Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cô giáo vùng cao gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người

Minh Đức - Vũ Mừng - 22:59, 10/03/2024

Với gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở huyện vùng cao Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), cuối năm 2023 cô giáo Nguyễn Thị Lành, sinh năm 1972, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học Sủng Máng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Lành trong giờ lên lớp
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Lành trong giờ lên lớp

Cô giáo Nguyễn Thị Lành, sinh ra và lớn lên tại xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm 1995, cô giáo Lành tình nguyện lên huyện vùng cao Mèo Vạc, và tham gia lớp 9+1. Sau ngày tốt nghiệp chị được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp nhận, phân công về Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học Sủng Máng giảng dạy.

Trong vai trò “người lái đò”, cô giáo Lành cùng đồng nghiệp chú trọng việc xóa mù chữ rồi tiếp đó là phổ cập tiểu học. Cô Lành tâm sự, những ngày đầu nhận công tác, địa bàn chưa có đường giao thông thuận lợi nên việc đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa để xóa mù chữ gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất thiếu thốn nên duy trì việc học đã là thứ thách đối với những người làm công tác giáo dục nhưng việc nâng cao nhận thức cho đồng bào lại càng khó hơn. Tuy nhiên với lòng yêu nghề, sự động viên từ người thân, đồng nghiệp cô đã vượt qua tất cả để gieo chữ trên miền đá.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Lành chia sẻ: Niềm vui lớn nhất của người giáo viên ở vùng sâu vùng xa đó là qua quá trình giảng dạy, được nhìn thấy các em học sinh đọc thông, viết thạo, biết lễ phép với người lớn tuổi và thương yêu bạn bè. Với học sinh nhận thức chậm hơn, tôi dành nhiều thời gian để bồi dưỡng thêm cho các em để theo kịp với bạn bè. Nhờ vậy, mà có những em học sinh sau khi tiết học kết thúc các em đã kịp thuộc bài ngay trên lớp.

Quá trình công tác, Cô Lành luôn xác định trọng tâm của người giáo viên chính là những giờ lên lớp, làm thế nào để có những giờ học hay, thu hút được sự hứng thú say mê học tập của học sinh. Do đó, trong giảng dạy cô phân ra từng đối tượng học sinh cụ thể để có phương pháp dạy phù hợp với năng lực, kiến thức học tập của mỗi em học sinh.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Lành hướng dẫn học sinh bán trú gấp chăn, màn gọn gàng
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Lành hướng dẫn học sinh bán trú gấp chăn, màn gọn gàng

Bằng sự trách nhiệm, nhiệt tình trong giảng dạy của mình, cô Lành được Ban Giám hiệu nhà trường tín nhiệm phân công vừa làm công tác chủ nhiệm lớp, vừa làm khối trưởng chuyên môn, vừa bồi dưỡng học sinh giỏi của trường. Nhiều sáng kiến, nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy và học của cô giáo Nguyễn Thị Lành được ứng dụng vào thực tế giảng dạy và được Phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc nhân rộng như: Sử dụng phương pháp trực quan trong dạy học môn Tiếng Việt bậc tiểu học; Kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp; Biện pháp giúp học sinh lớp 2 nâng cao năng lực học Toán; Phương pháp dạy học cho học sinh lớp 3 thông qua trò chơi học tập...

Thầy giáo Cao Duy Chương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học Sủng Máng cho biết: Những năm học qua, nhà trường đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến cán bộ, đảng viên, giáo viên, người lao động và các em học sinh trong toàn trường. Trong cuộc vận động đó, cô giáo Nguyễn Thị Lành luôn là thành viên tích cực tham gia. Trong giảng dạy, cô thường xuyên lồng ghép giáo dục tấm gương đạo đức của Bác Hồ vào các tiết học để các em học sinh nhận thức được sâu sắc hơn về Bác. Ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của cô giáo Nguyễn Thị Lành, cuối năm 2023 của các cấp cô giáo Nguyễn Thị Lành vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.