Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cô giáo vùng cao nỗ lực bảo tồn chữ Thái

Quỳnh Trâm – CTV - 06:38, 20/11/2022

Với mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, bao năm qua cô giáo Hà Thị Khuyên, giáo viên môn Ngữ Văn Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn- Thanh Hóa) luôn nỗ lực tham gia sưu tầm, truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái ở huyện vùng cao biên giới.


Từ năm 2012 đến nay, cô giáo Hà Thị Khuyên đã truyền dạy nói, viết chữ Thái cho nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Quan Sơn
Từ năm 2012 đến nay, cô giáo Hà Thị Khuyên đã truyền dạy nói, viết chữ Thái cho nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Quan Sơn

Tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ Văn, trường Đại học Tây Bắc (Sơn La) năm 2009, cô giáo trẻ dân tộc Thái Hà Thị Khuyên đã trở về quê hương để gắn bó, giảng dạy ở mái trường THPT Quan Sơn - ngôi trường nơi cô từng theo học.

Được tiếp cận với những kiến thức, với xã hội bên ngoài trong những năm theo học đại học, cô Khuyên hiểu và tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Và những giá trị di sản văn hóa này, nếu được tiếp tục bảo tồn và phát huy sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho thế hệ sau này. Chính vì vậy, năm 2010, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái cho cán bộ, giáo viên miền núi. Cô giáo Hà Thị Khuyên đã đăng ký tham gia khóa học, và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái. Để có thể hiểu sâu hơn, cô còn học hỏi thêm từ những nghệ nhân dân tộc Thái, rồi mày mò, tìm hiểu và soạn giáo án phù hợp với đối tượng học sinh để giảng dạy.

Theo đó, năm 2012, lớp học tiếng Thái đầu tiên tại Trường THPT Quan Sơn được mở, với 38 em học sinh. Cô Khuyên cho biết, ban đầu khi mới đưa vào giảng dạy, có khá nhiều khó khăn. Lớp học trái với buổi học chính khóa do tổ chức theo hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp, việc duy trì sĩ số khá vất vả. Nhiều em đi học xa nhà, địa hình phức tạp nên khó vận động các em tham gia học. 

Bên cạnh đó, các em chưa hiểu hết ý nghĩa của việc học chữ Thái; chưa nhận thức được rằng học để hiểu biết, để gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc mình nên còn ngại học, không chuyên cần đến lớp. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi các em theo học thấy phương pháp truyền thụ dễ hiểu, dễ nhớ của cô Khuyên nên các em dần ham thích và tạo thành phong trào. Còn cô giáo Khuyên thì cảm thấy rất vui, tự hào vì đã làm được một việc có ý nghĩa với đồng bào mình, đó là truyền dạy cho các em tình yêu với văn hóa dân tộc.

Cô Khuyên (bìa trái) trong buổi hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa)
Cô Khuyên (bìa trái) cùng tham gia buổi hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái với các em học sinh Trường THPT Quan Sơn

Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm có 2 lớp học, có năm tới 6 lớp học chữ Thái được mở trong Trường THPT Quan Sơn do cô giáo Hà Thị Khuyên giảng dạy.

Lớp học tổ chức ngoài giờ, một tuần 1 buổi học, 1 khóa học 3 tháng. Trong 3 tháng học, nội dung mà cô Hà Thị Khuyên giảng dạy, là giúp các em nắm được kiến thức về chữ viết, hệ thống nguyên âm, phụ âm, thanh điệu và quy tắc viết. Từ cách viết dần dần uốn nắn các em cách phát âm chuẩn tiếng Thái.

 Cùng với đó, cô đã lồng ghép việc dạy chữ với việc giới thiệu kho tàng văn học dân gian Thái tới các em học sinh như: tục ngữ, dân ca, truyện thơ Khăm Peng, Xống chụ xon xao, sử thi Chương Han. Qua đó, các em hiểu hơn về phong tục, tập quán, lối sống, ứng xử của cộng đồng dân tộc Thái. Mỗi buổi học như thế, cô khuyến khích các em mặc trang phục dân tộc nhằm góp phần bảo tồn nét văn hóa của đồng bào mình.

Ngoài việc dạy cho các em ở trường, hiện cô giáo Hà Thị Khuyên còn là cộng tác viên của Trường Đại học Hồng Đức, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa để dạy các lớp chuyên đề, tổ chức thi, kiểm tra, cấp chứng chỉ tiếng Thái cho cán bộ, công chức, viên chức tại tỉnh Thanh Hóa. Cô còn tham gia vào Ban Chấp hành Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Quan Sơn, trở thành cầu nối trong các hoạt động tuyên truyền về văn hóa dân tộc đến với đông đảo học sinh nhà trường.

 Không chỉ vậy, cô Khuyên còn hăng say sưu tầm và dịch các văn bản, tác phẩm bằng tiếng Thái cổ sang Tiếng Việt. Tham gia công việc này, cô Hà Thị Khuyên cũng vinh dự đoạt giải Ba (A) của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2017, với tác phẩm “Lai Xư Tày Đeng”.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, cô giáo Hà Thị Khuyên trăn trở: Hiện nay, tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái có nguy cơ bị mai một nên cô rất mong được nhân rộng việc dạy và học chữ Thái ở những ngôi trường khác, nhất là trong các trường dân tộc nội trú. Cô giáo Khuyên cũng  mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các ngành chức năng, như Hội Nhân học và Dân tộc học Thanh Hóa trong việc có chương trình, dự án hỗ trợ, khuyến khích để các em học sinh được sử dụng chữ viết một cách thường xuyên. 

"Nên chăng có những trang báo, chuyên san dành dung lượng phù hợp để đăng bài của các em dịch, đọc phiên âm một văn bản hoặc đăng những sáng tác bằng chữ Thái. Nếu không có môi trường sử dụng, sau quá trình học tập các em dễ rơi vào tình trạng tái mù chữ Thái”, cô giáo Khuyên đề xuất.

Cô giáo Hà Thị Khuyên trong một buổi dạy chữ Thái cho học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa)
Cô giáo Hà Thị Khuyên trong giờ lên lớp dạy chữ Thái ở Trường THPT Quan Sơn

Thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn cho biết. Nhà trường có gần 700 em học sinh, trong đó các em dân tộc Thái chiếm 93%. Cô giáo Hà Thị Khuyên là giáo viên có chuyên môn vững vàng, là người tâm huyết, say mê, trách nhiệm với việc học, dạy chữ Thái cho các em học sinh. Đặc biệt, học sinh tham gia lớp học chữ Thái  ngoài việc học hoàn toàn miễn phí, Nhà trường  hỗ trợ kinh phí in ấn tài liệu và bồi dưỡng cho giáo viên tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn, nên hiện trường mới chỉ duy trì mỗi khóa 2 lớp, nhưng xác định sẽ triển khai dần để các thế hệ học sinh có thể giữ gìn được bản sắc dân tộc.

Được biết, Trường THPT Quan Sơn là trường đầu tiên dạy tiếng Thái trong trường học ở Thanh Hóa, trong đó có sự đóng góp rất lớn của cô giáo Hà Thị Khuyên. 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.