cô bé nặng trĩu bước từng bước nhỏ. Thế nhưng dù nắng hay mưa, cô học trò nhỏ chưa bỏ bạn lần nào. Có những ngày mệt quá, hai em đến trường đã quá giờ. Thấy học trò quan tâm, yêu thương, giúp đỡ nhau giáo viên trong trường rất cảm động, thường đón các em để hỗ trợ giúp hai em thuận lợi bước qua từng bậc thềm vào lớp.

“Bạn thiệt thòi khi bị liệt hai chân, em thương bạn lắm. Em muốn cõng bạn đến trường để bạn đi học, bạn biết chữ, bạn thấy khung cảnh trường lớp. Thấy bạn vui, em cũng vui lây”, cô học trò Y Juyên tâm sự.

Khó khăn khi bước lên bậc thềm, hai em được giáo viên hỗ trợ.
Khó khăn khi bước lên bậc thềm, hai em được giáo viên hỗ trợ.

Hình ảnh đẹp về tình bạn

Được đi học mỗi ngày, niềm vui sự hạnh phúc luôn hiện hữu trên gương mặt A Đinh. Khác với những ngày đầu nhận lớp, cậu bé nhút nhát, tự ti dần cởi mở và chơi đùa cùng các bạn. Những trò chơi đơn giản cũng được các bạn đưa vào lớp để A Đinh có thể dễ dàng tham gia. Mỗi lúc A Đinh muốn ra sân trường, Y Juyên lại tình nguyện đưa bạn đi để ngắm khung cảnh của ngôi trường thân yêu.

“Em sợ bạn Juyên mệt nên chủ yếu chơi trong lớp. Mấy hôm nay được cô, chú tặng xe lăn nên em vui lắm, vì bạn Juyên sẽ đỡ mệt hơn. Em ước mơ lớn lên trở thành bác sĩ để tự chữa bệnh cho mình. Chân em khỏi bệnh thì bạn Juyên cũng không phải mệt vì cõng em mỗi ngày nữa”, em A Đinh bộc bạch.

Ông A Đoan (ông ngoại của) A Đinh đã bước sang tuổi 59, sức khoẻ yếu dần nên lâu nay ít người thuê đi làm. Hai vợ chồng ông quần quật làm thuê chỉ đủ nuôi 4 miệng ăn trong nhà, chẳng có của dư.

Ông A Đoan tâm sự, từ khi sinh ra A Đinh – cháu ngoại ông đã không được sống trọn vẹn với tình thương của cha mẹ. Khi lên 1 tuổi, sau trận sốt li bì thì bị bại liệt nên ông bà rất thương A Đinh. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều năm chẳng thể cho cháu được đến trường như các bạn. May mắn, A Đinh có Y Juyên làm bạn đồng hành và hỗ trợ đến trường nên ông rất vui và hạnh phúc.

“Cháu thiệt thòi rất nhiều so với bạn bè, nhưng bù lại cháu có tình bạn đẹp với Y Juyên. Gia đình rất vui khi Y Juyên luôn làm “đôi chân” đưa A Đinh đi học thay chúng tôi. Thấy cháu của mình hạnh phúc, tươi cười khi được đi học, mình là ông bà cũng vui lây. Chúng tôi chỉ mong có nhiều sức khoẻ để đi làm lo cho cháu. Như vậy A Đinh sẽ đỡ thiệt thòi, tủi thân với bạn bè”, ông A Đoan nói.

Tình bạn đẹp giữa A Đinh và Y Juyên, cũng như tinh thần nỗ lực của 2 em là tấm gương sáng để bạn bè học tập.
Tình bạn đẹp giữa A Đinh và Y Juyên, cũng như tinh thần nỗ lực của 2 em là tấm gương sáng để bạn bè học tập.

Cô Nguyễn Thị Lượng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Lê Lợi cho biết, dù không đi học mẫu giáo nhưng khi vào lớp 1 cậu học trò A Đinh chỉ làm quen 2-3 tuần đã có thể đọc, viết như các bạn. Bên cạnh đó việc tiếp thu kiến thức của em rất nhanh.

Theo cô Lượng, vào những ngày ông bà ngoại của A Đinh bận lên nương rẫy, thì Y Juyên tình nguyện cõng bạn đến trường. Mặc dù người thấp bé, gầy gò nhưng Y Juyên luôn bên cạnh hỗ trợ bạn từ việc đến lớp, vệ sinh cá nhân trên trường.

“Đây là một hình ảnh đẹp về tình bạn đáng được tuyên dương và là tấm gương sáng để các bạn khác học tập, noi theo. Đây cũng là những bài học thực tế để chúng tôi đưa vào những bài học về đạo đức, mà có lẽ không sách vở nào có thể diễn tả được  ”, cô Lượng nói.

Để hỗ trợ phần nào khó khăn, tiếp thêm động lực giúp hai em đến lớp, mới đây nhà trường đã kêu gọi và được nhà hảo tâm hỗ trợ một chiếc xe lăn và suất học bổng trị giá 12 triệu đồng/năm cho A Đinh cùng Y Juyên. Ngoài ra, A Đinh còn được hỗ trợ hơn 45 triệu đồng để động viên tinh thần vượt khó đến trường.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.