Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Cô giáo người Tày gần 20 năm gắn bó với học trò vùng cao

Mỹ Dung - 05:12, 22/01/2024

Gần 20 năm qua, bằng tâm huyết với sự nghiệp trồng người, cô giáo Dương Thị Bền (sinh năm 1982) dân tộc Tày, hiện là giáo viên môn Lịch sử - Địa lí, Trường THCS Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang luôn nỗ lực, say mê nghiên cứu giảng dạy và có nhiều sáng kiến giữ gìn bản sắc văn hóa trong các hoạt động của nhà trường.

Cô giáo Dương Thị Bền được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen tại Hội nghị biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất năm 2023
Cô giáo Dương Thị Bền được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen tại Hội nghị Biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất năm 2023

Nhiều quả ngọt trong sự nghiệp trồng người

Sinh ra và lớn lên ở thôn Gà, xã Vân Sơn - là một trong các xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động với gần 100% dân số là người DTTS; bố mẹ làm nông nghiệp, nhà  đông con, nên cuộc sống rất khó khăn. Ngay từ nhỏ, cô bé Bền đã mang trong mình ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo mang con chữ cho trẻ em vùng cao, vùng sâu khó khăn, xây dựng quê hương.

Còn nhớ con đường đi học từ thôn ra trung tâm xã ngày ấy đường đất đá lởm chởm, dốc cao trơn trượt, nhưng không kể mưa nắng, ngày ngày cô bé Bền vẫn miệt mài đến trường. Dù gia đình nghèo khó, nhưng với quyết tâm của mình, cùng sự động viên của gia đình, Bền đã vào học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Động. Rồi năm 2001 đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự Bắc Giang. Ước mơ trở thành cô giáo từ thuở ấu thơ nay đã trở thành hiện thực.

Sau khi tốt nghiệp, cô giáo trẻ được phân công giảng dạy tại Trường THCS An Lạc, thuộc một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động, với đa số các em học sinh là người DTTS. Đến năm 2011, cô Bền được phân công công tác tại Trường THCS Vân Sơn. Ngày ngày, ngoài việc giảng dạy trên lớp, cô Bền lại tận tình đến vận động phụ huynh cho con đến lớp, vươn lên thoát nghèo bằng con đường theo đuổi con chữ.

“Đa số các em học sinh là người DTTS. Các em thường nhút nhát, thiếu tự tin, có nhiều em nói tiếng phổ thông chưa rõ. Một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của các con… Hơn nữa môn Lịch sử lại được coi là môn phụ, đi ôn mất thời gian, nên phụ huynh cũng không ủng hộ nhiều”, cô Bền chia sẻ.

Hiểu được điều đó, cô Bền đã động viên, giải thích cho các em học sinh tầm quan trọng của bộ môn Lịch sử đối với sự phát triển của địa phương, lồng ghép các hình ảnh, Clip thực tế sinh động giúp các e dễ hiểu thêm yêu thích môn Lịch sử. Với cô, người giáo viên miền núi không chỉ trang bị tri thức, kỹ năng, khơi dậy hứng thú của học sinh, mà quan trọng là truyền cảm hứng, đánh thức ước mơ, khát vọng tương lai của các em.

Nhờ sự cố gắng của cô và trò, nên số lượng học sinh giỏi cấp huyện của trường đạt giải ngày càng tăng. Năm học 2020 - 2021, học sinh giỏi môn Lịch sử đạt 8 giải (1 giải Nhì, 1 giải Ba, 6 giải Khuyến khích); năm học 2021 - 2022 học sinh giỏi môn Lịch sử - Địa lí đạt 9 giải (1 giải Nhất, 3 giải Ba, 5 giải khuyến khích); năm học 2022 - 2023, 8 học sinh đều là người DTTS và đều đoạt giải (1 giải Nhất, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích).

Trong đội tuyển có em Vi Thị Yến Nhi, dân tộc Tày, gia đình thuộc hộ nghèo. Bản thân em bị bỏng xăng nặng từ khi còn học tiểu học. Giờ em không còn được lành lặn như những bạn bè khác. Em luôn tự ti trong học tập và giao tiếp với bạn bè.

“Có những lúc em đã rất tự ti, nản chí, nhưng nhờ được cô tận tình đến nhà động viên, tận tình chỉ bảo trong quá trình ôn, nên em đã đạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử - Địa lí 7 năm học 2022 - 2023. Em biết ơn cô Bền nhiều lắm”, em Nhi trải lòng khi nhắc về cô giáo của mình.

Không những vậy, cô Bền còn say mê nghiên cứu khoa học với 4 sáng kiến, đề tài được cấp huyện công nhận, đưa vào áp dụng mang lại hiệu quả cao. Điển hình là sáng kiến "Tìm hiểu, giới thiệu, biên soạn chữ viết và dân ca của dân tộc Dao đỏ, vận dụng vào dạy chương trình Ngữ văn địa phương cho học sinh ở Trường THCS Vân Sơn"; "Giúp học sinh học tốt môn Lịch sử lớp 9 thông qua lồng ghép giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh".

Cô giáo Dương Thị Bền miệt mài truyền dạy tiếng dân tộc Tày cho học sinh
Cô giáo Dương Thị Bền miệt mài truyền dạy tiếng dân tộc Tày cho học sinh

Góp công thành lập Câu lạc bộ Tiếng Tày

Là người con của dân tộc Tày, cô Bền luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Trong quá trình dạy trên lớp cô nhận thấy đa số các em học sinh không biết tiếng Tày nên cô đã có ý tưởng thành lập lớp tiếng Tày để giúp các em được giao lưu, học tiếng Tày, bảo tồn tiếng nói, chữ viết.

Bắt tay vào việc, cô giáo Bền đã tìm gặp, xin ý kiến của các bác Người có uy tín, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then, cũng như tìm hiểu thêm các tài liệu trên sách, mạng... để trau đồi thêm các kiến thức, thông tin cho mình. Cuối năm 2022, cô đã xin ý kiến nhà trường thành lập Câu lạc bộ học tiếng dân tộc Tày với 15 học sinh. Mỗi tuần học 1 buổi vào chiều thứ Bảy. Các em được nghe cô dạy cách đọc, cách viết, giới thiệu về lịch sử, văn hóa dân tộc Tày, thực hành đọc và viết theo... Đến nay, có trên 30 học sinh tham gia Câu lạc bộ, trong đó có cả một số em là người dân tộc Kinh và các dân tộc khác.

Chia sẻ về mong muốn mở rộng và nâng cao hiệu quả của mô hình này trong nhà trường, cô giáo người Tày Dương Thị Bền nói: “Tôi rất mong thời gian tới các cấp chính quyền có chủ trương thống nhất đưa chương trình dạy tiếng dân tộc vào các trường học, có một bộ tài liệu chuẩn về tiếng dân tộc Tày của địa phương, mở lớp tập huấn, đào tạo cho đội ngũ giáo viên có phương pháp, kinh nghiệm để truyền dạy tiếng Tày hiệu quả...”.

Với những thành tích trong công tác, cô giáo Dương Thị Bền nhiều năm được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Tại Hội nghị Biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất năm 2023, cô vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Tin cùng chuyên mục
Bước ra khỏi vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp

Bước ra khỏi vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp

Trong thời đại 4.0, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ người DTTS đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức ở những lĩnh vực mới mẻ. Với sự quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những nữ doanh nhân người DTTS đã tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn lợi kinh tế cho doanh nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ ở địa phương. Nữ doanh nhân Vương Thị Thương, dân tộc Tày ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ.